+Aa-
    Zalo

    Luật sư của những bị cáo đặc biệt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi vụ án luật sư Đỗ Hải Bình tham gia bào chữa đều là những lần đấu trí cùng những áp lực kinh người khi phải đối diện với tội ác của bị cáo và nỗi đau, mất mát quá lớn.

    Có thể nói, mỗi vụ án luật sư Đỗ Hải Bình tham gia bào chữa đều là những lần đấu trí cùng những áp lực kinh người khi phải đối diện với tội ác của bị cáo và nỗi đau, mất mát quá lớn của gia đình bị hại. Không ít lần, ông bị thân nhân của cả bị cáo lẫn bị hại chửi mắng, thậm chí đánh đuổi ngay trong khuôn viên tòa. Thế nhưng, với tâm thế luật sư không được từ chối bào chữa dù thân chủ có phạm bất cứ tội gì, ông quyết tâm “dấn thân” dù biết đây là “cuộc chiến” đầy gian khó.

    Luật sư Đỗ Hải Bình trong một lần nói chuyện về pháp luật.

    Luật sư cũng bị đuổi đánh

    Luật sư Đỗ Hải Bình, đoàn Luật sư TP.HCM là luật sư có tên tuổi gắn với những vụ án giết người được dư luận quan tâm. Điều đặc biệt, trong mỗi vụ án ấy, ông đều được thuê, được chỉ định để bào chữa cho các bị cáo bị VKS nhận định “không còn tính người”. Thế nên, như ông nói, mỗi lần ra tòa là một lần ông phải đương đầu với những áp lực khủng khiếp. Bởi, thân chủ của ông hầu hết đều “cầm chắc” án tử và bị xã hội lên án mạnh mẽ. Luật sư Bình tâm sự: “Có người từng hỏi tôi, phải đối mặt với các vụ án mà bị cáo đều có khung hình phạt là tử hình có mệt mỏi không? Mệt mỏi, căng thẳng, áp lực lắm chứ. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của luật sư. Đã là luật sư thì phải bào chữa chứ không được từ chối dù bị cáo có phạm bất cứ tội gì...”.

    Trong suốt quãng thời gian tranh tụng tại các phiên tòa xét xử những vụ án gây chấn động dư luận, ông nhiều lần bị thân nhân của cả bị cáo lẫn bị hại hành hung.

    Đó là lần ông tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo Hồ Duy Trúc. Theo cáo trạng, sau khi gây ra một số vụ cướp tại tỉnh Ninh Thuận và bị cơ quan chức năng truy quét, Hồ Duy Trúc cùng Nguyễn Hoàng Phương vào TP.HCM rủ thêm Trần Văn Luông, Huỳnh Thanh Sơn, Trần Thanh Tuyền và một số thanh niên sống lang thang lập thành nhóm cướp mới. Chiều 24/11/2012, Trúc rủ Luông cùng đồng bọn mang theo mã tấu chạy xe trên các tuyến đường vắng người thuộc địa bàn quận 7, quận 2 và huyện Nhà Bè (TP.HCM) để tìm “con mồi” cướp tài sản.

    Khi phát hiện chị N.T.N.T. (30 tuổi) chạy xe Honda SH một mình, chúng liền bám theo. Đến đoạn đường vắng, Luông chạy xe vượt lên chặn đầu, Trúc ngồi phía sau vung dao chém liên tiếp vào tay chị T. làm cả người và xe ngã xuống đường. Trúc chạy đến định cướp xe nhưng không nổ máy được nên bỏ lại. Đồng bọn của hắn từ phía sau lao đến giật phăng chiếc túi xách trên người nạn nhân rồi cả bọn tăng ga bỏ trốn. Sự tấn công của Trúc khiến bàn tay của chị T. đứt gần lìa.

    Người thân bị cáo Hồ Duy Trúc từng gây náo loạn phiên tòa và hành hung luật sư Bình dù ông bào chữa miễn phí cho Trúc.

    Luật sư Bình kể: “Trong phiên xét xử ấy, mặc dù VKS đề nghị mức án chung thân đối với Hồ Duy Trúc nhưng HĐXX lại tuyên mức án tử hình. Điều này khiến người thân bị cáo phẫn nộ. Họ lao đến đòi hành hung tôi. Họ chửi tôi sao không cãi cho Trúc xuống còn 8 năm tù? Trước đó, tôi đã trao đổi với họ rất nhiều nhưng không ngờ khi ra tòa, họ lại tấn công tôi. Họ không biết rằng, tôi đã dốc sức để tranh tụng. Tuy nhiên, với tội ác quá rõ ràng của bị cáo, luật sư cũng chỉ có thể “cãi” để có thể giảm mức án chứ không thể bẻ cong sự thật. Đến phiên phúc thẩm, để đảm bảo an toàn cho luật sư và an ninh trong phiên tòa, HĐXX chỉ cho những ai có giấy mời vào phòng xử án. Vụ án này cũng bị nhiều lần hoãn xử. Sau này, sau khi bình tĩnh lại, mẹ bị cáo có xin lỗi luật sư”, luật sư Bình kể.

    Tuy nhiên, trong bộn bề những áp lực, đâu đó vẫn có nhiều vụ án mà ở đó, ông tìm được những thân chủ đặc biệt.

    Những thân chủ đặc biệt

    Luật sư Bình tâm sự, mỗi vụ án là mỗi câu chuyện đời khác nhau. Ông cho rằng, trong những câu chuyện ấy, nếu ta đi đến tận cùng sẽ tìm thấy những điều mới mẻ. Đó là lần ông bào chữa cho nữ bị cáo không một lần chia sẻ với luật sư về nội dung vụ án của mình. Bị cáo không kêu oan, cũng không yêu cầu luật sư xem xét hồ sơ bào chữa cho mình trong các phiên tòa. Những lần luật sư Bình vào trại giam để làm việc, bị cáo này đều từ chối nhắc đến các tình tiết của vụ án. Thay vào đó, người này chỉ kể về câu chuyện cuộc đời của mình.

    Tuy nhiên, chính những câu chuyện ấy lại giúp luật sư tìm ra quan điểm mới để từ đó bào chữa, giúp đỡ thân chủ của mình. Luật sư Bình kể: “Theo cáo trạng, bị cáo này quen biết, yêu thương 1 người đàn ông nước ngoài. Người này có nhờ bị cáo lấy giúp đồ anh ta gửi qua Việt Nam từ nước ngoài ở sân bay Tân Sơn Nhất. Khi bị cáo nhận đồ thì bị giữ lại vì bên trong là ma túy. Tiếp xúc với tôi, cô ấy kể, từ nhỏ đến lớn, cô luôn băn khoăn tự hỏi tại sao cô lại có cảm giác mẹ không thương mình nhiều bằng các anh chị em khác”.

    “Lớn lên cô tìm hiểu thì phát hiện ra rằng, cô chỉ là con nuôi, được mẹ nhận về nuôi nên cô tủi thân rồi sa ngã. Bước đường sa ngã của cô dừng lại ở việc bị bắt quả tang đang cầm lượng ma túy lớn trên tay. Từ câu chuyện của cô, khi ra tòa, bằng nhiều lý lẽ dựa trên cơ sở là cuộc sống của bị cáo, tôi đề nghị HĐXX cân nhắc ra bản án hợp lý hơn. Cuối cùng, mặc dù bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù giam nhưng sau các phiên tòa, bị cáo này bị kết án 18 năm tù. Đó là một trong những bị cáo đặc biệt của tôi dù không phạm phải tội Giết người”, nam luật sư kể thêm.

    Sau vụ án này, ông lại rơi vào trường hợp tương tự khi bào chữa cho Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. Dù biết rõ bị cáo “cầm chắc” án tử nhưng với tính chuyên nghiệp của một luật sư, ông vẫn nhận lời bào chữa và “đọc từng chữ” trong chồng hồ sơ lên tới cả ngàn trang. Ông trực tiếp vào trại giam gặp Dương, kẻ sát nhân máu lạnh.

    Ông kể, ngay lần đầu tiên vào trại giam gặp Dương, ông đã gặp bất ngờ lớn. Dương không chút “máu lạnh” quen thuộc của những tên tội phạm một mình sát hại hàng loạt mạng người. Ngược lại Dương tỏ ra điềm tĩnh, ít nói. Chưa kịp hỏi, Dương đã “chặn họng” luật sư.

    “Lúc gặp tôi, Dương không hề kêu oan hay tỏ thái độ mong muốn được bào chữa, bảo vệ khi ra tòa. Thậm chí, Dương còn tỏ rõ ý định không cần phải xét xử gì hết. Mấy lần gặp mặt, Dương đều không hề nhắc đến nội dung vụ án mà chỉ nói: “Em chán lắm rồi. Sáng, chiều, tối lúc nào cũng lấy lời khai, em mệt mỏi lắm rồi. Cũng chỉ có nhiêu đó thôi, em kể hết rồi và không muốn nói thêm nữa. Giờ điều em cần là viết đơn xin được tử hình sớm, em cũng không cần được xét xử nữa”, luật sư Bình kể lại.

    Tuy nhiên, khi được luật sư giải thích với mức án sắp phải đối diện, Dương phải có người bào chữa, đây là quy định của pháp luật. Lúc này, Dương mới đồng ý “nói chuyện” với luật sư. Song, hai bên cũng chỉ dừng lại ở việc trao đổi những thông tin bên ngoài chứ không hề đi sâu vào vụ án. Sau đó, luật sư Bình phải miệt mài lục lọi trong chồng hồ sơ cao ngất để tìm ra tình tiết để bào chữa cho bị cáo này.

    (Còn nữa)

    H.N
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luậy số 38 ngày 6/3/2020
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-cua-nhung-bi-cao-dac-biet-a314441.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan