+Aa-
    Zalo

    Mánh khóe của kẻ cầm đầu đường dây giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguyễn Văn Phi đã dùng chiêu giả danh công an, nhân viên viễn thông để lừa đảo nhiều bị hại với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

    Nguyễn Văn Phi đã dùng chiêu giả danh công an, nhân viên viễn thông để lừa đảo nhiều bị hại với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

    Chân dung kẻ cầm đầu

    Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Phi (SN 1990), trú tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2017, khi đang sinh sống bất hợp pháp tại Đài Loan, Nguyễn Văn Phi đã cấu kết với một số đối tượng khác, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Để có được các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Văn Phi đã liên lạc với Phạm Đình Luận (SN 1993), trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, em vợ Phi để tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng, làm thẻ ATM và trả 3 triệu đồng mỗi thẻ. Nghe Phi nói vậy, Luận đã liên lạc với Nguyễn Hữu Thu (SN 1991), Phạm Đình Phi (SN 1999), Phạm Công Vượng (SN 1999), cùng trú tại xã với Luận mở được 15 tài khoản, lấy 15 thẻ ATM của các ngân hàng. Sau đó, Luận đã gửi thẻ sang Đài Loan cho Phi.

    Nguyễn Văn Phi đã trả cho mỗi thẻ 3 triệu đồng. Trong đó, chủ tài khoản được hưởng 2 triệu đồng, Luận được hưởng 1 triệu đồng Sau đó, Nguyễn Văn Phi còn nhờ Luận tìm thông tin mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Luận tìm kiếm trên mạng và gửi cho Phi hình ảnh danh sách mã vùng cố định các tỉnh thành. Luận còn bàn với Thu và Phạm Đình Phi làm chứng minh nhân dân giả để tiếp tục mở tài khoản, lập thẻ ATM rồi bán cho Nguyễn Văn Phi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an.

    Nguyễn Văn Phi được xác định là kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo này.. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

    Biết việc mình làm là sai nhưng các đối tượng vẫn làm thẻ giả bán cho Phi. Nguyễn Văn Phi đã chuyển link 1 bài báo về vụ giả danh lừa đảo chiếm đoạt tiền cho Luận, Phi, Thu và Vượng. Sau đó, từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Thu, Phạm Đình Phi khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản thì sẽ đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi đã trích ra từ 15% đến 20% số tiền chiếm đoạt được chia cho Luận, Thu và Phạm Đình Phi.

    Trong vòng 8 ngày từ ngày 21/8/2017 đến 29/8/2017, với chiêu thức giả danh nhân viên viễn thông và công an, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại ở các tỉnh, thành trên cả nước như Nghệ An, Nha Trang... với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, bị hại bị lừa nhiều tiền nhất là bà Bùi Thị Hồng T. (TP.Nha Trang) gần 2,5 tỷ đồng, bị hại ít nhất cũng bị lừa gần 170 triệu đồng.

    Mánh khóe tinh vi

    Chiêu thức được các đối tượng áp dụng là giả danh nhân viên viễn thông, thông báo nợ tiền cước. Các nạn nhân dù ra sức thanh minh đều bị các đối tượng này thông báo sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra. Sau đó, điện thoại của họ nhận được các cuộc gọi có số đuôi 113. Đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an đang điều tra về những vụ việc rửa tiền, buôn ma túy, mua bán trẻ em, mà tiền trong các tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị nghi ngờ liên quan. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải bí mật chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.

    Các nạn nhân đa phần vì hoảng sợ, lại liên tục nhận những cuộc điện thoại liên quan đến công an nên đã nghe theo chỉ đạo của các đối tượng. Cụ thể, vào 10h ngày 22/8/2017, chị H.T.P.L. (SN 1975), trú tại TP.Vinh đang làm việc thì nhận được cuộc gọi đến. Chị L. nghe máy thì có giọng phụ nữ thông báo số máy chị đang đứng tên nợ cước hơn 8,9 triệu đồng. Nếu chị L. không thanh toán thì số thuê bao sẽ bị cắt. Sau đó, đối tượng hướng dẫn chị L. nếu thắc mắc thì bấm phím 9. Chị L. làm theo thì có 1 người đàn ông nói giọng Bắc tự xưng là nhân viên công ty viễn thông thông báo rằng chị L. có đăng ký 1 số điện thoại khác ở TP.Hồ Chí Minh, thường xuyên gọi ra nước ngoài như Úc, Canada,...

    Khi chị L. thanh minh giải thích thì đối tượng yêu cầu giải trình với... Công an TP.Hồ Chí Minh. Sau vài giây có người tự xưng là Đại úy Phạm Tuấn Anh, cán bộ Công an TP.Hồ Chí Minh hỏi chị L. có làm mất hay cho ai mượn giấy tờ tùy thân không. Người này cho chị L. biết chị có trong danh sách của công an liên quan đến việc buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu nạn nhân không được nói với ai.

    Đối tượng yêu cầu chị L. kê khai toàn bộ tài khoản để chứng minh số tiền đó có phải lao động chính đáng hay không và chuyển toàn bộ số tiền đó vào tài khoản khác. Chị L. nghi ngờ và đòi đối tượng chứng minh thì đối tượng tắt máy và gọi điện vào số điện thoại di động đuôi 113, rồi gửi vào tài khoản Zalo của chị L. 1 ảnh chụp lệnh bắt khẩn cấp. Chúng yêu cầu chị L. chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản của Thu. Và chị L. đã chuyển cho các đối tượng gần 170 triệu đồng.

    Với thủ đoạn trên, chúng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại ở các tỉnh, thành trên cả nước như Nghệ An, Nha Trang... với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Tháng 11/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa 3 bị cáo Phạm Đình Luận, Nguyễn Hữu Thu, Phạm Đình Phi ra xét xử và tuyên phạt Luận 15 năm tù, Thu 14 năm tù, Phạm Đình Phi 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Ngày 20/3/2020, Nguyễn Văn Phi bị bắt theo lệnh truy nã của CSĐT Công an tỉnh Nghệ An. Ngày 4/9, Nguyễn Văn Phi bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử. Tuy nhiên, vụ án còn có một số tình tiết chưa được làm rõ nên HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài đến ngày 7/9. H.H

    Hà Hằng

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (144)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/manh-khoe-cua-ke-cam-dau-duong-day-gia-danh-cong-an-lua-dao-chiem-doat-hang-ty-dong-a338800.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan