+Aa-
    Zalo

    Mẹ ném con ở chung cư, đổi 100USD bị phạt 90 triệu "nóng" phiên thảo luận KT-XH

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều ĐBQH trăn trở vấn đề xuống cấp về đạo đức xã hội tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 27/10.

    Nhiều ĐBQH trăn trở vấn đề xuống cấp về đạo đức xã hội tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 27/10. Vụ mẹ ném con ở chung cư Linh Đàm, Hà Nội đã được nhiều ĐBQH nêu lên và bày tỏ rất đau lòng.

    Tiếp tục chương trình kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 27/10 Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

    Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

    Chiều nay (27/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Dự kiến mời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

    Trước đó, tại phiên làm việc sáng nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham gia giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm.

    Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 27/10.

    17h00: Quốc hội nghỉ, kết thúc ngày làm việc tại hội trường thảo luận về kinh tế - xã hội. Trước khi Quốc hội về nghỉ, chủ tọa đã phát biểu tổng kết nội dung 2 ngày làm việc hiệu quả của Quốc hội khi thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội.

    Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu

    16h35: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

    Phó Thủ tướng cho biết, về chất lượng tăng trưởng kinh tế, mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là cần phải có phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu. Mặt khác, chúng ta vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững. Theo tinh thần Quốc hội đã có Nghị quyết để thực hiện chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

    Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã có chương trình hành động rất quyết liệt, bền bỉ nhiều năm, đặc biệt là 3 năm qua.

    Trong 3 năm qua, Việt Nam đã có chuyển biến rất tích cực, chúng ta đã đi đúng hướng, phát triển toàn diện cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

    Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chất lượng tăng trưởng của chúng ta có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cũng có những yếu tố thiếu bền vững…

    Năng suất lao động của chúng ta vẫn còn thấp. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và thực hiện tốt chương trình này.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu; cũng không có chủ trương nới lỏng lạm phát mà sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ…

    Cần quan tâm kết cấu hạ tầng giao thông

    16h24: ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

    ĐBQH Trần Hoàng Ngân.

    Qua nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta, chúng tôi thấy kết quả năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả kinh tế đồng bộ cả về chất, lượng. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

    Về tính bền vững, kinh tế vĩ mô ổn định trong nhiều năm, cán cân thương mại xuất siêu trong 3 năm liên tiếp. Điều này, góp phần thặng dư được cán cân thanh toán vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế, tránh được cú sốc.

    Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá, nhưng tình hình tiền tại Việt Nam không bị biến động nhiều.

    Tình hình kinh tế trong thời gian tới trên thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, với mức độ mở kinh tế, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ có những thách thức nhất định. Cần nhìn nhận đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thành công trong năm 2018 để chuẩn bị cho giai đoạn tới.

    Có những nguyên nhân chính dẫn đến thành công đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đều rất sát thực tế; Vai trò giám sát của Quốc hội rất mạnh mẽ, sự phát biểu của các ĐBQH; Sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan và cuối cùng là tinh thần làm việc, nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ.

    Từ đó, ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ một số vấn đề Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm đó là kết cấu hạ tầng giao thông gồm: Xây dựng sân bay Long Thành, Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Sân bay Tân Sơn Nhất…

    Mừng - lo xen lẫn

    16h21: ĐBQH Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận)

    ĐBQH Nguyễn Bắc Việt.

    Chúng tôi mừng về phát triển kinh tế, nhưng lo về đạo đức xã hội xuống cấp. Vẫn còn đó những mảnh đời khó khăn, bế tắc trong cuộc sống dẫn đến tự vẫn như gần đây ở Hà Tĩnh.

    Mừng về chương trình mục tiêu phát triển nông thôn mới, nhưng mà lo về tái nghèo, tình trạng an ninh và an toàn xã hội ở vùng nông thôn đáng quan tâm. Đây là dạng tội phạm mới như ma túy, tín dụng đen, xâm hại trẻ em.

    Mừng về kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, nhưng mà lo vì trên nóng mà dưới chưa nóng, lo xử lý không đúng người không đúng tội.

    Mừng vì xử lý sắp xếp lại biên chế đang triển khai nhưng mà lo bởi vì tâm trạng của một bộ phận cán bộ công chức, nhất là những trường hợp sẽ nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi. Đang rất trông chờ Chính phủ ban hành chính sách phù hợp.

    Trăn trở sự xuống cấp về đạo đức

    16h15: ĐBQH Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long)

    ĐBQH Phạm Tất Thắng.

    ĐBQH bày tỏ phấn khởi, đánh giá cao kết quả kinh tế-xã hội mà đất nước đã đạt được. Chất lượng kinh tế dần chuyển dịch sang chiều sâu, chất lượng nguồn nhân lực đã nâng cao một bước. Và về cơ bản tán thành những tồn tại, hạn chế của báo cáo Chính phủ đã nêu.

    Bên cạnh đó, trong phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Tất Thắng đề cập đến một vấn đề mà ĐBQH nói rằng tuy không mới nhưng nó là vấn đề đáng được quan tâm. Đó là “Xây dựng một thế hệ con người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển đất nước”. Nhất là biểu hiện xuống cấp về đạo đức từ những hiện tượng đơn lẻ ngoài xã hội.

    ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu ra hai ví dụ gây xôn xao dư luận thời gian gần đây: “Một nữ sinh viên năm thứ 4 được đánh giá là ngoan hiền, sinh con trong nhà vệ sinh, hành động của nữ sinh này vứt bỏ con của mình từ cửa sổ nhà vệ sinh được cơ quan chức năng xác định còn sự sống, việc làm này xuất phát từ sự vô tình đến nhẫn tâm, hay sự thiếu hiểu biết pháp luật, đạo đức lối sống xuống cấp hay xuất phát từ lý do nào đó…

    Một thiếu niên 15 tuổi thản nhiên giết nữ sinh làm thêm chỉ vì thích chiếc xe côn tay, hành động này xuất phát từ những nguyên nhân nào? Nhưng chắc xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật, do đạo đức lối sống xuống cấp.

    Vừa qua, Ủy ban văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng có khảo sát về đời sống văn hóa và qua khảo sát, nhiều chuyên gia, người dân nhận định đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội cũng có đánh giá còn những biểu hiện xấu về đạo đức gây bức xúc trong xã hội, nhưng nguyên nhân và giải pháp khắc phục dường như chưa đủ.

    Con người là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước, từ những phân tích trên, tôi đề nghị Chính phủ có cái nhìn, đánh giá sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân của vấn đề này.

    Quản lý đất đai còn lỏng lẻo

    16h05: ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam)

    ĐBQH Nguyễn Quang Dũng.

    Tôi xin nêu một số thực trạng và kiến nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục.

    Về quản lý đất đai còn lỏng lẻo, có nhiều vi phạm kéo dài nhiều nhiệm kỳ từ trước đến nay. Các vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm gần đây đã thể hiện điều đó.

    Vi phạm quản lý đất đai ở Đồng Tâm, Sóc Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và nhiều địa phương khác cho thấy có tình trạng vô nguyên tắc, cát cứ, buông lỏng quản lý và cả trục lợi.

    Chính những yếu kém trong quản lý đất đai dẫn đến tình hình quản lý đất đai ngày càng tăng. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm 70% các khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính.

    Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát quỹ đất trên toàn quốc, qua đó điều chỉnh kịp thời các loại đất, khắc phục tình trạng quy hoạch vượt quá nhu cầu, giữ đất bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

    Tình trạng khiếu kiện về tranh chấp đất rừng còn nhiều bất cập

    15h50: ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn)

    ĐBQH Nguyễn Lâm Thành.

    Đồng tình với nhiều nội dung của các đại biểu, ĐBQH Lâm Thành thấy vui mừng trước những điểm sáng về kinh tế-xã hội.

    Tuy nhiên, bên cạnh đó ĐBQH Nguyễn Lâm Thành cũng bày tỏ một số băn khoăn về công tác quản lý chưa giải quyết đồng bộ, triệt để quy hoạch đất đai, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khiếu kiện về tranh chấp đất rừng còn nhiều bất cập, hạn chế...

    Từ những bất cập nêu trên, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành cũng kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả về các lĩnh vực này.

    15h30: Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút

    Dân sống được với nghề rừng thì rừng mới được bảo vệ bền vững

    15h20: ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định)

    ĐBQH Lý Tiết Hạnh.

    Việc bảo vệ và phát triển rừng rất quan trọng, được người dân rất quan tâm, liên quan đến phát triển bền vững của đất nước. Cần có sự giám sát hết sức chặt chẽ trong lĩnh vực này.

