+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu giải pháp "kiềng ba chân" của ngành Y tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong 2 ngày 26 và 27/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội.

    Trong 2 ngày 26 và 27/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội. Các thành viên Chính phủ sẽ cùng tham gia giải trình những vấn đề ĐBQH quan tâm liên quan đến ngành mình phụ trách.

    Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày hôm nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

    Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

    Trong ngày hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Công Thương sẽ tham gia giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm.

    Ngày hôm qua (26/10), 2 "Tư lệnh ngành" cũng đã có giải trình trước Quốc hội về các vấn đề ĐBQH quan tâm là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

    F5 để tiếp tục cập nhật...

    Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 26/10.

    Năng suất lao động của nước ta vẫn còn thấp

    10h52: ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM)

    ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân.

    Đồng tình cao ý kiến của nhiều đại biểu cũng như báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội.

    ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nói: “Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề. Trong đó, năng suất lao động của chúng ta vẫn còn thấp.

    Sau hơn 40 năm đổi mới, năng suất lao động của chúng ta quá thấp. Chúng ta có thể tăng năng suất lao động nhanh, nhưng không thể nhanh đến mức quá với quy luật của nền kinh tế”.

    ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay, năng suất lao động có hai thước đo khác nhau: Năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế.

    Từ những vấn đề nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị xử lý bài toán tăng năng suất lao động cần quan tâm đến 8 nhóm yếu tố nâng cao năng suất lao động gồm: Xác định mô hình sản xuất phù hợp; xây dựng thương hiệu; phát triển thị trường tín dụng hiệu quả; quan tâm thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài; nâng cao trình độ người lao động; phát triển khoa học và công nghệ...

    Làm sao để kiểm soát quyền lực?

    10h40: ĐBQH Triệu Tài Vinh (Hà Giang)

    ĐBQH Triệu Tài Vinh.

    Cá nhân tôi quan tâm đến vấn đề kiểm soát về quyền lực. Làm sao để quyền lực của nhân dân được kiểm soát hiệu quả thông qua đội ngũ cán bộ công chức một cách chuyên nghiệp nhất. Đây là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Tôi đồng tình với quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc là cần khắc phục tình trạng trên nóng, dưới nóng nhưng giữa lạnh.

    Về chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta đã hội nhập ASEAN một cách rất trách nhiệm và có hiệu quả cao. Uy tín của Việt Nam được nâng lên, độ mở của nền kinh tế lớn hơn. Bên cạnh đó cũng có nhiều bài học, đó là ý thức trách nhiệm xã hội, của các doanh nghiệp, ý thức công dân của người dân, đó là chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp.

    Trong kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về CPTPP. Để hội nhập CPTPP có hiệu quả, theo tôi cần xây dựng tính kỷ luật lao động. Đối với doanh nghiệp là nâng cao năng suất lao động, sáng tạo, khởi nghiệp. Đối với người dân phải đổi mới dạy nghề và đào tạo nghề phù hợp hơn.

    Hiện nay, hình thức, chương chình dạy nghề cần đổi mới. Đặc biệt dạy nghề trong chương trình 135, 30A, dạy nghề khu vực nông thôn nói chung.

    Dạy nghề hiện nay còn hình thức, không còn là chính sách mà đã thành chế độ, đi học nghề để lấy tiền, chất lượng lao động thấp…

    Chúng ta vẫn thường nói “cho cần câu hay cho con cá”? Chúng ta đã cho nhiều cần câu rồi, vấn đề hiện nay là cho cần câu thì câu ở đâu? Phải tạo ra những môi trường tốt hơn, đó là những cái ao để người nông dân có thể câu được.

    Theo tôi, cái ao đó là môi trường xung quanh của người nghèo, của nông dân. Chính vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho làm giàu, hỗ trợ cho người khá, để làm tấm gương để thúc đẩy hộ nghèo phát triển. Đối với hộ nghèo thì cần chuyển từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có thu hồi, để người thụ hưởng thấy được trách nhiệm của mình.

    Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn

    10h30: Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh)

    Thống nhất với báo cáo về nền kinh tế - xã hội của Chính phủ, tuy nhiên, vị ĐBQH còn nhiều băn khoăn về những khó khăn như đổi mới mô hình tăng trưởng còn hạn chế, hiệu quả đầu tư công còn thấp, chi thường xuyên vẫn cao, nhiều dự án doanh nghiệp, nhà nước vẫn thua lỗ, thất thoát…

    Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề ra giải pháp chủ yếu trong thời gian tới: Đó là khắc phục các tồn tại yếu kém nền kinh tế, cần nắm chắc dự báo đúng tình hình, có phương án đối phó kịp thời. Tập trung xây dựng đổi mới thể chế, cơ chế chính sách đẩy mạnh phân cấp, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển kinh tế. Tập trung đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại thị trường tài chính. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên… thúc đẩy xã hội hóa phát triển thị trường công…

    Giải pháp "kiềng ba chân" của ngành Y tế

    10h10: Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

    Giải trình trước Quốc hội về một số lĩnh vực được ĐBQH đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng Y tế nêu thực trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối. Nguyên nhân do người dân không tin tưởng tuyến dưới, bị bệnh nhẹ cũng dồn lên tuyến trên. Ví dụ dịch tay chân miệng vừa qua, độ 1, độ 2 đáng lẽ có thể ở nhà nhưng cũng vào bệnh viện nằm gây quá tải không cần thiết và chồng chéo, chất lượng bị ảnh hưởng, tăng tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân.

    Chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo tỷ lệ 3 điều dưỡng 1 bác sĩ. Thậm chí, 1 bệnh nhân vào thì có đến 3-4 người nhà vào. Cơ chế tài chính chưa đủ để đảm bảo cho cán bộ y tế…

    Nói về giải pháp cho các hạn chế nêu trên, Bộ trưởng cho biết, Bộ y tế có “kiềng ba chân giải pháp”. Thứ nhất, chân biên trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng khi chưa bị bệnh. Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với y tế gia đình.

    Kiềng thứ hai là chân bên phải, vào bệnh viện thì phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm lây chéo, tăng cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm bớt việc người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh. Tiến tới người Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa bệnh. Tuy nhiên phải có chính sách đồng bộ cũng như cơ chế tài chính.

    Chân thứ ba để đảm bảo kiềng ba chân, theo Bộ trưởng là nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng.

    Cần quyết liệt xử lý triệt để đối tượng trục lợi chính sách

    10h00: ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

    ĐBQH Nguyễn Thị Thủy.

    Vấn đề trục lợi chính sách như thương binh giả đang được dư luận quan tâm. Câu hỏi đặt ra là các đối tượng có thể tự làm giả giấy tờ thương binh hay không? Tại sao quy trình xác nhận thương binh rất chặt chẽ, qua nhiều khâu nhưng vẫn có hàng trăm hồ sơ giả mạo trót lọt. Có hay không sự câu kết giữa cán bộ có thẩm quyền với những đối tượng này cần phải làm rõ.

    Qua một số vụ án đã bị phát hiện thì có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền, tự ý thêm tên thương bệnh binh vào hồ sơ để hưởng chế độ thương tật hoặc nâng tỷ lệ thương tật cao hơn nhiều so với thực tế.

    Cần xử lý nghiêm bất cứ trường hợp nào có sự trục lợi liên quan đến người có công.

    Vấn đề đặt ra là, tại sao những vụ việc nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài và quy mô lớn như vậy. Chỉ đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc mới phát hiện ra. Có hay không tâm lý sợ ảnh hưởng đến uy tín của địa phương nên không làm quyết liệt?

    Chúng ta không khó để phát hiện trường hợp nào là thương binh giả, thương binh thật. Bởi vì ở cùng làng, xã, ai đi bộ đội thì người ta đều biết. Cần phải làm triệt để, xử lý nghiêm vấn đề này.

    Cần quyết liệt xử lý triệt để đối tượng trục lợi chính sách.

    Tập trung hơn nữa cho chính sách giảm nghèo

    9h50: ĐBQH Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng):

    ĐBQH Đoàn Văn Việt.

    ĐBQH bày tỏ niềm tin của cử tri vào kết quả lớn nhất là thực hiện thành công ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định trật tự xã hội…

    Tuy nhiên, còn đó những tồn tại như nguồn lực đầu tư còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng  yêu cầu, văn hóa xã hội, môi trường còn nhiều thách thức, diễn biến thiên tai khó lường… Mục tiêu giảm nghèo bền vững còn là thách thức, nhất là với đồng bào miền núi. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng.

    Cần hình thành suy nghĩ mới trong việc xây dựng chính sách giảm nghèo bền vững, phải thực sự gắn với nhu cầu của người dân khác nhau, đầu tư cho sản xuất, đầu tư sinh kế…

    Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề, giao cho Chính phủ tích hợp các chính sách giảm nghèo. Cần xem đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển, giúp người dân có cơ hội vươn lên làm giàu, bảo vệ biên cương tổ quốc…

    (9h30: Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút)

    Không để lợi dụng mạng xã hội gây rối, kích động

    9h15:  ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM):

    ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng.

    ĐBQH Hoàng cơ bản nhất trí với báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ. Đại biểu Minh Hoàng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công tác quốc phòng an ninh.

    Theo ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng, công tác quốc phòng an ninh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, chủ động đối phó với các tình huống phức tạp, thúc đẩy đàm phán và hợp tác về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, đẩy mạnh quốc phòng an ninh, đấu tranh và ngăn chặn hiệu quả các âm mưu thế lực thù địch, giữ gìn trật tự an ninh và an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như báo cáo Chính phủ đã nêu.

    Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng cũng đã nêu ra một số hạn chế liên quan đến vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin và các vấn đề đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình trên mạng xã hội.

    “Cụ thể trên mạng xuất hiện những thông tin kích động, lợi dụng vụ Thủ Thiêm, dự án luật Đặc khu… nhiều người dùng mạng cũng đã kêu gọi, xúi giục, kích động bạo loạn gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng thông tin một chiều, thông tin chưa làm rõ mà đã thông tin gây bức xúc…”,  đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nói.

    Từ những vấn đề nêu trên, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo một số biện pháp: Tăng cường làm tốt công tác giáo dục bồi dưỡng nhận thức về quốc phòng an ninh cho các đối tượng; Phát hiện nhanh chóng, xử lý nghiêm những đối tượng phản đối, chống phá nhà nước trên không gian mạng….

    Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cổ phần hóa, thoái vốn chậm

    9h09: Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên):

    ĐBQH Hoàng Văn Hùng.

    ĐBQH đề nghị Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp theo lộ trình do các bộ, ngành địa phương hay do người quản lý, hay do doanh nghiệp, sợ mất quyền lợi, lợi ích, mất thị trường hay cơ chế… Đồng thời cũng cần đánh giá quản lý sử dụng nguồn thu từ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo để doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình.

    Liên quan đến xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, Chính phủ, bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt và có kết quả nhất định.

    Về dự án gang thép Thái Nguyên, đề nghị Chính phủ, bộ Công Thương chỉ đạo, xử lý dứt điểm việc thoái vốn nhưng đến nay xử lý còn quá chậm, không đạt hiệu quả ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động.

    Không nên quá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế

    9h02: ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình):

    ĐBQH Vũ Tiến Lộc.

    Về cơ bản, tôi nhất trí với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (của Quốc hội). Các báo cáo đã đề cập tương đối cụ thể, toàn diện.

    Chính phủ đã triển khai được, rất quyết liệt chương chình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp.

    Chính phủ đã ghi được những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

    Nhìn vào bức tranh kinh tế tổng thể của nước ta thì niềm tin đang được khơi dậy, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp thì đó là một kỳ tích.

    Tuy nhiên, tôi vẫn còn một số băn khoăn và kiến nghị. Một là, về tăng trưởng, qua các báo cáo, tôi thấy dường như chúng ta hơi quá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế trong những năm tới. Việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5 – 7% cho cả giai đoạn 2016 – 2020, theo tôi vẫn là thách thức rất lớn. Nền kinh tế của chúng ta đang có những tác động rất nhậy cảm từ bên ngoài.

    Về vấn đề lạm phát, trong khi có vẻ lạc quan về tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ dường như thiếu tự tin về mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong 3 năm qua, đặc biệt là 2018, chúng ta vẫn giữ vững lạm phát dưới 4%. Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy kinh tế phát triển cao hơn, bền vững hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%?

    Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với mức đầu tư phát triển kinh tế

    8h55: ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi):

    ĐBQH Đinh Thị Phương Lan.

    ĐBQH đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận mô hình phát triển ngân sách nhà nước, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế vĩ mô, đầu tư kinh tế nước ngoài, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm…Còn hạn chế nhất định, bộ máy nhà nước chưa thật sự thật sự đạt yêu cầu tinh gọn.

    Để tiếp tục củng cố, phát huy hiệu quả của nền kinh tế, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến một số vấn đề: Hoàn thiện chính sách về giáo dục đào tạo; Nâng cao chất lượng dân số, hạn chế mất cân bằng giới tính; Về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần vật chất của xã hội, đề nghị phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, mức đầu tư cho văn hóa phải tương xứng dần với mức đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời, chính sách cho người có công, chính sách dân tộc cũng cần rà soát ưu tiên, giải quyết căn cơ tình trạng di cư, di dân tự phát. Định hướng xây dựng hoàn thiện chính sách theo hướng các dân tộc bình đẳng trong thụ hưởng các giá trị vật chất xã hội.

    Kết quả xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ nghìn tỷ đồng

    8h45: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Giải trình thêm về vấn đề nhiều ĐBQH quan tâm, trong đó có xử lý với 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ.

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

    Bộ trưởng cho biết, đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả này. Theo lộ trình, năm 2018, 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện, triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt vào năm 2020.

    Có các nguyên tắc lớn cần đảm bảo khi xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ. Một là các dự án này phải được triển khai giải quyết các tồn tại trong khuôn khổ của luật pháp. Thứ hai, đảm bảo đúng các nguyên tắc của thị trường và không có câu chuyện trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư các doanh nghiệp. Thứ tư, đảm bảo nguyên tắc hội nhập quốc tế.

    Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, những nội dung lớn đã được Chính phủ chỉ đạo và bộ Công Thương làm đầu mối đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp…

    Đến nay, tiến độ đảm bảo và cơ bản đạt được một số kết quả tương đối tích cực. Với 6 dự án, nhà máy phải dừng kinh doanh vì nợ đến nay đã có 2 dự án có hiệu quả là không còn bị lỗ, có thể xem xét đưa ra khỏi danh sách 12  dự án thua lỗ. Đưa ra khỏi danh sách không phải để lấy thành tích mà để tạo điều kiện cho các dự án này hòa nhập vào đời sống cộng đồng kinh tế.

    Không để xuất hiện thêm Vũ "nhôm"

    8h34: ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

    ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

    Tất cả những dự án của doanh nghiệp Nhà nước, nếu dự án nào không thực hiện được thì đề nghị cho phá sản, còn dự án nào nếu chúng ta cổ phần hóa được, thoái vốn được, bán được, cho thuê được phải cho làm ngay. Như vậy để tránh thất thoát tiền của Nhà nước.

    Có dư luận cho rằng, việc để các dự án chậm triển khai là có khả năng có hiện tượng để đấy để cho giảm bớt các khấu hao vô hình và hữu hình để người ta mua lại các tài sản của Nhà nước. Khi đó thì chỉ có Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và người dân thiệt. Tôi đề nghị phải xem xét lại vấn đề này.

    Ngoài ra, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay đang có hiện tượng cài cắm một số “nhân cốt” vào doanh nghiệp để thôn tính. Chỗ này có khả năng lại xuất hiện một số Vũ “nhôm” khác. Đề nghị các cơ quan phải vào cuộc kiểm tra, xem xét.

    Theo tôi, thứ nhất, cần hoàn thiện ngay thể chế để “bịt” các lỗ hổng, đặc biệt các lỗ hổng cổ phần hóa để tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Thứ ba, tăng cường hoạt động tư pháp.

    Những vụ như vụ Thuận Phong hay vụ dệt Long An, tôi đề nghị cơ quan điều tra, kiểm sát phải khẩn trương vào cuộc, làm hết trách nhiệm của mình, để trả lời cho cử tri biết những vấn đề cử tri nêu lên hơn 1 năm nay mà chúng ta chưa giải đáp được.

    Ngành Nông nghiệp cần thay đổi để phát triển bền vững

    8h28: ĐBQH Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị):

    ĐBQH Hà Sỹ Đồng.

    ĐBQH bày tỏ báo cáo Chính phủ cho thấy các chỉ số kinh tế - xã hội năm 2018 khả quan hơn năm 2017. Điều này củng cố niềm tin cho dự báo kinh tế của nước ta sẽ tăng trưởng cao và có nhiều khả năng vượt mục tiêu 6,7%.

    Tuy nhiên, ĐBQH Hà Sĩ Đồng cho biết còn một số những rủi ro cần lưu ý như: Ngành nông nghiệp không còn giữ tốc độ cao như 2 quý đầu năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp phải có sự thay đổi để nông nghiệp phát triển bền vững. Ngành du lịch cũng đang đối mặt với những thách thức, như tác động về chiến tranh thương mại. Tăng trưởng của ngành xây dựng cũng là cơ sở cho sự chuyển hướng kinh tế, tháo gỡ các nút thắt trong đầu tư công có ý nghĩa tốt. Do đó, cần có sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp đầu tàu Chính phủ.

    Bên cạnh đó, ĐBQH Hà Sĩ Đồng cũng phân tích kỹ lưỡng hơn về tác động của chiến tranh thương mai Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam. Từ đó, đại biểu kiến nghị chính sách ngoại giao của Việt Nam phải thật khéo léo.

    Tinh giản biên chế - làm thận trọng, từng bước

    8h21: ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình):

    ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

    ĐBQH Phương quan tâm đặc biệt đến vấn đề tinh giản biên chế. Ông cho rằng, vấn đề này lâu nay chưa được phản ánh đầy đủ khiến người dân hiểu lầm bộ máy là gánh nặng cho ngân sách.

    “Chúng ta chi cho y tế, giáo dục chính là Nhà nước đang bao cấp cho người dân trong 2 lĩnh vực này. Rõ ràng, việc chi của Nhà nước là chi cho cả người dân chứ không phải chi cho một bộ máy. Như vậy, cần tuyên truyền để người dân hiểu, không để cho thế lực thù địch xuyên tạc”, ĐBQh Phương nói.

    Ông Phương cũng nêu lại, Nghị quyết Trung ương nói rất rõ về tầm quan trọng của tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy, nhưng phải làm thận trọng, có bước đi thích hợp, cái gì rõ thì làm ngay, chưa rõ thì nghiên cứu thí điểm, cái gì còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải tiếp tục nghiên cứu.

    Tuy nhiên, hiện nay quá trình thực hiện có phần lúng túng. Nhận thức về tinh giản bộ máy tổ chức biên chế chưa được đầy đủ. Mục tiêu của Trung ương đặt ra là chúng ta tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế nhưng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. “Tôi thấy hiện nay, chúng ta đang chạy theo vấn đề tinh giản. Ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập thì coi như đó là thành tích”, ĐBQH Phương nói và đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ vì đã có nhiều bài học, phải trả giá về sáp nhập, nhập rồi lại thôi.

    8h15: ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng):

    ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (TP.Đà Nẵng).

    Tôi phấn khởi trước những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước ta trong 3 năm qua. Tuy nhiên, cũng trong những năm qua, đồng bào ta ở khu vực rừng núi phía Bắc phải hứng chịu những cơn lũ dữ chưa từng thấy. Cử tri TP.Đà Nẵng đề nghị Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng thay mặt họ kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ có những giải pháp căn cơ, đưa đồng bào ra vùng an toàn, để họ an cư, lạc nghiệp.

    Ngoài ra, thời gian dành cho ngành thủy sản Việt Nam để thực hiện các yêu cầu về minh bạch ngư trường đánh bắt cũng đã hết hạn. Nếu điều này không được tháo gõ kịp thời, đồng thời xây dựng một tập quán đánh bắt hải sản phù hợp với các thông lệ quốc tế thì ngành xuất khẩu thủy sản của chúng ta gặp không ít khó khăn.

    Cần đánh giá toàn bộ hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả đồng vốn đầu tư lại từ cổ phần hóa doanh nghiệp để sớm có điều chỉnh hợp lý…

    Ngoài ra, chúng ta coi trọng đâu tư FDI, nhưng không phải bằng mọi giá.

    Đà Nẵng cũng rất cần cự hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành để phát triển cảng biển, đáp ứng nhu cầu thực tế.

    8h08: ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh):

    ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh).

    ĐBQH phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-218 mà báo cáo Chính phủ đã nêu, đây là cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu 5 năm, đồng tình với các giải pháp phát triển năm 2019.

    Bên cạnh đó, ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến một số vấn đề như: Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới phương thức phân bổ nguồn lực theo hướng thị trường, tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo hướng toàn diện.

    Bên cạnh đó, về lĩnh vực bảo hiểm y tế, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ quan tâm việc tham gia bảo hiểm y tế của người dân, cho học sinh, sinh viên được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có lợi hơn. Về bảo hiểm y tế tự nguyện, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tăng mức đóng bảo hiểm y tế nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Về lĩnh vực trạm y tế, ĐBQH Thạch Phước Bình cũng đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp lâu dài để trạm y tế tạo được niềm tin với nhân dân, giảm thiểu tình trạng quá tải đến các bệnh viện.

    8h00: ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phản ánh những vấn đề cử tri gửi gắm. Ông nói, tăng trưởng kinh tế vượt so với QH giao khiến cử tri và người dân rất yên tâm, phấn khởi tuy nhiên tính bền vững chưa vững chắc vì phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI.

    Qua đó, ông đề nghị Chính phủ và các bộ ngành địa phương có biện pháp giải quyết trong thời gian tới.

    ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đặc biệt quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, cụ thể là rác thải sinh hoạt, nhất là ở nông thôn. Hầu hết các địa phương xử lý rác bằng phương pháp thu gom, chôn cất hoặc đốt mà chưa có nhà máy xử lý hiện đại. Mặt khác, dân số phát triển mạnh, hiện nay người đông dẫn đến người dân kéo ra các khu thị tứ gần thành phố, điều này kéo gần khoảng cách giữa bãi rác và khu dân cư, đồng thời sức chứa có hạn, con người sử dụng bừa bãi... Mùa mưa nước bẩn tràn ra, mùi hôi thối bốc hàng km. Vấn đề này tồn tại từ lâu mà không được giải quyết đến nơi đến chốn.

    “Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan giải quyết đến nơi đến chốn, dứt điểm tình trạng này”, ĐBQH Hải nói.

    ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang).

    Về kế hoạch năm năm 2019, ông Hải đề nghị Chính phủ tăng cường dự báo, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung để dự báo, ứng biến với thời cư, thách thức. Tránh được mùa mất giá, giải cứu các mặt hàng.

    Siết chặt các hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê của các tổ cức tín dụng đen, kin doanh đòi nợ thuê. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, manh động, nguy hiểm, lợi dụng kẽ hở pháp luật để lừa dân,trong khi chế tài xử lý chưa rõ ràng gây nguy hiểm cho người dân.

    Tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi, chặt phá rừng ngày càng nhiều, đề nghị Chính phủ rà soát lại các văn bản để giải quyết triệt để.

    Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, nhất là ma túy tràn từ thành thị đến nông thôn. 70% xuất phát từ ma túy, đa dạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được xử lý triệt để. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo để có những giải pháp cụ thể. 

    7h55: Theo thông báo của chủ tọa phiên họp, ngay từ đầu giờ sáng, bảng điện tử của Quốc hội đã có 48 người đăng ký phát biểu ý kiến thảo luận.

    Thu - Bích - Hường

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-nguyen-thi-kim-tien-neu-giai-phap-kieng-ba-chan-cua-nganh-y-te-a249100.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan