(ĐSPL) - Cộng đồng quốc tế cần xem xét hệ lụy của “chiến lược đắp đảo” mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Biển Đông, từ góc độ luật pháp quốc tế.
Đó là nhận định của hai tác giả Andrew Erickson (giáo sư trường Đại học hải chiến Mỹ) và Austin Strange (nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard) trong bài viết sau đây đăng trên trang mạng Foreign Policy
Sự thật và luật pháp không ủng hộ Trung Quốc
Theo hai tác giả nói trên, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đang diễn ra trên Biển Đông khiến nhiều người nhớ đến câu ngạn ngữ xưa: "Khi sự thật đứng về phía bạn, hãy chỉ nói sự thật. Khi luật pháp đứng về phía bạn, hãy chỉ nói về luật pháp. Khi cả sự thật và luật pháp đều không thuộc về bạn, hãy tìm cách thương lượng”.
Bắc Kinh đang sử dụng tất cả các phương pháp tiếp cận cùng một lúc nhưng đầy tham vọng: khi tranh luận với các bên về biển đảo, Trung Quốc đồng thời đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
|
Hình ảnh chụp được vào tháng 3/2012 cho thấy Trung Quốc đang tạo ra một hòn đảo rộng 30 hecta ở Đá Gạc Ma phía trên một rạn san hô ngập nước. |
Một trường hợp điển hình là dự án lớn cải tạo bãi đá ngầm Gạc Ma (Johnson South Reef) tại quần đảo Trường Sa. Hình ảnh chụp được vào tháng 3/2012 cho thấy Trung Quốc đang tạo ra một hòn đảo rộng 30 hecta phía trên một rạn san hô ngập nước bằng cách nạo vét các vật liệu dưới đáy biển và đổ lên đảo bằng đường ống. Bên cạnh các bệ thông tin liên lạc được xây dựng sau khi Trung Quốc chiếm đảo từ Việt Nam năm 1988 (làm chết 64 thủy thủ Việt Nam), trong hai năm gần đây, Trung Quốc dường như đã thiết lập thêm các trạm radar, thiết bị thông tin vệ tinh, hệ thống vũ khí hải quân và phòng không, một sân bay trực thăng, một cảng tàu, và thậm chí cả một máy phát điện chạy bằng sức gió. Tuần báo quốc phòng IHS Jane và các nhà quan sát khẳng định rằng Trung Quốc sẽ xây dựng đường băng đầu tiên ở quần đảo Trường Sa trên rạn san hô này.
Việc “khơi luồng, đắp đảo” của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Đá Gạc Ma và trên thực tế đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu. Hình ảnh vệ tinh đã xác nhận hoạt động nạo vét tương tự, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn, tại ba thực thể khác trong quần đảo Trường Sa: Đá Châu Viên, Đá Gaven, và Đá Cô Lin.
|
Trung Quốc đã biến Đá Chữ Thập thành một thực thể nhân tạo rộng: có cầu cảng, sân bay trực thăng, pháo phòng thủ bờ biển và đồn trú thủy quân lục chiến. |
Tuy nhiên, Đá Chữ Thập lại được tập trung nhiều hơn cả. Trung Quốc đã biến Đá Chữ Thập thành một thực thể nhân tạo rộng: có cầu cảng, sân bay trực thăng, pháo phòng thủ bờ biển và đồn trú thủy quân lục chiến. Hiện đang có tin đồn rằng Trung Quốc đang có kế hoạch xây đường băng và mở rộng bến cảng và cuối cùng có thể biến Đảo Chữ Thập thành một căn cứ quân sự rộng 8 km2, có kích thước gấp 2 lần Diego Garcia - căn cứ quân sự chính của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Nó có thể trở thành một trung tâm chỉ huy và kiểm soát của hải quân Trung Quốc và từ đó thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông năm 2013.
Khi được phóng viên hỏi về kế hoạch “đắp đảo”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời: "Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi ở Trường Sa bao gồm cả Gạc Ma và vùng nước tiếp giáp. Bất cứ công trình nào Trung Quốc đang triển khai tại Gạc Ma đều hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc".
Thay đổi hiện trạng khu vực
Quần đảo Trường Sa có hơn 550 đảo, bãi cát, rạn san hô và bãi cát ngầm. Việt Nam, Philippines, Brunei, Malayssia và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo này.
|
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. |
Việt Nam đang kiểm soát 29 đảo và đá ở quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, căn cứ Hải quân Lima của Malaysia trên Đá Hoa Lau (Swallow Reef) là kết quả của những nỗ lực cải tạo rất lớn sau khi Kuala Lumpur chiếm bãi đá này vào năm 1983. Năm 2008, Đài Loan đã hoàn tất việc xây dựng đường băng trên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trong nhóm các đảo Trường Sa, mà Đài Bắc chiếm đóng năm 1955 và trên đó hiện đã có một đơn vị đồn trú hải quân lớn và một trạm radar. Ngoài ra, Philippines cũng chiếm 10 thực thể ở quần đảo Trường Sa và đang có kế hoạch xây dựng một sân bay và cảng biển trên đảo Thị Tứ.
