Gần đây, một số thân nhân bệnh nhân phản ánh việc gặp khó khăn trong lúc tìm mua các loại thuốc hiếm để điều trị cho người nhà. Thực tế cho thấy, những loại thuốc này chỉ được cung cấp từ bệnh viện đã được cục Quản lý Dược đề xuất trước đó. Hơn nữa, thuốc hiếm tồn tại dưới nhiều dạng như uống, tiêm, truyền các loại đã được quy định rõ ràng trong danh mục và ít có nhu cầu sử dụng...
Đỏ mắt “săn thuốc” hiếm
Anh Lê Văn Thông (45 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) chia sẻ, anh có người nhà bị bệnh tim, trong đơn thuốc bác sĩ kê có thuốc Sotalo chống loạn nhịp. Tuy nhiên, tại bệnh viện nơi người nhà anh đang điều trị đã hết loại thuốc này. Anh Thông buộc phải ra các cửa hàng kinh doanh thuốc tây tìm mua nhưng không được. Cuối cùng, anh phải lên TP.HCM hỏi mua Sotalo.
Thuốc hiếm sotalol điều trị loạn nhịp tim đang khan hiếm. |
“Các cửa hàng kinh doanh thuốc tây tại TP.HCM đều cho biết thuốc này chỉ bán tại những bệnh viện kê đơn, còn các nhà thuốc tư nhân không được kinh doanh và không có ai cung cấp hàng để bán. Thuốc này thuộc dạng thuốc hiếm, chỉ khi nào bệnh viện cung cấp mới có”, anh Thông cho biết.
Trong khi đó, chị L.T.A. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng có cháu mắc bệnh ung thư máu. Trong khi điều trị, bác sĩ kê đơn thuốc có sản phẩm Decitabinne. Tuy nhiên, chị cũng được các bác sĩ cho biết, bệnh viện không còn loại thuốc quý này.
Chị A. chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi rất hoang mang chỉ biết nhờ các bác sĩ tìm mọi cách điều trị cho bé. May mắn là bệnh viện đã liên hệ được đơn vị cung cấp thuốc từ nước ngoài cũng là một bệnh viện có uy tín. Bệnh viện phía bên nước ngoài cho biết sẽ bán thuốc cho bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân”.
Tìm hiểu lý do khan hiếm thuốc quý hiếm, một lãnh đạo bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM chia sẻ, trước đó, bệnh viện đã phải hủy 2.000 viên thuốc đặc trị ung thư vì đã hết hạn sử dụng. Lý do, số lượng bệnh nhân sử dụng ít, trong khi hạn dùng ngắn và thuốc phải sử dụng theo hình thức đồng chi trả, tức là người bệnh phải trả một phần chi phí. Tuy nhiên, cũng nhờ lô hàng này, bệnh viện đã cứu sống hàng chục trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bác sĩ Dương Triệu Vũ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Trong quá trình điều trị, một số bệnh nhân ung thư rất lo lắng khi thuốc đặc trị không còn. Họ đã tìm khắp nơi ngoài thị trường nhưng không có thuốc hoặc có nhưng họ lo sợ nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém,... bệnh viện đã chủ động liên hệ với các đầu mối là công ty dược để cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Hiện, thuốc đặc trị ung thư rất đa dạng. Nhưng một số bệnh đặc thù như ung thư máu, bệnh hiếm thì thuốc cũng hiếm. Trong khi đó, để nhập được thuốc hiếm cần phải trải qua quy trình rất chặt chẽ. Hy vọng thời gian tới sẽ có những quy định uyển chuyển hơn để nguồn thuốc hiếm không còn hiếm với bệnh nhân”.
Cùng quan điểm, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, sở Y tế TP.HCM khẳng định: “Thuốc hiếm là thuốc rất cần và trong một số trường hợp cấp cứu là tối cần cho bệnh nhân. Vì sao loại thuốc này lại hiếm, đó là do thuốc chỉ sử dụng cho bệnh lý có nhu cầu rất ít và hạn dùng thuốc ngắn.
Phần lớn, thuốc rẻ tiền và giá trị kinh tế thấp nên ít công ty nhập khẩu dược quan tâm sản xuất, phân phối. Nếu nhập lô hàng thuốc hiếm về mà chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho một vài bệnh nhân rồi sau đó, hủy lô hàng thì công ty kinh doanh dược sẽ chịu thua lỗ. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao đa số thuốc hiếm không có số đăng ký (Visa-PV). Nhà sản xuất luôn cân nhắc khi xin Visa lưu hành 5 năm ở Việt Nam, vì phải chọn sản phẩm có thị phần lớn.
Từ lâu, ngành y tế có hướng giải quyết thuốc hiếm bằng cách cho nhập khẩu theo hạn ngạch với nhu cầu cụ thể mà bệnh viện đã đề xuất, dự trù trước đó. Và, thuốc chỉ được sử dụng tại đúng bệnh viện đã đề xuất”.
Khó tìm vì ít khi dùng tới?
Theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, thuốc hiếm là loại thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm theo yêu cầu điều trị đã được bộ Y tế ban hành bằng Quyết định 37/2008/QĐ/BYT.
Người dân mua thuốc tại hiệu thuốc bên ngoài. |
Cũng theo dược sĩ Vĩnh, hàng năm, sở Y tế TP.HCM đều có đề xuất cách mua sắm các loại thuốc này. Sau đó, có văn bản chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn xem xét các thuốc hiếm thiếu, hoặc chưa được cung ứng, kịp thời báo cáo, lập dự trù thuốc, gửi công ty nhập khẩu các thuốc hiếm để họ kiếm tìm nguồn cung cấp. Khâu cuối là công ty dược sẽ gửi cục Quản lý Dược xin phép được nhập khẩu thuốc này. Hiện, những công ty nhập khẩu thuốc hiếm chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khoảng 5/100 công ty dược nhập khẩu được thuốc hiếm.
Dược sĩ Vĩnh khẳng định, cục Quản lý Dược rất ủng hộ các sở Y tế địa phương ưu tiên cho những đơn vị nhập khẩu thuốc hiếm nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có tình trạng thuốc được nhập về nhưng không dùng. Đến khi có trường hợp bệnh hiếm, cần dùng, bệnh viện lại không có.
Chẳng hạn, bệnh viện nhập về lô hàng thuốc hiếm là Huyết thanh kháng nọc, chuyên trị các loại rắn độc cắn. Nhưng suốt thời gian thuốc nhập về, lại không có trường hợp bệnh nhân nào cấp cứu vì bị rắn độc cắn. Lúc đó, số thuốc trên phải được tiêu hủy vì đã hết hạn sử dụng. Và, trong lúc đang tiếp tục lập báo cáo dự trù, bệnh viện lại tiếp nhận bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì bị rắn cắn. Lúc này, thuốc trở nên hiếm. Việc thuốc hiếm trở nên khan hiếm hoặc hết chỉ xảy ra tại một số trung tâm cấp cứu chống độc, bệnh về huyết học... Còn những bệnh ung thư, hiện nay nguồn thuốc rất nhiều.
Cần Thông tư hướng dẫn Dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết, Nghị định 54 sẽ giúp quản lý thuốc chặt chẽ hơn. Chúng ta cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể để làm rõ hơn về việc duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc, không loại trừ thuốc hiếm. |
Lành Nguyễn