    Vẫn còn hiện tượng khai thác đá, cát sỏi, phá rừng trái phép. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm minh hiện tượng này, không để tái phạm hành vi vi phạm nêu trên sẽ gây ra hệ quả xấu.

    Trong bảo vệ rừng cần phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân. Khi nào người dân thực sự gắn bó với rừng, sống được với nghề rừng thì rừng mới được bảo vệ và phát triển bền vững. Tôi kiến nghị cần xem xét nâng cao mức khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân.

    Đổi 100USD bị phạt 90 triệu đồng là không phù hợp

    ĐBQH Nguyễn Chiến (TP.Hà Nội)

    Về công tác tư pháp, ông Nguyễn Chiến cho rằng một nền kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường thì điều căn bản là minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi, doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử. Quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

    Đề cập đến vụ việc vừa qua người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ông cho “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước làm dư luận không đồng tình".

    Theo ông, việc xoá bỏ tình trạng đô la hoá cần được thực thi, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.

    Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều thì đó trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

    Bên cạnh đó, mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10USD, 100USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

    Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường mua bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không được kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ nhà nước phải thu hẹp thị trường này trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện.

    Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách

    14h51: Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

    Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

    Báo cáo giải trình một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 5 thách thức trong thời gian tới: Thứ nhất, thách thức về chiến tranh thương mại; thứ hai, thách thức về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; thứ ba, tụt hậu và thêm khoảng cách phát triển; thứ tư là vấn đề hội nhập quốc tế; thứ năm là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có tầm nhìn, bước đi một cách bài bản. Điều này không chỉ có bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn các bộ ngành có liên quan.

    Chúng ta cũng đã khắc phục một phần các tồn tại của nền kinh tế nhưng vẫn còn rủi ro, nguy cơ. Trong thời gian tới, vừa phải duy trì, củng cố đạt được, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh liên tục. Chúng tôi đồng tính với các giải pháp mà đại biểu nêu, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phát triển nhanh và bền vững, cần dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

    Sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, các kết quả nổi bật thể hiện trong toàn bộ nền kinh tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có những chuyển biến theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đã nêu còn triển khai chậm và chưa tạo chuyển biến rõ nét, trong thời gian tới phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt hơn.

    Về phát triển doanh nghiệp, các đại biểu nêu rất nhiều ý kiến. Các doanh nghiệp phát triển rất nhanh, năm nay dự kiến có thêm 130.000 doanh nghiệp. Nhưng số doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn tăng cao do quy luật cạnh tranh, đào thải, khó tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, đất đai, lao động…

    Hiện nay, có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, để có thêm khoảng 300.000 doanh nghiệp trong 2 năm tới, cần phải triển khai các giải pháp như dễ tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục... tin rằng sẽ đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

    Về thu hút đầu tư nước ngoài, có các kết quả đạt được và các hạn chế lớn. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ Xây dựng định hướng mới trong thời gian tới, tiếp tục thu hút FDI nhưng phải có bộ lọc, không thu hút bằng mọi giá với các yêu cầu về công nghệ, môi trường...

    Còn các vấn đề khác Bộ tiếp thu và nghiên cứu những giải pháp trong điều hành của Quốc hội.

    Một số gia đình không còn là nơi an toàn khi tệ nạn "hỏi thăm"

    14h42: ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang)

    ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà.

    Tôi đề cập đến vấn đề kinh tế gia đình trong kinh tế thị trường hiện nay. Bên cạnh những thành tựu trong công tác gia đình, mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến nhiều gia đình đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

    Mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, không ít gia đình bỏ mặc con trong điều kiện mặc xã hội phát triển, khó kiểm soát. Sự thiếu hụt kiến thức của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 25% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhiều hội chứng tâm lý xã hội nảy sinh như stress, trầm cảm, tự tử… số thiếu niên phạm tội trong 2 năm gần đây đều tăng.

    Một số gia đình không còn là nơi an toàn khi tệ nạn xã hội đã hỏi thăm, bạo lực gia đình, xâm hại còn nhức nhối. 60% vụ xâm hại trẻ em là từ người thân, người quen; 77% số vụ ly hôn xuất phát từ bị đánh đập, nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè…

    Phải nâng cao giáo dục gia đình, giáo dục cha mẹ, giáo dục tiền hôn nhân. Chúng tôi cho rằng, khi một người phụ nữ được trang bị hành trang, kiến thức về kỹ năng, văn hóa, thẩm mỹ, về đạo đức, về lối sống thì sẽ không có những trường hợp đau lòng như vừa rồi ở chung cư, một người mẹ trẻ đã ném con của mình đi.