Trung Quốc đã thiết lập các đơn vị đồn trú trên 7 trong số hàng trăm thực thể ở Trường Sa. Hiện các đơn vị đồn trú trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, mỗi đơn vị đều được trang bị các khả năng giám sát bằng rađa khác nhau, có sức chứa khoảng 100-200 quân…
Tuy là kẻ đến sau, nhưng Trung Quốc là bên yêu sách duy nhất mà tiềm lực kinh tế có thể hỗ trợ cho các dự án “xây dựng đảo”. Trung Quốc có thể đầu tư hơn 5 tỷ USD trong hơn 10 năm để “cải tạo” Đá Gạc Ma, trong khi đó ngân sách quân sự của Philippines năm 2014 chưa đầy 2 tỷ USD. Tàu nạo vét Tian Jing Hao của Trung Quốc, là loại tàu nạo vét lớn nhất Châu Á và cũng là vũ khí chính của họ trong việc đắp đảo, có chi phí chế tạo xấp xỉ 130 triệu USD – chiếm gần ¾ chi phí mà Việt Nam trả cho Nga để xây dựng một đơn vị tàu khu trục lớp Gepard, loại tàu chiến tiên tiến nhất của Việt Nam.
Những hệ lụy khôn lường
Vậy hệ lụy của việc xây dựng đảo quy mô lớn của Trung Quốc là gì? Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng, ngoài việc khẳng định chủ quyền, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng trên các rạn san hô và cấu trúc đá là nhằm mục đích củng cố yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ bờ biển và từ tất cả các đảo của nước này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, Điều 60 của UNCLOS nêu rõ rằng các “cấu trúc nhân tạo” không được coi là đảo và sự tồn tại của nó không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Khốn nỗi, điều đó không có nghĩa là việc đắp cát xây dựng công trình trên các thực thể nói trên là “dã tràng xe cát”. Không giống như việc triển khai giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Bắc Kinh gần đây trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam, việc “đắp đảo" sẽ nhằm mục đích hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự một cách lâu dài. Điều này cho phép Trung Quốc đa dạng hóa chiến lược khẳng định yêu sách lãnh thổ tại Trường Sa.
Càng đáng lo ngại với các quốc gia khác khi mà một mạng lưới các cơ sở quân sự vững chắc ở quần đảo Trường Sa, bao gồm việc mở rộng hiện diện ở Đá Chữ Thập, sẽ giúp Trung Quốc triển khai hiệu quả khả năng thể hiện sức mạnh trong phạm vi hơn 800 km (500 dặm), thông qua các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển trong các khu vực tranh chấp và thậm chí là các cuộc tuần tra trên không. Tương tự như ưu thế về kinh tế, lợi thế về quân sự (…) cho thấy Trung Quốc là bên có yêu sách duy nhất có khả năng phong tỏa thực tế cả ở trên không và trên biển thông qua mạng lưới các đảo nhỏ nằm trong khu vực biển rộng lớn như quần đảo Trường Sa.
Một lo ngại khác đó là việc tạo ra các hiện trạng mới trên thực tế sẽ thúc đẩy Trung Quốc đưa ra một hoặc nhiều Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Cuối cùng, và cũng có lẽ là đáng lo nhất, việc Trung Quốc đào bới trên quy mô lớn hiện nay dẫn đến gia tăng chạy đua vũ trang ở vùng biển vốn đã đầy biến động này. Các quốc gia khác trong khu vực - đặc biệt là Philippines và Việt Nam - chắc chắn sẽ tìm cách để bảo vệ yêu sách của mình một cách sáng tạo hơn. Điều này càng cho thấy tương lai của vùng biển Trường Sa chắc chắn sẽ không hề bình yên.
Cộng đồng quốc tế cần phải xem xét những hệ lụy của “chiến lược đắp đảo” của Trung Quốc từ góc độ luật pháp quốc tế. Điều này có thể sẽ làm suy yếu sự vai trò vốn khiêm tốn của các quy tắc và thoả thuận mang tính quốc tế như UNCLOS.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-xe-chien-luoc-dap-dao-cua-tq-o-bien-dong-a48108.html