(ĐSPL) - Nhiều cô gái trẻ muốn lưu giữ chút kỷ niệm tuổi thanh xuân đã chụp ảnh nuy; “yêu nhau” khi ở nhà nghỉ; chụp ảnh, quay phim phút giây mặn nồng bên nhau… Những kỷ niệm dấu yêu tưởng chừng ngủ yên trong máy tính, điện thoại di động của mỗi người, một ngày kia bị hacker đánh cắp. Cuộc sống riêng tư của khổ chủ từ đây “dậy sóng”. Thủ phạm được phát hiện mang tên mã độc…
Mã độc lấy cắp dữ liệu “tình yêu” của bà mẹ đơn thân
Trẻ trung, xinh đẹp, làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài lương trên 5.000 USD, Minh Nguyệt được nhiều chàng trai chiều chuộng, săn đón. Thế nhưng trái tim cô gái đất Hà thành này vẫn lạnh như kem, sống khép mình như một chú mèo lười, ngủ bên lò sưởi trong đêm đông, gió rét. Tuổi thơ của Nguyệt sống trong cảnh éo le, bố nghiện rượu, hay đánh mẹ. Những vết bầm tím trên mặt mẹ, sau mỗi lần bị bố hành hung im đậm trong tâm trí cô một nỗi sầu khôn tả.
Tình thương của mẹ lớn dần theo năm tháng đã hình thành trong Nguyệt một suy nghĩ sẽ không lấy chồng, nhằm tránh vết xe đổ như số phận hẩm hiu của mẹ. Cô quyết định trở thành bà mẹ đơn thân (Single mom), kiếm một đứa con cho vui cửa, vui nhà. Cuộc sống bình yên của hai mẹ con Nguyệt bỗng “dậy sóng” kể từ hôm Nguyệt nhận được một email lạ có file văn bản đính kèm và chị đã mở ra xem. Theo các chuyên gia an ninh mạng, file đính kèm này có chứa mã độc, khi thâm nhập vào máy tính sẽ quét toàn bộ ổ đĩa của máy tính và mã hóa các file bằng mã hóa khóa công khai (public key cryptography). Chỉ có hacker mới mở được khóa bí mật và kẻ phát tán gửi thông tin tống tiền trên màn hình máy vi tính.
Dữ liệu trong máy chị Nguyệt đã đánh cắp và mã hoá, tức là Nguyệt không xem được những dữ liệu đó nữa. Và, điều bà mẹ đơn thân này lo lắng nhất đã xảy ra, hacker đưa ra điều kiện, muốn lấy lại những dữ liệu, đặc biệt là những dữ liệu nhạy cảm giữa cô và người đàn ông đã cho cô đứa con thì phải chi ra một khoản tiền kha khá. Nếu không, hắn sẽ đưa lên mạng xã hội cho mọi người cùng biết. Phần vì lo lắng cho bản thân, cộng thêm trách nhiệm giữ bí mật cho người đàn ông đặc biệt của đời mình, chị Nguyệt buộc phải làm theo yêu cầu của hacker.
Doanh nghiệp cũng bị mã độc “hỏi thăm”
Trường hợp của chị Minh Nguyệt không phải là hiếm trong thời đại công nghệ số hiện nay. Không ít cô gái trẻ, phụ huynh của các cô gái trẻ đã phải khóc dở, mếu dở vì hình ảnh nhạy cảm của chính mình và người thân bị hacker đánh cắp. Không chỉ có cá nhân, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng bị hacker tấn công, lấy cắp dữ liệu, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Độc chiêu dùng mã độc tống tiền, tái diễn trò chơi “mèo vờn chuột” đang được nhiều hacker thi triển để làm khó khổ chủ.
Ông Nguyễn Ngọc Dung, chủ doanh nghiệp có tiếng về kinh doanh bất động sản đã “khóc” khi bị mã độc “hỏi thăm”. Lúc đầu, ông còn nghi ngờ nhân viên đã đánh cắp, khi được chuyên gia công nghệ giúp đỡ thì mới vỡ lẽ...
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc - Bkav - thì, an ninh mạng luôn là vấn đề nóng trên thế giới. Các quốc gia, cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân đều đứng trước nguy cơ thành mục tiêu của các hình thức thâm nhập trái phép (hacking). “Các hình thức tấn công phổ biến nhất hiện nay hacker sử dụng là tấn công lừa đảo, sử dụng mã độc. Tấn công sử dụng mã độc là cách tấn công gây tê liệt hệ thống, khiến hệ thống ngừng trệ, ảnh hưởng đến uy tín cũng như làm thiệt hại tài chính đối với nạn nhân. Nghiêm trọng hơn là tấn công lừa đảo (phishing), hacker xây dựng hệ thống lừa đảo nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm như: Tên đăng nhập, mật khẩu hay thông tin về các loại thẻ tín dụng của người dùng”, ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.
Để bảo vệ thông tin cũng như phòng tránh nguy cơ bị truy cập trái phép vào thiết bị của mình, ông Sơn đưa khuyến cáo: “Không tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc trên internet. Lưu ý khi nhận được email có file đính kèm, cẩn trọng trong việc mở file, không mở file đính kèm nếu thấy nghi ngờ hoặc mở trong môi trường cách ly an toàn (safe) nếu cần phải xem nội dung. Khoá máy khi không trực tiếp ngồi trước máy tính và đặt mật khẩu mạnh. Không bấm vào các đường link lạ nhận được qua chat, email. Tốt nhất, cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực cho cả máy tính và điện thoại”.
Theo nhà xã hội học Nguyễn Thị Quế thì, việc chụp ảnh nuy để lưu giữ tuổi thanh xuân không phải là hành vi xấu. Có điều, chúng ta phải hết sức thận trọng khi lưu giữ những hình ảnh nhạy cảm này. Tốt nhất là rửa ra ảnh hoặc sao ra đĩa, USB, không nên để trong điện thoại hoặc máy tính cá nhân trong một thời gian dài. Ở thời đại công nghệ số, mọi chuyện đều có thể xảy ra, cho dù mình đang để những hình ảnh riêng tư đó ở trong nhà, nhưng người ở cách đó cả trăm km vẫn có thể “với tay” lấy một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Tiến- nguyên điều tra viên Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội nêu ý kiến: “Nếu ai bị hacker lấy trộm hình ảnh nhạy cảm cá nhân, tống tiền thì nên báo công an sở tại. Kẻ gian sẽ bị pháp luật trừng trị về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135, Bộ luật Hình sự.
Thiên Long