Thận là cơ quan lọc và đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu các chất này không hoà tan trong nước tiểu sẽ gây ra tình trạng lắng đọng và hình thành sỏi trong thận.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể đào thải những viên sỏi thận nhỏ ra ngoài một cách tự nhiên, trong khi những viên sỏi lớn hơn có thể bị mắc kẹt tại một điểm nào đó trong thận hoặc đường tiết niệu và cần phải can thiệp.
Đối với phần lớn bệnh nhân, sỏi thận có thể gây đau dữ dội, bao gồm đau mạn sườn, đau lan ra lưng, bụng dưới hoặc háng, đau hoặc rát khi đi tiểu, và các triệu chứng khác, gồm có máu trong nước tiểu, nước tiểu đậm màu, nước tiểu có mùi hôi, sốt hoặc ớn lạnh, buồn nôn và ói mửa.
Bệnh nhân sỏi thận thường được bác sĩ khuyến khích bổ sung đủ nước để hỗ trợ quá trình loại bỏ sỏi và ngăn ngừa sự hình thành các viên sỏi mới. Nước lọc vốn đã tốt cho người bệnh sỏi thận nhưng việc bổ sung thêm các thành phần khác từ trái cây, rau củ có thể tăng cường các lợi ích này.
Một số loại thức uống tốt cho người bị sỏi thận
Nước
Để đào thải sỏi thận, việc tăng lượng nước uống vào có thể giúp đẩy nhanh quá trình này.
Nghiên cứu cho thấy bạn nên uống đủ nước để có khoảng 2 lít nước tiểu thải ra hàng ngày để ngăn ngừa sỏi thận. Mất nước là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra sỏi thận.
Bạn cũng có thể chú ý đến màu sắc của nước tiểu. Nó phải có màu vàng nhạt, rất nhẹ. Nước tiểu màu vàng đậm là dấu hiệu cơ thể bị mất nước.
Nước chanh
Nước chanh chứa citrate, một hợp chất có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của sỏi canxi. Citrate cũng giúp phá vỡ các viên sỏi nhỏ, từ đó cho phép cơ thể đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu. Nước chanh còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như ức chế sự phát triển của vi khuẩn và cung cấp vitamin C cho cơ thể.
Nước ép húng quế
Húng quế chứa đầy chất dinh dưỡng. Người dân có truyền thống sử dụng nước ép húng quế để điều trị rối loạn tiêu hóa và viêm.
Húng quế chứa chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu năm 2020 ở chuột xác định nó có thể giúp hỗ trợ chức năng thận. Nhưng cần nghiên cứu thêm về phương thuốc này ở người.
Để thử, bạn hãy dùng lá húng quế tươi hoặc khô để pha trà và uống vài cốc mỗi ngày. Bạn cũng có thể ép húng quế tươi để uống hoặc thêm nó vào sinh tố.
Nước ép cần tây
Nước ép cần tây được cho là có tác dụng loại bỏ các hợp chất góp phần hình thành sỏi thận, đồng thời hỗ trợ quá trình thải sỏi ra ngoài. Bệnh nhân sỏi thận có thể xay nhuyễn hoặc ép cọng cần tây với nước để uống mỗi ngày. Tuy nhiên, người bệnh không nên uống loại nước ép này nếu bị rối loạn chảy máu, huyết áp thấp, chuẩn bị phẫu thuật hoặc đang sử dụng các thuốc như levothyroxine, thuốc an thần, thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh sáng...
Nước ép lựu
Nước ép lựu từ lâu đã được biết đến với khả năng cải thiện chức năng thận tổng thể, đẩy sỏi và các chất độc khác ra khỏi hệ tiết niệu. Loại nước ép này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giữ cho thận khỏe mạnh và ngăn ngừa sự phát triển của sỏi thận. Nước ép lựu còn làm giảm nồng độ axit trong nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ phát triển sỏi thận trong tương lai. Không có giới hạn về lượng nước ép lựu mà bệnh nhân sỏi thận nên uống mỗi ngày nhưng người đang dùng thuốc chuyển hóa qua gan, thuốc huyết áp, rosuvastatin không nên uống loại nước ép này.
Giấm táo
Giấm táo có chứa axit axetic. Axit axetic giúp làm tan sỏi thận. Ngoài tác dụng thải độc thận, giấm táo còn có thể giúp giảm đau do sỏi gây ra.
Theo một đánh giá của các nghiên cứu, tiêu thụ giấm có thể giúp giảm sự hình thành sỏi thận. Một thử nghiệm lâm sàng ở người đang được tiến hành để so sánh hiệu quả của giấm táo và một số đồ uống khác trong việc ngăn ngừa hình thành sỏi thận.
Để thử phương pháp điều trị này, hãy thêm 2 thìa giấm táo vào 150-230ml nước để uống. Tuy nhiên, bạn không nên uống nhiều hơn lượng này. Bạn cũng có thể dùng giấm táo trong món salad.
Nếu tiêu thụ với số lượng lớn hơn, giấm táo có thể gây ra các vấn đề như tổn thương men răng, trào ngược axit, đau họng.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và muốn thử hỗn hợp này, hãy cân nhắc việc nói chuyện với bác sĩ và theo dõi lượng đường trong máu một cách cẩn thận suốt cả ngày. Hỗn hợp này có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm insulin hoặc thuốc lợi tiểu như spironolactone (Aldactone).
Nước đậu thận
Nước đậu thận thường được người Ấn Độ sử dụng để cải thiện sức khỏe của thận và hệ tiết niệu. Loại nước này cũng giúp làm tan và đào thải sỏi ra ngoài cơ thể. Bệnh nhân chỉ cần nấu đậu thận với nước, sau đó lọc lấy nước và uống vài cốc mỗi ngày là đã có thể cải thiện đáng kể tình trạng bệnh của mình.
Như Quỳnh(T/h)