+Aa-
    Zalo

    Lý giải nguyên nhân sự chênh lệch trong mức hưởng lương hưu giữa nam và nữ

    (ĐS&PL) - Tại Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Quốc hội hôm 10/10, Chính phủ đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm, đồng thời đề xuất tỷ lệ hưởng lương hưu cụ thể của lao động nam và nữ.

    Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có một số vấn đề quan trọng đáng lưu ý, đặc biệt là một số thay đổi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người hưởng bảo hiểm như giảm thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. 

    Theo tờ VnExpress, với thay đổi này, mức hưởng của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng hưởng thêm 2%.

    Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.

    ly giai nguyen nhan su chenh lech trong muc huong luong huu giua nam va nu
    Mức hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ vẫn đảm bảo tỷ lệ không thay đổi. Ảnh minh họa.

    Như vậy, có thể thấy, nếu cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng thì tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam thấp hơn nữ 11,25%.

    Lý giải có vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật BHXH các năm 2006, 2014.

    Theo đó, tại Luật BHXH năm 2006 quy định người lao động có đủ 20 đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu; tỉ lệ hưu được tính cho cả lao động nam và nữ là 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Luật BHXH năm 2014 là kết quả việc sửa Luật năm 2006, đã có sự điều chỉnh: Với lao động nữ vẫn giữ nguyên cách tính tỉ lệ hưu 45% cho 15 năm đóng BHXH, riêng với lao động nam phải đóng BHXH 20 năm mới được tính tỉ lệ hưởng 45%.

    Do đó, khi giảm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.

    Tuy dự thảo luật sửa đổi có đề cập vấn đề giảm năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, nhưng chính sách này sẽ không áp dụng cho mọi đối tượng mà chủ yếu hướng đến nhóm tham gia BHXH muộn do không có điều kiện đóng dài, ông Cương khẳng định.

    Đối với trường hợp nghỉ hưu sớm vẫn phải đóng BHXH đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Đồng thời, mỗi năm nghỉ sớm hơn tuổi quy định sẽ bị trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu.

    Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng dẫn đến mức lương hưu thấp, ông Cường cho rằng nguyên tắc muốn có lương hưu cao thì tỉ lệ đóng phải cao, số năm đóng dài. Song, để mở rộng độ phủ của BHXH, nhà nước chủ trương ưu tiên để có thêm nhiều người từ chỗ chưa có lương hưu đến có lương hưu trước, dần dần mới tính đến chuyện cải thiện mức hưởng.

    Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, người từng tham gia soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006 và 2014, giải thích thêm thời gian đóng tối thiểu chênh lệch nhau 5 năm để phù hợp với tuổi nghỉ hưu nữ 55 và nam 60 theo Bộ luật Lao động cũ.

    Do lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với nam giới, thời gian tham gia hệ thống ngắn hơn nên số năm đóng BHXH tối thiểu cũng được điều chỉnh thấp hơn tương ứng, sao cho nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 sẽ đạt mức hưởng tối đa 75% với 30 năm tham gia, còn lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60 sẽ đóng 35 năm. "Vì thế, nếu giảm năm đóng nhưng giữ nguyên cách tính cũ thì tỷ lệ lương hưu của nam và nữ có sự chênh lệch", ông Huân nói.

    Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đề xuất giảm năm đóng BHXH trước đó nhận hai luồng góp ý kiến trái chiều. Luồng thứ nhất đồng tình vì cho rằng chính sách hấp dẫn lao động, giúp mở rộng diện bao phủ, nhất là người thu nhập thấp, không thường xuyên. Luồng còn lại đề nghị giữ nguyên 20 năm đóng như hiện hành để tiền lương hưu không quá thấp, cũng như đảm bảo công bằng, chia sẻ giữa nam và nữ trong hệ thống an sinh.

    Ngoài giảm năm đóng hưởng lương hưu, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án giải quyết BHXH một lần; đề xuất đưa khoảng 3 triệu người thuộc 5 nhóm lao động vào diện đóng bắt buộc; bổ sung trợ cấp thai sản 2 triệu đồng với người tham gia BHXH tự nguyện; hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống còn 75 thay vì 80 như hiện hành; trợ cấp hàng tháng cho lao động đủ tuổi hưu đến trước 75 tuổi mà chưa đủ thời gian đóng BHXH.

    Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối tháng 10, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-giai-nguyen-nhan-su-chenh-lech-trong-muc-huong-luong-huu-giua-nam-va-nu-a596413.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Trường hợp nào được tăng lương hưu sau cải cách tiền lương năm 2024?

    Trường hợp nào được tăng lương hưu sau cải cách tiền lương năm 2024?

    Nếu việc cải cách chính sách tiền lương được thông qua và thực hiện từ 1/7/2024, mức lương của người nhiều đối tượng lao động sẽ có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, liệu chính sách này sẽ tác động đến người hưởng lương hưu như thế nào? Trường hợp nào lương hưu sẽ được tăng?