Mặc dù gia đình khánh kiệt sau khi chồng qua đời, cùng với việc gánh nặng nuôi 2 con ăn học, thế nhưng chị Nguyễn Thị Nhi vẫn quyết định viết đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo, để nhường cơ hội cho các gia đình khác.
Hoàn cảnh bi thương
Thời tiết nắng nóng bất thường những ngày qua càng khiến chị Nguyễn Thị Nhi (SN 1974), trú tại khối 7, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An càng thêm mệt mỏi. Những cơn ho sặc sụa dồn đến khiến khuôn mặt người phụ nữ này đỏ bừng.
Xua tay xin lỗi khách, chị Nhi cho hay: “Giờ tôi chẳng dám đi bệnh viện khám nữa, vì sợ càng phát hiện thêm nhiều bệnh. May mà lâu nay bốc thuốc nam của một thầy lang ở xã bên thấy có vẻ hợp thuốc, nên cũng đỡ nhiều rồi”.
Trước tình trạng sức khỏe như vậy, càng khiến mọi người bất ngờ hơn khi mới đây chị Nhi là người đầu tiên trong khối tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Thế nhưng, chỉ những người thật hiểu rõ hoàn cảnh của người phụ nữ này mới biết rằng đây không phải là quyết định nhất thời, bởi trước đây cuộc sống của chị còn thê thảm hơn bây giờ rất nhiều.
Quán nhỏ của chị Nhi để nuôi 3 mẹ con. |
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khô cằn huyện Tân Kỳ, gia đình lại không có ruộng nên chị Nhi bỏ học và bươn chải buôn bán từ rất sớm để nuôi các em ăn học. Đến bây giờ, chị không còn nhớ mình đã làm bao nhiêu nghề, từ làm thuê đi cấy lấy công, cho đến gánh hàng rong bán,... gần như chưa có xã nào trong huyện là chị chưa đi qua.
“Thời điểm đó, tôi cứ dong một chiếc xe đạp chở các hàng hóa vào tận trong chợ Tân An, Nghĩa Phúc,... để bán. Nguyên nhân là bởi vì không có tiền mua một chỗ ở chợ thị trấn, nên phải vào các chợ xã nhỏ để bán hàng, kiếm từng đồng sống qua ngày”, chị Nhi nhớ lại.
Sau đó, chị gặp người chồng của mình như một duyên phận, thế nhưng chị không biết rằng cũng từ đó gánh nặng cuộc sống càng đè lên đôi vai gầy của mình gấp nhiều lần hơn nữa. Bởi chỉ vài năm sau khi cưới, bỗng nhiên anh đổ bệnh, đi các bệnh viện để khám thì mới hay anh ung thư giai đoạn cuối. Chồng gặp bạo bệnh, của cải trong nhà đội nón ra đi. Thương chồng, chị chẳng tiếc gì cả, thậm chí còn vay nóng nhiều nơi để đưa anh đi chữa bệnh. Cuối cùng, anh chẳng thể nào qua khỏi, để lại cho chị một đống nợ cùng 3 người con nhỏ nheo nhóc.
“Đến giờ tôi cũng không biết mình trải qua giai đoạn đó như thế nào nữa. Công việc gì tôi cũng làm, không hề ngại nặng nhọc, chỉ mong có tiền chữa bệnh cho chồng, nuôi con. Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy có lỗi, nghĩ nếu như các con tôi ở gia đình khác thì sẽ không đến nỗi bữa đói bữa no như vậy”, chị Nhi kể.
Một điều may mắn là những lúc khốn khó chị luôn được hàng xóm láng giềng giúp đỡ. Ngoài ra, việc có “tấm bài” hộ nghèo gần chục năm nay đã giúp các con của chị được miễn tiền học, chị đi khám không mất tiền, cuối năm còn có thêm vài trăm ngàn cùng túi gạo hỗ trợ... Tất cả cùng với nghị lực phi thường của người mẹ xứ Nghệ đã giúp chị nuôi 3 người con dần trưởng thành.
“Nhiều hoàn cảnh còn khổ hơn tôi”
Thời gian thấm thoắt trôi đi, người con gái đầu nay 23 tuổi đã lập gia đình riêng, và khi người con thứ 2 bước vào lớp 12 thì cũng là lúc chị Nguyễn Thị Nhi nghĩ đến việc trao “món quà” này cho những người khốn khó hơn mình.
“Đối với gia đình tôi, giấy chứng nhận hộ nghèo đã giúp được rất nhiều thứ. Tôi vẫn không thể quên được những món quà chiều 29 – 30 Tết của các nhà hảo tâm, khiến mẹ con vừa ấm lòng vừa có một dịp Tết đầy đủ. Giờ đây, tuy cuộc sống vẫn phải chạy ăn từng bữa, nhưng tôi nghĩ mình nên nhường tiêu chuẩn hộ nghèo cho người khác”, chị nói.
Được biết, hiện nay gia đình chị vẫn nợ hơn 100 triệu đồng, dù 3 mẹ con vẫn trú trong ngôi nhà lụp xụp không có sổ đỏ, chị biết trong người mình có rất nhiều bệnh tật bủa vây, thế nhưng từ tháng 10 năm ngoái, chị Nhi vẫn quyết định viết lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Thời điểm ấy, nhiều người trông vào hoàn cảnh của chị vô cùng thắc mắc, thậm chí có một số người còn nói những lời không hay. Thế nhưng, chỉ có chị hiểu được rằng “chia ngọt sẻ bùi”, “áo rách đùm áo tả tơi” là như thế nào.
Giải thích về việc này, chị nói: “Hiện tôi có nhà để ở, có con để yêu thương. Tôi cũng còn sức khỏe để buôn bán hàng tạp hóa trước cổng trường, hơn rất nhiều người khác. Chỉ tiêu hộ nghèo thì ít, nên nhường cho người cần hơn tôi”.
Nói về hoàn cảnh gia đình chị Nhi, bà Tăng Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lạt cho biết thêm: “Gia đình chị Nguyễn Thị Nhi có hoàn cảnh éo le, chồng bị bệnh hiểm nghèo qua đời. Hiện một mình chị phải chăm lo cho 2 con ăn học, không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập bấp bênh. Vì vậy, việc chị tự nguyện rút ra khỏi hộ nghèo là hành động rất đáng khen”.
Trước quyết định hết sức ý nghĩa, vì người khác của chị, chính quyền địa phương đã quyết định hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng để buôn bán hàng tạp hóa. Nhờ chăm chỉ chịu khó, vừa buôn bán vừa phát triển chăn nuôi nên cuộc sống gia đình chị đã đỡ vất vả.
Cuộc sống chưa hết khó khăn, vẫn phải cố gắng rất nhiều, nhưng hành động biết nghĩ đến người khác, ý chí vươn lên, thoát nghèo của chị Nhi được chính quyền và bà con nơi đây ghi nhận và cảm phục.
Ông Đặng Bá Hùng, Bí thư thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ cho biết: “Năm 2018 vừa qua, thị trấn Tân Kỳ có 9 hộ đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 0,54%. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các hộ dân cùng với cách làm của địa phương là giao trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể đảm nhận giúp đỡ từng gia đình hội viên; chú trọng đến công tác tuyên truyền giúp mọi người dân có ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại từ Nhà nước”. |