Thời gian gần đây, trào lưu phẫu thuật má lúm đồng tiền được phái đẹp ưa chuộng. Với mong ước sở hữu nụ cười duyên dáng, không ít chị em đã làm đẹp theo phong trào, “nhắm mắt đưa chân” vào cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, uy tín để rồi rước họa vào thân.
Chưa kịp duyên đã bị... lệch mặt
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, chi phí để sở hữu một má lúm đồng tiền tại các bệnh viện dao động từ 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện đang rộ lên trào lưu tạo má lúm đồng tiền tại các spa với mức giá chỉ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi bên, nên không ít chị em sẵn sàng chi tiền để sở hữu một nụ cười duyên dáng. Cũng vì lý do này mà ngày càng nhiều trường hợp gặp sự cố khi đặt niềm tin vào những cơ sở thiếu an toàn.
PV báo ĐS&PL đã tận mắt chứng kiến khuôn mặt biến dạng của chị Th.. Theo quan sát của PV, toàn bộ khu vực tạo má lúm bị sưng nề, tím và rò dịch.
Chị Th. bị áp-xe, má mưng mủ sau khi tạo lúm đồng tiền nhân tạo (Ảnh: N.Giang) |
Kể về quá trình làm đẹp, chị Nguyễn Thị Th. (SN 1972, ở Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) buồn rầu: “Cách đây 1 tháng, nhân dịp vào Sài Gòn, tôi được một người quen tên H., chủ cơ sở thẩm mỹ “tự nguyện” tạo má lúm đồng tiền miễn phí. Thế nhưng, chỉ sau nửa tháng, má tôi sưng vón cục, phải sử dụng kháng sinh liều cao, chỗ sưng lặn đi ít hôm. Cách đây 4 ngày, chỗ tạo má lúm tiếp tục sưng lên, mưng mủ rất khó chịu. Tôi điện thoại cho H. kể về sự cố thì nhận được câu trả lời “chị đi cắt chỉ, nặn mủ ra là khỏi”. Thú thật, tôi rất hoảng sợ và đã tìm đến bác sĩ để khắc phục sự cố”.
Cũng theo lời kể của chị Th., chủ cơ sở thẩm mỹ đã tư vấn chị dùng chỉ tự tiêu. Sau khoảng 1 tuần, chỉ sẽ tự mất đi, 2 tuần da sẽ đầy dần lên để lại hõm má xinh xinh. Thế nhưng, chưa kịp sở hữu má lúm đồng tiền, chị Th. đã bị biến chứng.
Chị Th. chia sẻ, sau khi gặp sự cố, chị mới “ngã ngửa” khi biết tin chủ cơ sở thẩm mỹ vừa mới vào nghề. “Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, tôi bị áp- xe, kích thước 2 x 3cm, có đường rò ra má, nếu không kịp thời phẫu thuật sẽ bị hoại tử và phá hủy gương mặt. Bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch phía trong miệng, giải phóng ổ áp- xe. Phía ngoài má có vết rò sẽ được sát khuẩn, vệ sinh thật sạch, khâu thẩm mỹ lại”, chị Th. nói
Cảnh báo biến chứng nguy hiểm
Trao đổi với PV, Ths. bác sĩ nội trú Trần Bảo Khánh, cho hay, trường hợp của chị Th. không phải là hi hữu, anh đã từng gặp nhiều trường hợp bị biến chứng do tạo má lúm đồng tiền tại những cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, uy tín.
Theo Ths.Trần Bảo Khánh, tạo má lúm đồng tiền là thủ thuật ít xâm lấn nhưng vẫn cần đến chuyên gia và cơ sở uy tín, cùng dụng cụ sạch sẽ để có thể an tâm về ngoại hình, sức khỏe. Nếu không tìm hiểu kỹ càng, hay ham giá rẻ sẽ rước họa vào thân.
“Nhiều trường hợp sau khi tạo lúm đồng tiền xuất hiện triệu chứng má bị sưng, tấy đỏ. Đây là biểu hiện của viêm, giai đoạn sớm của nhiễm trùng, cũng là biến chứng khá phổ biến của thủ thuật này, vì thông thường chỉ dùng để khâu tạo lúm đồng tiền sẽ được đưa vào từ phía trong má (khoang miệng) để tránh sẹo ở da lành vùng má, trong khi đó, vùng miệng là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn gây hại. Hơn nữa, trong quá trình thao tác tạo má lúm, nếu không được thực hiện trong điều kiện vô trùng, khả năng bị viêm dẫn đến nhiễm trùng cũng khá cao”, Ths. Khánh khuyến cáo.
Ths. Khánh cho biết thêm, tùy từng khuôn mặt bác sĩ sẽ tư vấn nên tạo má lúm hay không. Đặc biệt, với những bệnh nhân có khuôn mặt lệch, nhiễm khuẩn răng miệng, mắc các bệnh lý về cơ, thần kinh, bệnh lý toàn thân Lupus không nên làm tiểu phẫu này, khả năng nhiễm khuẩn cao, nhiễm trùng, áp-xe.
Ngân Giang