Nhiều khu vực của thành phố Derna, ven Địa Trung Hải và cách thủ đô Tripoli khoảng 900 km, đã bị xóa sổ bởi dòng nước dữ sau cơn bão hồi cuối tuần qua.
Ossama Ali, phát ngôn viên của một trung tâm cứu thương ở miền Đông Libya, cho biết, ít nhất 5.100 người chết đã được ghi nhận ở Derna, cùng với khoảng 100 người khác ở một số nơi ở miền Đông nước này. Hơn 7.000 người trong thành phố bị thương.
Ông Ali nói thêm, số người chết có thể sẽ tăng lên vì các đội vẫn đang thu thập thi thể. Ít nhất 9.000 người mất tích nhưng con số này có thể giảm khi thông tin liên lạc được khôi phục.
Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc cho biết, ít nhất 30.000 người ở Derna đã phải di dời do lũ lụt.
Trong khi đó, Thị trưởng Derna Abdulmenam al-Ghaithi phát biểu với kênh Al Arabiya rằng, số người chết ước tính trong thành phố có thể lên tới từ 18.000 đến 20.000 dựa trên số quận bị trận lũ quét qua.
Bãi biển ngổn ngang quần áo, đồ chơi, đồ đạc, giày dép và các tài sản khác bị dòng nước cuốn trôi khỏi nhà dân. Đường phố ngập trong bùn sâu, ngổn ngang cây cối bật gốc và hàng trăm ô tô bị hư hỏng.
Thị trưởng Derna al-Ghaithi cho biết, các đội cứu hộ từ Ai Cập, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã đến nước này để hỗ trợ.
Chính phủ Libya do Quốc hội lập ra ước tính thiệt hại vật chất trong trận lũ lụt lên tới hàng tỷ USD và cần nhiều năm mới có thể khắc phục được. Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya, ông Mohammed Menfi nhấn mạnh: "Chúng tôi cần có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, của tất cả các quốc gia và tổ chức trên toàn thế giới, để khắc phục hậu quả nặng nề của thảm họa vốn đã vượt quá khả năng đối phó của Libya.
Chúng tôi cũng kêu gọi các phe phái chính trị trong nước gạt sang một bên những bất đồng để chung tay khắc phục hậu quả thảm họa. Việc chia rẽ bè phái trong bối cảnh hiện nay là không thể chấp nhận được xét cả về góc độ chân giá trị và đạo đức của người Libya”.
Thảm họa trên xảy ra trong bối cảnh nhiều năm xung đột và đất nước bị chia cắt, thiếu một chính phủ trung ương đã khiến cơ sở hạ tầng của quốc gia Bắc Phi này đổ nát, dễ bị tổn thương trước những trận mưa dữ dội. Liên Hiệp Quốc cho biết Libya hiện là nước duy nhất chưa đề ra chiến lược khí hậu.
TP.Derna ở miền Đông Libya là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất. Hầu hết TP.Derna được xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XX. Người dân địa phương cho biết dấu hiệu nguy hiểm duy nhất trước thảm họa là tiếng nứt lớn của đập nhưng không có hệ thống cảnh báo hoặc kế hoạch sơ tán nào.
Hiện miền Đông Libiya do lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) kiểm soát, trong khi Chính phủ Thống nhất quốc gia nắm quyền ở miền Tây. Cả hai chính quyền này đều hứa hỗ trợ vùng thảm họa nhưng cộng đồng quốc tế lo ngại rằng sự chia rẽ sẽ dẫn đến việc phối hợp không được suôn sẻ.
Theo một số chuyên gia, thảm họa nói trên còn phát đi thông điệp cảnh báo về những gì có thể xảy ra với khu vực này thời gian tới. Sau khi khiến 15 người thiệt mạng ở Hy Lạp vào tuần rồi, bão Daniel đã gây mưa lớn dẫn đến lũ lụt kinh hoàng ở Libya.
Chuyên gia khí hậu Christos Zerefos tại Hy Lạp ước tính lượng mưa trút xuống quốc gia này đạt mức cao kỷ lục và hiện tượng này có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian tới do biến đổi khí hậu.
Như Quỳnh(T/h)