    Cần xử lý nghiêm hành vi tín dụng đen

    14h30: ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long):

    Đề nghị Chính phủ cần tăng cường nguồn lực và tăng cường khả năng tiếp cận chính sách của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm hành vi tín dụng đen, cho vay nặng lãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo…

    Đề nghị bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi y tế, đảm bảo công bằng cho người dân.

    Văn hóa cũng “trên nóng, dưới lạnh”

    14h24: ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội)

    ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng.

    Chính phủ, các địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, luôn đề cao vị trí của văn hóa trong đối nội, đối ngoại. Chính sự chỉ đạo đúng đắn đó đã phát huy đúng, tạo tiền đề cho phát triển các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

    Tiếc rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn diễn ra trong nhận thức và hành động trong lĩnh vực văn hóa.

    “Qua tiếp xúc, cử tri cho rằng đầu tư cho văn hóa, nhất là văn hóa đỉnh cao, văn hóa cơ sở... vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Cử tri mong muốn lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần được quan tâm, đào tạo, đầu tư như trên các mặt trận khác. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, nhỏ lẻ, đặc biệt chưa khai thác được ở quy mô công nghiệp. Văn hóa là nguồn lực chiến lược để phát triển đất nước ta trong thế kỷ 21”, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng cho biết.

    Cần đưa nhiều mệnh giá bảo hiểm Y tế để người dân lựa chọn tốt hơn

    14h15’: ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội)

    ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn.

    Tổng chi của toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

    Với điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, tôi đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách thông thoáng và ổn định để huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân…

    Đề nghị Quốc hội cho sửa đổi luật Bảo hiểm Y tế, luật khám chữa bệnh, đồng thời cho xây dựng luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong bối cảnh cơ cấu bệnh tật đã thay đổi rất nhiều.

    Bảo hiểm Y tế đang bội chi 10%/1 năm. Trong khi vướng mắc trong khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm… Cần đưa ra nhiều mệnh giá bảo hiểm Y tế để người dân có quyền lựa chọn tốt hơn.

    Kinh tế nước ta đang đi đúng hướng

    14h09: ĐBQH Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh)

    ĐBQH Trần Thị Hằng.

    ĐBQH cho rằng, kinh tế nước ta đang đi đúng hướng, gần dân, sát thực tiễn, tăng cường niềm tin trong nhân dân và nhà đầu tư.

    Tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Thị Hằng cũng bày tỏ sự vui mừng về việc lần đầu tiên công bố chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ĐBQH kiến nghị các giải pháp phát triển các doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản, có các giải pháp hiệu quả hơn để kết nối khối doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp FDI…

    Chủ trương khởi nghiệp là đúng đắn

    14h05’: ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

    ĐBQH Nguyễn Thị Lan.

    Tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần xác định khởi nghiệp Quốc gia không phải là phong trào. Cần có chiến lược và chính sách để đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.

    Thứ hai, xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp, các cơ sở giáo dục liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm.

    Cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục thường xuyên

    14h00: ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình)

    ĐBQH Quách Thế Tản.

    ĐBQH nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội. Báo cáo cho thấy, năm 2018 chúng ta đã có những quyết tâm cao về kinh tế. 

    Một số lĩnh vực khác đều có những thành tựu, chuyển biến rất tích cực, đồng thời cũng còn một số khó khăn hạn chế như năng suất lao động hạn chế. Tuy nhiên, còn một số bất cập dự án BOT, tham nhũng… Trong cải cách hành chính, vẫn còn một vài khuyết điểm như bộ Tư pháp vẫn còn những văn bản sai quy định, đề nghị Chính phủ xem xét lại Bộ nào, địa phương nào ra văn bản sai quy định để tránh làm mất niềm tin của nhân dân.

    Về vấn đề giáo dục đào tạo, mới chỉ nói đến giáo dục chính quy nhưng giáo dục thường xuyên chưa được quan tâm. Đề xuất, cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục thường xuyên. 

    Thu - Bích- Hường

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-nem-con-o-chung-cu-doi-100usd-bi-phat-90-trieu-nong-phien-thao-luan-kt-xh-a249142.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan