+Aa-
    Zalo

    Luật sư và góc nhìn về sai sót Thông tư 58 trong chuyển đổi GPLX

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bộ GTVT cần đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này.

    (ĐSPL) - Bộ GTVT cần đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này.

    Vừa qua Bộ GTVT ra Thông tư 58 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe sang giấy phép được làm bằng vật liệu PET. Sau 6 tháng, người không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.

    Thông tư này của Bộ GTVT gặp ý kiến trái chiều của người dân, đồng thời bị Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư Pháp thổi còi vì qua rà soát, đối chiếu với quy định hiện hành, Cục nhận thấy Thông tư 58 "không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp".

    Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Giao thông rà soát quá trình thực hiện Thông tư 58 để có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này.

    Liên quan đến vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Sỹ Hoàng – Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công Lý về nguyên tắc ra Thông tư cũng như trách nhiệm các bên liên quan.

    Luật sư Trần Sỹ Hoàng – Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công Lý.

    Thưa Luật sư, khi các văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành phải đảm bảo các nguyên tắc gì?

    Văn bản quy phạm pháp luật nói chung và thông tư nói riêng khi được ban hành phải tuân thủ các quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó các Văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

    Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

    Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

    Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

    Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

    Theo Luật sư, quy định ban hành Thông tư như thế nào là đúng?

    Mục 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định quy trình xây dựng, ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cụ thể là: Trong quá trình soạn thảo, bộ, cơ quan ngang bộ phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý; đánh giá tác động văn bản, đánh giá thủ tục hành chính trong văn bản; Đối với thông tư có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp hoặc có tính đa ngành, đa lĩnh vực thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để thẩm định dự thảo thông tư.

    Trong trường hợp trên, các cá nhân, tập thể tham mưu ban hành văn bản này gây ảnh hưởng đến người dân thì Bộ GTVT có nên xử lý hay không?

    Chúng ta có thể thấy rằng, mục đích của BGTVT là người dân chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET nhằm chống làm giả, thuận tiện cho quản lý nhà nước. Đáng lẽ ra là khuyến khích người dân chuyển đổi tuy nhiên, việc ban hành thông tư 58/2015/TT-BGTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ ngày 20/10/2015 trong đó có Điều 57 dẫn đến cách hiểu việc chuyển đổi giấy phép lái xe từ giấy bìa sang vật liệu PET là bắt buộc. GPLX bằng bìa giấy không chuyển đổi sang vật liệu PET sẽ không còn giá trị sử dụng và người dân phải sát hạch lại lý thuyết nếu muốn cấp lại.

    Thực tế đã hơn 90% người dân đã thực hiện việc đổi GPLX vì có Điều 57 nêu trên, gây tốn kém về thời gian cũng như tiền bạc cho người dân nhưng đổi lại, chủ trương của Bộ GTVT coi như hoàn thành xuất sắc.

    Hiện tại, Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư Pháp đã có ý kiến về việc ban hành quy định trên và BGTVT đang xem xét để sửa đổi, bổ sung Thông tư 58.

    Theo quan điểm của tôi, việc ban hành quy định tại Điều 57 nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới người dân. Đa số người dân tỏ ra bức xúc, phiền hà. Tôi cho rằng Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp có ý kiến không đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT về Điều 57 là hợp lý tuy nhiên hơi muộn. Khi 90% người dân đã phải chịu cảnh xếp hàng từ 4 - 5h sáng để lấy số thứ tự nơi thực hiện thủ tục đổi GPLX.

    Vì vậy, Bộ GTVT cần đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này.

    Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cũng cho rằng cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT ra Thông tư 58 nên chịu trách nhiệm khi đã gây ra tổn hại về thời gian, kinh tế cho người dân khi mà đến khoảng 90% người dân đã hoàn thành thủ tục đổi GPLX.

    Theo TS Thủy, bất cứ một cơ quan nhà nước nào mà gây ra hiệu quả phản tác dụng, gây ra tiêu cực thì đều phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Và ở đây, kể cả cơ quan đó đã làm hết trách nhiệm, cơ quan đó làm với một điều tốt nhưng mà gây hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm.

    Ngoài ra, theo Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp: Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT đã quy đinh về thời hạn giấy phép lái xe, các trường hợp đổi giấy phép. Nay thông tư mới 2016 phủ nhận các quy định của văn bản này, vô hiệu hoá các giấy phép đang sử dụng theo Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT nên quy đinh mới này cần phải bị hủy bỏ .

    Trong trường hợp này, cần kỷ luật người tham mưu nhưng người ký văn bản phạm luật thì mới là người phải chịu trách nhiệm về văn bản đó.
     
    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-va-goc-nhin-ve-sai-sot-thong-tu-58-trong-chuyen-doi-gplx-a172493.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.