Liên quan đến vụ cô gái nhiễm Covid-19 ở Hà Nội không chủ động khai báo y tế, luật sư cho rằng hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tại cuộc họp đêm ngày 6/3 về trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, bệnh nhân N.H.N (26 tuổi, làm quản lý khách sạn, ở 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) tự biết có khả năng lây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người nhà của mình, nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách.
Tối ngày 6/3, cơ quan chức năng cho biết, đã ghi nhận một trường hợp dương tính với Covid-19 ở Hà Nội, đây là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam.
Danh tính bệnh nhân được xác định là N.H.N (26 tuổi, làm quản lý khách sạn, ở 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội).
Tại cuộc họp khẩn trong đêm ngày 6/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, bệnh nhân N.H.N tự biết có khả năng lây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người nhà của mình, nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách.
Chia sẻ với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP luật sư Chính Pháp) cho biết, trước tiên sẽ cần phải làm rõ thông tin mà người phụ nữ này khai báo y tế xem có chính xác hay không ? tại sao tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 (là chị gái của nữ bệnh nhân này) mà nữ bệnh nhân này không khai báo ? Căn cứ nào cho thấy người chị gái của bệnh nhân này nhiễm bệnh dịch, tiếp xúc với bệnh nhân này diễn ra như thế nào, sau khi tiếp xúc với chị gái thì bệnh nhân này đã tiếp xúc với bao nhiêu người, kể cả những người trên chuyến bay cùng về Việt Nam?
Luật sư Đặng Văn Cường |
Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì người tiếp xúc với người bệnh dịch truyền nhiễm khi trở về nước bắt buộc phải cách ly y tế... Việc người này tiếp xúc với người nhiễm bệnh dịch và sau đó có biểu hiện của bệnh dịch này (mệt mỏi, ho, sốt...) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định của pháp luật là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới, sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định; Từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế.
Cũng theo nghị định này, hành vi Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng ; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người mắc bệnh cố tình che dấu tình trạng bệnh cũng vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm. Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi này như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền….
Bên cạnh đó, về trách nhiệm dân sự, nếu tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, những người từng tiếp xúc gần với cô gái nhiễm Covid-19 ở Hà Nội nên chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương và thực hiện thủ tục cách ly tập trung theo quy định của pháp luật để đảm bảo sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Mặt khác, người dân Hà Nội nói chung và những người đã từng quen biết, tiếp xúc với cô gái này cũng không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, cần liên tục cập nhật các thông tin từ cơ quan chức năng. Từ khi dịch bệnh xảy ra cho đến nay Việt Nam thực hiện rất tốt hoạt động phòng và chống dịch, tất cả những bệnh nhân nhiễm bệnh dịch tại Việt Nam đều được chữa khỏi, đây là lý do để mọi người có thể tin tưởng vào khả năng phòng và chống dịch của Việt Nam.
Hoàng Yên