(ĐS&PL) Nghiên cứu hồ sơ vụ đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Thiên Phú cho rằng, Công ty Kim Oanh và đơn vị tổ chức đấu giá đã có những hành vi vi phạm trong vụ việc này.
Theo nguồn tin của phóng viên, vào ngày 5/3 tới đây, TAND quận 7 (TP HCM) sẽ xét xử vụ án dân sự sơ thẩm về việc tranh chấp "Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá" giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), địa chỉ tại số 39B đường Ngô Quyền, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; bị đơn là Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank, đại diện là Agribank chi nhánh Chợ Lớn), Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP HCM (Công ty Kim Oanh), Văn phòng công chứng Thành phố mới (Bình Dương)...
Theo nội dung đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú, dự án Khu dân cư Hòa Lân có tổng diện tích hơn 49 ha, tọa lạc tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Dự án gồm hơn 24ha đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và gần 25ha đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
Khu đất thuộc dự án Khu dân cư Hòa Lân. |
Vào đầu năm 2011, Công ty Thiên Phú đã thế chấp dự án này cho Chi nhánh Ngân hàng Agribank Chợ Lớn để vay hơn 18.000 lượng vàng và trả các khoản nợ trước đó. Trong quá trình kinh doanh, do gặp khó khăn về tài chính, nên ngày 17/4/2015, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận giao tài sản là dự án Khu dân cư Hòa Lân cho Agribank Chợ Lớn để xử lý và thu hồi khoản nợ lên đến hơn 1.117 tỷ đồng.
Để xử lý khoản nợ xấu trên, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú thống nhất chọn Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (gọi tắt là đơn vị đấu giá) để bán đấu giá tài sản. Sau đó, Agribank Chợ Lớn đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn để bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu dân cư Hòa Lân, giá khởi điểm là hơn 1.467 tỷ đồng.
Sau đó, ngày 9/7/2015, Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn bắt đầu thông báo bán đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân, thời hạn đăng ký, mua hồ sơ và nộp tiền đặt trước ngày 29/7/2015. Tuy nhiên, đến ngày 30/7/2015, vẫn không có khách hàng tham gia nên hai đơn vị thống nhất tiếp tục ký phụ lục hợp đồng để bán đấu giá tiếp.
Được biết, phải tới phiên đấu giá thứ 12, kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017 thì việc đấu giá mới thành công. Ở phiên đấu giá lần thứ 12, giá khởi điểm của dự án Khu dân cư Hòa Lân đã bị giảm xuống chỉ còn 963 tỷ đồng và Công ty Cổ phần xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá với giá là 1.353 tỷ đồng.
Sau đó, mãi đến ngày 13/6/2018, tức sau gần một năm ngày trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh mới trả được 711,3 tỷ đồng tiền trúng đấu giá. Ngày 26/6/2018, Công ty Kim Oanh lại có công văn gửi Agribank Chợ Lớn đề nghị được áp dụng mức phí trả chậm từ 8%/năm xuống còn 6%/năm… và cam kết đến tháng 12/2018 sẽ trả hết số tiền trúng đấu giá.
Tuy nhiên, sau khi thương vụ mua bán dự án Khu dân cư Hòa Lân được ký kết đã xảy ra một chuỗi những vụ việc lình xình kiện tụng, do liên tục có đơn thư tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. Nội dung đơn tố cáo cho rằng, việc tổ chức bán đấu giá tài sản là dự án Khu dân cư Hòa Lân đã có nhiều sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ tài sản và người có nhu cầu tham gia đấu giá.
Cụ thể, ngày 14/2/2019, Công ty Thiên Phú đã nộp đơn khởi kiện Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn ra TAND quận 7, TP HCM. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà Thiên Phú khởi kiện là Agribank chi nhánh Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh và Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương.
Văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định Công ty Kim Oanh chưa phải là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân. |
Trong đơn khởi kiện, Công ty Thiên Phú yêu cầu TAND quận 7 tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 1/7/2017 tại Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Huỷ kết quả đấu giá tài sản là dự án khu dân cư Hoà Lân tại phường Thuận giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Sau đó, TAND quận 7, TP HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm mọi hình thức giao dịch liên quan tài sản đang tranh chấp là dự án Khu dân cư Hòa Lân mà trước đó Công ty Thiên Phú đã có đơn khởi kiện và đề nghị ngăn chặn.
Nghiên cứu hồ sơ vụ việc này, Luật sư Nông Minh Đức - Công ty Luật TNHHMTV Tùng Dương (Đoàn luật sư TP HCM), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Thiên Phú cho biết, trước đó ngày 17/4/2015 Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Theo đó, bên A (Agribank Chợ Lớn) được quyền xử lý phát mãi tài sản mà bên B (Công ty Thiên Phú) đang thế chấp, thông qua tổ chức bán đấu giá để thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi được giao tài sản, Agribank Chợ lớn ký hợp đồng định giá tài sản thế chấp của Công ty Thiên Phú với Công ty Cổ phần thẩm định giá và tư vấn Quốc Tế, tại chứng thư thẩm định số 403/2015/CT – VALUCO ngày 12/5/2010 thì công ty thẩm định đã định giá luôn cả phần đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (246.853,1 m2) và phần đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất (243.912 m2), thành tiền là 1.467.700.000.000 đồng.
Căn cứ vào giá này, Công ty Cổ phần đấu giá Nam Sài Gòn đem bán đấu giá (từ lần 1 - lần 5). Tại lần bán đấu giá lần thứ 6, Agribank Chợ Lớn đã thuê công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng thế hệ mới thẩm định lại, theo chứng thư thẩm định số 246/CT - THM ngày 19/4/2016 thì toàn bộ 494.047,10 m2 đất (bao gồm cả đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất) nhân với 2.506.457 đồng/m2 được 1.238.307.738.000 đồng và Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn lấy kết quả này đấu giá cho đến khi đấu giá thành.
"Như vậy cả hai lần định giá, hai công ty định giá đều đem cả đất Nhà nước giao không thu tiền tính thành giá để Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đem bán đấu giá. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng luật đất đai năm 2003 và vi phạm điều cấm trong Bộ Luật dân sự'', Luật sư Đức nhận định.
Luật sư Đức cũng cho biết, ngày 22/4/2017, Công ty TNHH A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Ngày 26/4/2017 đã nộp 93,6 tỷ đồng tiền đặt cọc. Trong hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá không có tài liệu thể hiện Công ty Kim Oanh thông báo bằng văn bản cho Agribank Chợ Lớn về phương thức thanh toán (trả ngay hay trả dần) theo công văn số 196/NHNNCL - TD ngày 28/4/2017 của Agribank Chợ Lớn.
Khoản 1 Điều 17 Công văn số 8298/NHNN - HSX ngày 08/12/2014 của Agribank Hội sở ghi rõ: “Phương thức trả ngay là phương thức thanh toán trong đó khách hàng mua lại tài sản có thể thanh tóa toàn bộ giá trị hợp đồng mua bán tài sản ngay trong một lần, tuy nhiên lần thanh toán cuối cùng không được quá 45 ngày”.
Điều 17 Quy chế bán đấu giá quy định “...khách hàng phải thanh toán 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành”. Điểm a khoản 2 Điều 36 Nghị định 17/2010/ NĐ-CP của Chính phủ quy định: “thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản...”.
Tại Biên bản bán đấu giá ngày 25/5/2017 có quy định “người trúng đấu giá phải thanh toán trong vòng 45 ngày , nếu không thanh toán đủ thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản. Số tiền khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại và đồng ý hủy kết quả đấu giá vô điều kiện và chấp thuận để bên có tài sản bán đấu giá lấy lại tài sản bán đấu giá để bán cho người khác mà không thắc mắc khiếu nại gì...” và “...tự thực hiện việc xin chuyển đổi chủ đầu tư...khi có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước, thì tổ chức công chứng mới được công chứng...”, Biên bản này được công ty Kim Oanh (Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải) ký tên, đóng dấu.
Ngày 30/5/2017 tại Công văn số 254/TB NHNN - CL-TD của Agribank Chợ lớn “về việc trả lời công văn số 01/AĐH - 2017 ngày 26/5/2017 của Công ty TNHH A Đông Hải” cũng nêu rõ: “lần thanh toán cuối cùng không được quá 45 ngày...tự thực hiện việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án”.
Theo vị Luật sư, mặc dù trước, trong và sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh đều được thông báo bằng văn bản các quy định của pháp luật và dù chưa thanh toán hết tiền trúng đấu giá 93,6 tỷ đồng và chưa được chính quyền cho phép chuyển đổi chủ đầu tư, tài sản bán đấu giá chưa được giải chấp... đã được văn phòng Công chứng Mỹ Phước tỉnh Bình Dương (đơn vị cùng tham gia bán đấu giá ngày 25/5/2017) có văn bản số 144/CV - VPCCMP ngày 16/6/2017 phúc đáp văn bản số 34/CV-CT của Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn hướng dẫn đầy đủ các quy định của pháp luật để đủ điều kiện công chứng hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng các bên vẫn bất chấp các quy định của pháp luật đã tự ý đem hồ sơ sang Văn phòng công chứng Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương để công chứng hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá trái pháp luật sang cho Công ty Kim Oanh và đây là nguyên nhân chính để Công ty Kim Oanh khiếu nại, tố cáo đến nhiều cấp, nhiều cơ quan...
Cũng theo Luật sư Đức, việc tổ chức bán đấu giá ngày 25/5/2017 khi Nghị quyết số 42 của UBTVQH chưa có hiệu lực pháp luật (có hiệu lực pháp luật 15/8/2017), nhưng Công ty Kim Oanh luôn lấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 để tuyên truyền, làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng là không đúng, gây hiểu lầm trong dư luận. Trong các văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương (số 2351/SXD - QLN ngày 17/7/2018; số 3225/SXD - 25/9/2018; số 2300/SXD - QLN ngày 21/6/2019) gửi đến Công ty Kim Oanh, UBND tỉnh Bình Dương, Tòa án nhân dân quận 7 đều khẳng định Công ty Kim Oanh chưa đủ điều kiện để được chấp thuận là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân.
Mặt khác, trong Văn bản số 30057/STNMT - CCQLĐĐ ngày 26/6/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương vẫn khẳng định chủ đầu tư dự án khu dân cư Hòa Lân vẫn là Công ty Thiên Phú.
Theo Luật sư Đức, Nhà nước quy định việc bán đấu giá tài sản nhằm mục đích không gây thiệt hại cho các bên và các bên tham gia đấu giá đều bình đẳng trước pháp luật, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong đấu giá, Công ty Kim Oanh là một trong các đơn vị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư Hòa Lân thì cũng bình đẳng với các đơn vị khác. Nhưng từ chỗ đăng ký thanh toán trả ngay nhưng đã cùng ngân hàng và Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn chuyển hóa thành trả chậm là vi phạm quy định, tước đi quyền bình đẳng của các doanh nghiệp tham gia đấu giá khác.
Bởi, tính đến ngày ký hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá tại Văn phòng công chứng Thành Phố Mới ngày 1/7/2017, Công ty Kim Oanh chỉ mới thanh toán được 93,6 tỷ đồng. Tính đến ngày có kết luận thanh tra số 62/KLTTr - BTP ngày 24/12/2018 Công ty Kim Oanh cũng mới thanh toán được 847.800.000.000 đồng (chưa bằng giá khởi điểm bán tài sản).
Theo Truyền hình Người đưa tin