Mẹ bị cáo tiếc nuối cho biết, con gái bà từng thi đỗ trường Luật, nhưng vì đam mê kinh doanh, Thùy đành lỗi hẹn với cánh cổng đại học. Song giấc mơ làm kinh tế không hề đơn giản như Thùy nghĩ. Lúc túng quẫn, người phụ nữ này đã thuê làm giả 7 sổ đỏ, lừa đảo chiếm đoạt của 5 bị hại; người bị lừa nhiều nhất là 544 triệu đồng.
Bị cáo Trương Thị Thanh Thùy tại tòa |
Lừa vay tiền bằng 7 sổ đỏ giả
Một ngày cuối tháng 8/2020, nữ bị cáo Trương Thị Thanh Thùy (SN 1979, ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về 2 tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo số liệu của cơ quan tố tụng, tổng số 5 nạn nhân bị Thuỷ chiếm đoạt 840 triệu đồng. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Hồng Q., "nữ quái" áp dụng chiến thuật "thả con săn sắt, bắt con cá rô" như sau: Ban đầu, Trương Thị Thanh Thùy chỉ hỏi vay ông Q. một món tiền nhỏ (từ 10 – 20 triệu đồng), lãi khoảng 1.000đ – 1.500đ/1 triệu/1 ngày, không cần tài sản thế chấp. Thùy giữ chữ tín khi trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho ông Q..
Khi đã lấy được lòng tin của nạn nhân, khoảng đầu tháng 6/2018, Thùy trao đổi với người đàn ông này là đang có 01 mảnh đất tại khu A, TT nhà máy Z151, Vị Thủy, Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội, muốn đặt cọc cho ông Q. để vay khoảng 100 triệu đến 200 triệu đồng. Ông Q. không đồng ý mà yêu cầu Thùy đến Văn phòng công chứng để ký hợp đồng đặt cọc. Theo nội dung của hợp đồng, giá trị chuyển nhượng thửa đất là 350 triệu đồng, thời gian chuyển nhượng là 06 tháng. Ông Q. đưa cho Thùy 100 triệu đồng và nhận lại từ Thùy 01 giấy CNQSDĐ. Song đến nay, Thùy chưa trả lại cho ông Q. số tiền này.
Trường hợp thứ hai là bà Lê Hồng N.. Bị hại khai, khoảng giữa năm 2018, qua mối quan hệ xã hội, bà N. quen Thùy. Lúc đó, Thùy hỏi vay bà N. tiền nhưng bà N. không cho vay. Đầu năm sau, Thùy không từ bỏ ý định vay tiền của bà N., nhưng lần này, Thùy chìa ra 1 giấy CNQSDĐ có địa chỉ ở phố Ao Đông, xã Tích Giang, Sơn Tây, Hà Nội.
Do tin tưởng nên lần này bà N. cho Thùy vay số tiền 100 triệu đồng. Thực tế, sau khi hai bên đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng đặt cọc giấy CNQSDĐ, bà N. đã chuyển 96 triệu đồng vào số tài khoản của Thùy. Đến nay bà N. chưa được nhận lại tiền.
Trong số các bị hại, ông Vũ Việt D. bị lừa số tiền nhiều nhất. Tương tự như trường hợp của ông Q., ban đầu Thùy cũng hỏi vay ông D. những món tiền nhỏ và chỉ phải đặt sổ hộ khẩu và giấy tờ xe mô tô. Đến tháng 9/2018, Thùy rêu rao có 02 mảnh đất ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội muốn bán cho ông D., ông D. đồng ý mua và cùng Thùy lên tận Sơn Tây để xem đất. Nhìn vào mấy miếng đất Thùy "chỉ bừa", ông D. tin tưởng là thật nên vài ngày sau đó, cả hai đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng đặt cọc giấy CNQSDĐ.
Ngay sau khi ký xong hợp đồng, ông D. chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của Thùy. Những ngày sau đó, bị hại tiếp tục chuyển tiền. Đến nay, tổng số tiền Thùy chiếm đoạt của ông D. là 544 triệu đồng và chưa hoàn trả cho bị hại. Còn 2 người khác là nạn nhân của Thùy, song những người này không đề nghị truy cứu cũng không yêu cầu Thùy phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt nên cơ quan tố tụng không xem xét.
Bà ngoại động viên các cháu học, chờ mẹ về
Một người phụ nữ ngoài 60 tuổi, khuôn mặt khắc khổ ngồi ở hàng ghế cuối trong phòng xử buồn rầu cho biết, bà là Nguyễn Thị Liên, mẹ đẻ của bị cáo. Hướng ánh mắt rầu rĩ lên nhìn con gái, bà vừa thương mà vừa giận.
Qua những lời tâm sự của bà Liên mới hay, Thùy từng thi đỗ vào trường đại học Luật, song vì đam mê kinh doanh, thích buôn bán tự do nên Thùy đã quay lưng với cánh cổng đại học. Song đường đời không hề dễ dàng như những gì Thùy nghĩ. Cộng thêm việc hôn nhân đổ vỡ, một mình Thùy quay cuồng với đủ thứ nghề, bị cáo từng kinh doanh quán cắt tóc, kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.
Khi túng quẫn, để có tiền chi tiêu, Thùy nghĩ tới việc vay tiền của mọi người. Nhưng ở nơi đất khách quê người, không người thân thích, muốn vay được tiền thì phải có tài sản thế chấp. Suy tính một hồi, Thùy quyết định lên mạng, nhờ người tên Tín (Thùy không nhớ số điện thoại, không biết họ và địa chỉ của Tín) làm giả các giấy CNQSDĐ. Thùy chỉ việc cung cấp họ tên, năm sinh và địa chỉ của mình, các thông tin còn lại như địa chỉ thửa đất, diện tích, số thửa sẽ do Tín lo.
Theo thỏa thuận, Thùy chỉ phải trả cho Tín số tiền 15 triệu đồng/01 giấy CNQS- DĐ. Từ năm 2017 đến tháng 9/2018, Thùy đã chuyển thông tin và đặt Tín làm 07 giấy CNQSDĐ giả và dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Bà Liên kể tiếp, từ ngày Thùy bị bắt, một mình bà nuôi 2 con của Thùy. Biết việc của mẹ, các cháu suy sụp tinh thần, nhiều lần đòi nghỉ học nhưng bà lại động viên "các con cố gắng học hành, bà còn sống ngày nào thì mấy bà cháu còn nương tựa vào nhau, có rau ăn rau, cháo ăn cháo".
Nói là vậy, có nhiều lúc bà Liên cũng cảm thấy bế tắc khi mà chồng bà mất sớm, con cái không may vướng lao lý, để lại cho bà 2 đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học. Chưa kể, 1 người con trai của bà (em của bị cáo Thùy) bị suy thận, đang phải chạy thận 20 năm nay. Rồi mai đây, không biết cuộc sống của mấy bà cháu sẽ ra sao.
Lúc này, mong mỏi duy nhất của bà là mong HĐXX "giơ cao đánh khẽ", xem xét hoàn cảnh éo le của gia đình mà cho Thùy được hưởng mức án khoan hồng, sớm được trở về nuôi dạy các con.
Khép lại phiên xét xử sơ thẩm, TAND Hà Nội kết án Trương Thị Thanh Thùy 15 năm tù về hai tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Buộc bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Tư Viễn
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 139