+Aa-
    Zalo

    Ma trận fanpage "nhà thuốc" bẫy người bệnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chưa bao giờ mạng xã hội lại xuất hiện nhiều fanpage “nhà thuốc” không rõ cơ quan chủ quản như hiện nay, muốn chữa bệnh chỉ cần để lại số điện thoại là có thể điều trị...

    Trên mạng xã hội facebook gần đây xuất hiện hàng loạt fanpage “nhà thuốc” đưa thông tin: muốn chữa bệnh chỉ cần để lại số điện thoại là có thể điều trị bệnh tại nhà mà không cần khám trực tiếp.

    Bốc thuốc online, cam đoan trị khỏi!

    Hàng loạt các trang fanpage không rõ cơ quan chủ quản “đua nhau” quảng cáo sản phẩm chữa các loại bệnh bằng bài thuốc nam, thuốc đông y như: đặc trị bệnh trĩ, bài thuốc dạ dày, đặc trị họng hạt – Amiđan hốc mủ, đặc trị viêm xoang, điều trị bệnh xương khớp, hôi nách, tăng cân...

    Đặc điểm chung của các trang fanpage này là hình ảnh đại diện đa phần là hình tròn biểu tượng của đông y (có màu xanh hoặc màu đen, đỏ, màu đen,trắng...) và chỉ việc gắn tên một loại bệnh nào đó vào, hoặc hình ảnh của lọ thuốc chữa trị loại bệnh đang quảng cáo, thậm chí có một số fanpage đăng tải hình ảnh không liên quan như ảnh hoa,lá... ảnh bìa cũng tương tự. Những fanpage này, không hề đăng tải hình ảnh phòng khám hay hiệu thuốc mang tên của nhà thuốc mà mình đang quảng cáo.

     Fanpage “nhà thuốc” không rõ cơ quan chủ quản sử dụng tin nhắn cảm ơn của khách hàng để quảng cáo thương hiệu.

    Bên cạnh đó, “Nhà thuốc” khuyến khích người bệnh để lại số điện thoại để được tư vấn miễn phí, liên tục cập nhật tin nhắn cảm ơn của khách hàng đã sử dụng sản phẩm, đăng tải các bài viết chữa bệnh bằng phương pháp dân gian và một số hình ảnh về cây thuốc, lọ thuốc chữa bệnh đang quảng cáo tuy nhiên không rõ nét.

    Đặc biệt, tên fanpage là một loại bệnh nhưng khi vào xem bài viết cụ thể lại tự xưng là “nhà thuốc” không rõ là “nhà thuốc” nào? Địa chỉ không rõ ràng và sử dụng nhiều hình ảnh phòng khám, lương y không rõ có thật hay không? Thông tin từ các bài viết đưa ra rất mơ hồ, tạp nham rất khó để kiểm chứng thật giả. Điều đáng nói là những “nhà thuốc” này khẳng định chắc nịch khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần khám trực tiếp.

    Để tạo độ tin cậy cho sản phẩm “nhà thuốc” đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung so sánh chất lượng thuốc giữa đông y và tây y nhằm lôi kéo người tiêu dùng.

    Trong vai một người bệnh cần mua thuốc, phóng viên gọi vào số hotline của một fanpage nhà thuốc chữa xương khớp, được một người đàn ông tư vấn trả lời một cách ấp úng, liên tục nói rằng “ cháu nghĩ là... đã bị bệnh...” Sau đó, chúng tôi hỏi thành phần thuốc thì người này tỏ ra lúng túng trả lời rằng: “đợi cháu một lát...cháu bán thuốc cho nhà khác, cháu mới học nên chưa nắm rõ thành phần thuốc”. Mặc dù, chuẩn đoán bệnh cũng như trả lời không chuyên nghiệp nhưng người đàn ông này vẫn cố gắng níu kéo chúng tôi mua thuốc.

    Chia sẻ thông tin hay quảng cáo trái luật?

    Tiếp tục nhắn tin đến số hotline của một “nhà thuốc” trên mạng, vài phút sau, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại lạ khác từ thuê bao đầu số 0967. Một người phụ nữ giới thiệu là nhà thuốc và hỏi phóng viên muốn tư vấn bệnh phải không?

    Phóng viên nói ra triệu chứng bệnh của mình và tỏ ý muốn mua loại thuốc phù hợp để điều trị. Người này lập tức lên liệu trình chữa bệnh cho phóng viên và khuyên mua trước một hộp thuốc có giá 500.000 đồng để sử dụng trong vòng 10 ngày.

    Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn đến tận nơi để trực tiếp thăm khám lập tức bị người phụ nữ này từ chối với lý do nhà thuốc đang sửa chữa nâng cấp. Người này cung cấp cho chúng tôi địa chỉ giao dịch của nhà thuốc ở số 25, ngõ 81 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội nhưng nói rằng đến địa chỉ này không nhận được thuốc vì thuốc bào chế tại Nam Định. Chúng tôi không hiểu phòng giao dịch của nhà thuốc này để làm gì, tại sao đến trực tiếp không nhận được thuốc mà phải gửi qua bưu điện?

    Chị Trần Thị Nhâm (quê Nghệ An) nói: “Sau khi đọc một bài quảng cáo chữa viêm họng trên mạng facebook, tôi để lại số điện thoại. Sau đó, được nhà thuốc gọi điện tư vấn và nói rằng nếu uống 3 lọ thuốc của họ liên tục và kiêng khem tốt sẽ khỏi 50% bệnh.

    Tuy nhiên, theo lời dặn của bác sĩ tôi đã sử dụng hết thuốc nhưng vẫn không hề có sự chuyển biến nào? Tôi đã rất thất vọng và phản ánh với nhà thuốc thì họ khuyên phải dùng thêm một liệu trình nữa mới có tác dụng, do giá thành cao và tâm lý sợ không khỏi bệnh nên tôi đã từ chối, kể từ đó nhà thuốc không còn liên hệ nữa”.

    Còn anh Nguyễn Văn Minh (quê Yên Bái) chia sẻ: “tôi đã mua sản phẩm tăng cân trên mạng Facebook về sử dụng theo liệu trình mà nhà thuốc đưa ra nhưng không thấy có hiệu quả nên tôi không sử dụng nữa”.

    Anh Minh cho biết thêm: “một người quen của anh sử dụng loại thuốc này và đã bị nổi mẩn đỏ khắp cơ thể, lo sợ đã phản ánh với nhà thuốc nhưng lại nhận được câu trả lời là do bệnh nhân sử dụng quá liều và sau đó không còn liên lạc được với nhà thuốc nữa”.

    Theo lời của bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “một bệnh nhân khám bệnh bình thường, muốn biết chính xác bệnh của mình cần phải đến các cơ sở khám bệnh và được các bác sĩ tiến hành khám và làm cách xét nghiệm mới có thể biết rõ nên dùng loại thuốc nào, sử dụng ra sao...”.

    Tuy nhiên, ở đây chỉ nhờ cuộc điện thoại chưa đầy 10 phút, và những câu kể về bệnh tình của mình, rất nhanh chóng chúng tôi đã nhận được tư vấn cũng như kê đơn lựa chọn loại nào tốt nhất và kết hợp những loại nào với nhau.

    Rõ ràng, việc quảng cáo “lấp liếm” thông tin trong một số sản phẩm đang khiến nhiều người bức xúc vì có thể gây tác động xấu đến việc điều trị của người bệnh. 

    Kỳ sau: Thâm nhập một cơ sở sở hữu fanpage "nhà thuốc"

    Anh Trâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ma-tran-fanpage-nha-thuoc-bay-nguoi-benh-a198262.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan