(ĐSPL) – Ngày 4/12, ông Dương Lê Dũng, Nguyên Giám đốc công ty Lương thực Vĩnh Long đã tự tử trong trại giam. Ông Dũng bị bắt vì tội gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Như tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đưa, bị can Dương Lê Dũng (sinh năm 1956, ngụ P.1, TP Vĩnh Long), nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã treo cổ tự tử tại trại tạm giam Bộ Công an lúc 16h chiều ngày 4/12. Khi phát hiện, ông được đưa lên TP.HCM cấp cứu nhưng đã tử vong.
Cơ quan công an cho biết, ông Dũng đã dùng quần treo cổ tự tử và chết trong phòng tắm của phòng tạm giam. Sáng 5-12, các cơ quan chức năng bàn giao thi thể ông Dương Lê Dũng cho gia đình tổ chức an táng.
Trước đó, ngày 12/11/2014, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Dương Lê Dũng để điều tra về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng bị khởi tố, bắt giam điều tra về hành vi trên còn có Huỳnh Văn Thức, Trưởng phòng Kinh doanh và Trần Thị Diễm Thúy, kế toán trưởng Công ty Lương thực Vĩnh Long (Công ty Lương thực Vĩnh Long là Chi nhánh của Công ty Lương thực Miền Nam, có 100\% vốn nhà nước).
Cụ thể, năm 2012, Công ty lương thực Vĩnh Long đã ký kết hợp tác kinh doanh với Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum với nội dung cấp vốn để công ty này mua sắn lát xuất khẩu nhưng thực chất là cho vay vốn với lãi suất từ 6 - 8\%.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nguồn tiền để Công ty lương thực Vĩnh Long cho công ty Thịnh Phát vay là đi vay ngân hàng thông qua bảo lãnh của công ty mẹ là Tổng công ty lương thực Miền Nam. Quá trình hợp tác kinh doanh, Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum bị thua lỗ và đến nay không có khả năng thanh toán cho Công ty lương thực Vĩnh Long số tiền hơn 126 tỷ đồng.
Sau khi biết Thịnh Phát thua lỗ và mất khả năng trả nợ, lãnh đạo Công ty lương thực Vĩnh Long tìm cách che giấu, không báo cáo đúng sự thật.
Ngoài ra, năm 2013, dù được công ty mẹ Tổng công ty lương thực Miền Nam lưu ý khuyến cáo không ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp đang có nợ xấu của ngân hàng nhưng ông Dũng, Thức vẫn tiếp tục ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp và chuyển trước tiền để đối tác mua nguyên liệu, dẫn đến đối tác sử dụng tiền này vào việc khác gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng, đến nay không thu hồi được.