+Aa-
    Zalo

    Tạm gỡ bỏ trưng bày bột ngọt Meizan tại nhiều siêu thị thuộc hệ thống Go!

    • MAI ANHDSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều siêu thị thuộc hệ thống Go! tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng... tạm gỡ bỏ trưng bày sản phẩm bột ngọt Meizan.

    Vừa qua, nhiều siêu thị thuộc hệ thống Go! như Big C Thăng Long, Go! Mê Linh, Go! Long Biên tại Hà Nội, Go! Đà Lạt tại Lâm Đồng, Go! Vinh tại Nghệ An, Go! An Lạc tại TP. HCM… đã đồng loạt tạm gỡ bỏ trưng bày đối với bột ngọt nhãn hiệu Meizan.

    Theo tìm hiểu, nguyên nhân các siêu thị này ngưng trưng bày và bán sản phẩm bột ngọt Meizan là do “thông tin sản phẩm có vấn đề”. Trước đó, Công ty TNHH dịch vụ EB- Tập đoàn Central Retaiil Việt Nam, đơn vị quản lý điều hành hệ thống Go! nhận được công văn số 310/GDVN-HC của Tạp chí Điện tử GDVN liên quan đến vấn đề ghi nhãn sản phẩm nên đã có động thái trên.

    Kệ trưng bày bột ngọt Meizan tại siêu thị Go! Long Biên sau khi gỡ hàng.

    Kệ trưng bày bột ngọt Meizan tại siêu thị Go! Long Biên sau khi gỡ hàng.

    Quan sát trên bao bì sản phẩm Meizan có thể thấy sản phẩm không minh bạch nguồn gốc, xuất xứ bột ngọt, chỉ ghi: Đóng gói tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế Nam Dương có địa chỉ tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

    Được biết, sau khi bị hệ thống siêu thị Go! không còn trưng bày đối với các sản phẩm bột ngọt Meizan không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày 31/10/2024, Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương đã có công văn phản hồi cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam là chủ sở hữu chuỗi siêu thị Go! và giải thích về lý do không ghi nguồn gốc, xuất xứ của loại bột ngọt mà công ty này dùng để phối trộn từ bột ngọt của 4 nước thành bột ngọt Meizan, trong đó có nội dung:

    “Nam Dương mua bột ngọt từ các nhà cung cấp khác nhau có xuất xứ từ các quốc gia khác nhau để đóng gói Sản Phẩm và bán lại cho các khách hàng của mình tại Việt Nam”. Và Công ty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế Nam Dương căn cứ vào Điều 15 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (Nghị định 43), sửa đổi bổ sung Khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi , bổ sung một số điều của Nghị định 43 để thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm.

    Theo quy định về ghi nhãn tại Điều 7 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định: “Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, cụ thể phải thể hiện đầy đủ 03 nội dung sau: Ngày sản xuất, hạn sử dụng và ngày đóng gói, trong đó:

    - Ngày sản xuất: là ngày được thể hiện trên nhãn gốc (do tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi được san chia, sang chiết và được ghi trên nhãn gốc).

    - Hạn sử dụng: hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc (do tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi được san chia, sang chiết và được ghi trên nhãn gốc).

    - Ngày đóng gói: là ngày san chia, sang chiết bột ngọt để đóng gói và không được viết tắt.

    Như vậy, theo giải thích của công ty này, nếu bột ngọt Meizan được phối trộn từ nhiều loại bột ngọt ở các nước khác nhau, thì việc ghi nhãn mác sẽ được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Vì vậy, việc bột ngọt này có tiếp tục được trưng bày tại các siêu thị trong thời gian tới hay không thì cần chờ quyết định của các cơ quan chức năng. 

    Hiện trên thị trường có một số loại bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ gây lo ngại cho người tiêu dùng. Liệu bột ngọt đang bán này còn hạn sử dụng hay không và việc sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ này có ảnh hưởng đối với sức khỏe?

    Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam, bột ngọt san chia, sang chiết để đóng gói lại cần phải ghi rõ tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi sang chia, sang chiết, cụ thể:

    Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: “6. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và phải ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép”.

    Những quan ngại, lo lắng của người tiêu dùng về sức khỏe khi trực tiếp và thường xuyên sử dụng các sản phẩm gia vị hàng ngày rất đáng được lưu tâm. Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ các nội dung trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tam-go-bo-trung-bay-bot-ngot-meizan-tai-nhieu-sieu-thi-thuoc-he-thong-go-a478854.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan