Biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương 8 triệu đồng/ tháng và không có nguồn thu nhập nào khác nhưng người vợ vẫn nhận của chồng 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ nguồn tiền thì cô này đã vi phạm các dấu hiệu phạm tội.
Theo Tiền Phong, ngày 31/5, TAND Tối cao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức lễ công bố Nghị quyết 03/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội “Rửa tiền”.
Tại lễ công bố, Thẩm phán Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao đánh giá, tội phạm rửa tiền đã xuất hiện trên thế giới từ lâu và các nước có kinh nghiệm trong việc đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm mới nên cần hoàn thiện về mặt khoa học pháp lý.
Ban hành Nghị quyết 03/2019 sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thuận tiện nhằm thống nhất xử lý loại tội phạm rửa tiền – loại liên quan tới tất cả các tội phạm nguồn như ma túy, tham nhũng, lừa đảo, cướp tài sản…
Chánh án tối cao nói thêm: “Việc này thể hiện cam kết của chúng ta về thực thi công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm... Ngoài ra, các chế định tài chính quốc tế còn căn cứ vào việc thực thi quy định chống rửa tiền để xếp hạng các tổ chức tài chính. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết không chỉ có ý nghĩa trong chống rửa tiền, nó còn có ý nghĩa trong nâng cao uy tín các chế định tài chính của Việt Nam”.
Cũng tại lễ công bố, đại diện TAND Tối cao đã đọc Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ 7/7/2019).
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình - Ảnh: Dân trí |
Theo báo Pháp luật TP HCM, trong Nghị quyết này có phần giải thích một số thuật ngữ trong việc áp dụng Điều 324 BLSH 2015 về tội rửa tiền. Đáng chú ý là thuật ngữ “Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Nghị quyết đưa ra bốn trường hợp minh họa.
Một là, người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có.
Hai là, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội có thể biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin.
Ba là, bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: Vợ biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng vợ vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền.
Bốn là, theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó.
Cự Giải (T/h)