Từ ngày chồng Hà mất, mẹ chồng cũng đổ bệnh ốm triền miên. Nhiều hôm đang ngủ, Hà nghe tiếng mẹ chồng thở dài, rồi những tiếng khóc thầm, khi đó cô xót lắm. Cô tự hứa sẽ ở vậy, chăm sóc mẹ chồng suốt đời, nhưng nguyện vọng của Hà có khả năng không thực hiện được, vì mẹ chồng ngăn cản.
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hà lên xe hoa về nhà chồng. Toàn, chồng Hà là người đã ở bên cô suốt những năm sinh viên. Anh hơn Hà 5 tuổi, là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội. Toàn là người có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng trái tim lại vô cùng ấm áp.
Trước đây, khi anh mới tỏ tình, Hà không dám nhận lời. Với một cô gái quê, chân ướt chân ráo ra Hà Nội để mưu sinh, được ai đó yêu thương là điều rất viển vông, huống chi anh là trai Hà Nội. Chưa kể, ngày đó, Hà luôn mặc cảm với hoàn cảnh bản thân. Bố mẹ mất từ bé, mình Hà sống với bà ngoại đã già. Khi đó, Hà chỉ nghĩ mau chóng ổn định chỗ ở, rồi tìm công việc làm thêm để có thêm tiền học hành, một phần hỗ trợ ngoại.
Phải hơn 3 tháng Toàn nhiệt tình theo đuổi, Hà mới dám nhận lời. Từ đó, anh chính thức bước vào cuộc đời Hà không chút do dự. Bài vở trên lớp, Hà kém môn nào anh đều kèm cô học, còn công việc làm thêm để có thêm tiền trang trải cuộc sống anh cũng xin cho cô. Cứ thế, Hà dần trưởng thành nhờ có Toàn bên cạnh.
Gia cảnh của Toàn cũng khá thương tâm khi mẹ anh sinh con ở tuổi xế chiều, nhưng chẳng lâu sau đó bố Toàn qua đời vì tai nạn. Từ ngày đó, mình mẹ Toàn tần tảo nuôi con trai khôn lớn. Thương mẹ, nên anh học rất giỏi, ra trường anh sớm có việc làm ổn định, nay cũng đã được biên chế nhà nước.
Ngày mới yêu, Hà cũng nhiều lần tới nhà Toàn chơi, mẹ anh cũng thương yêu và coi cô như con cái trong nhà. Sau khi Hà ra trường, theo nguyện vọng của mẹ Toàn cả hai sớm làm đám cưới. Sau tuần trăng mật, Hà cũng xin được việc làm, lương bổng khá, mẹ chồng cô mừng lắm.
Cả hai cũng tính chuyện sẽ sinh con vào năm 2020, theo mẹ chồng nói bé sinh năm nay hợp cả tuổi bố, tuổi mẹ. Nhưng rồi tai ương ập đến khiến Hà đau đớn vô cùng. Cuối năm 2019, sau chuyến công tác ngắn ngày ở Đà Nẵng, trên đường từ sân bay về nhà, chồng Hà bị tai nạn và qua đời. Mẹ chồng cô hay tin sốc quá, nên ốm nặng từ ngày đó.
Nỗi đau người ở lại
Từ ngày Toàn mất, đêm nào mẹ chồng Hà cũng khóc, mẹ cô than khổ, bà kêu ông trời cay nghiệt khi lấy đi của bà tất cả. Bà nói rồi cứ ôm con dâu nước mắt nghẹn ngào. Nhìn mẹ thế Hà càng đau lòng hơn, Toàn đối với bà là cả cuộc đời, với cô anh là người quan trọng nhất.
Nỗi đau của Hà và mẹ chồng - Ảnh minh hoạ. |
Hà từ 56 kg xuống còn hơn 40 kg, gương mặt hốc hác. Nhiều khi, cô định chết đi để vĩnh viễn được ở bên anh, nhưng cô nghĩ tới mẹ chồng, tới ngoại ở quê nên không đành lòng.
Hai tuần nay, mẹ chồng Hà bỗng dưng không còn khóc nữa, bà dậy sớm đi thể dục, ăn uống điều độ hơn. Rồi bà tỏ thái độ khó chịu với con dâu và có ý "đuổi khéo" cô ra khỏi nhà. Bà nói: “Con trai mẹ đã không còn, nay mẹ không cần con nữa, con còn trẻ, con cũng có cuộc sống mới của con. Vì thế, mẹ trả tự do cho con, con muốn đi đâu tùy con”.
Bà nói rồi nhìn cô ánh mắt lạnh lùng, khi Hà khóc rồi cầu xin mẹ chồng cho cô được ở lại chăm sóc bà hết cuộc đời, bà lại gạt cô ra: “Con đi tìm cuộc sống mới, không thì con về sống với bà ngoại cũng được, mẹ không muốn thấy con nữa. Nhìn con, mẹ càng nhớ nó”.
Nghe thế Hà khóc nức nở: “Con không nỡ xa mẹ vì anh ấy đã không còn”. Đáp lại lời Hà, bà lại quay đi ôm mặt khóc. Bà nói, thật sự mệt mỏi và không muốn người mình thương yêu gặp rắc rối gì: “Mẹ nên sống một mình thì hơn. Có chết cũng chết một mình con ạ”.
Hà biết mẹ chồng thương cô, bà muốn cô tìm bến đỗ mới, nên mới làm thế nhưng cô đâu nỡ. Bà càng đối xử tệ với cô, càng lạnh lùng cô càng thương bà hơn. Giờ bà cứ nhất quyết đuổi cô đi, cô biết làm sao đây? Bà đã hơn 70 tuổi tóc đã bạc hết rồi, bà cũng đâu có ai thân thích, cô đi rồi ai sẽ chăm mẹ? Cô phải làm sao đây?
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thảo (TP.HCM), trong trường hợp của Hà, cô nên tạm rời đi một thời gian để cho mẹ chồng khoảng lặng. “Bà cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và suy nghĩ về những chuyện đã qua. Chờ khi nỗi đau nguôi ngoai, Hà có thể trở lại và nói chuyện thẳng thắn với mẹ chồng (nếu cô còn muốn được ở cạnh chăm sóc bà). Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là tình yêu thương bao la của người con dâu dành cho mẹ chồng. Hà có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng khi về già. Tấm lòng hiếu thuận của Hà là minh chứng cho tình mẹ con bền vững. Nếu Hà kiên trì, chắc chắn mẹ chồng sẽ hiểu mà một lần nữa đón nhận cô”, vị chuyên gia phân tích. |
Thanh Bình