Được biết, hệ thống thoát nước thành phố đã được khai quật trong tàn tích Thành phố cổ Pinliangtai ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.
Điều đặc biệt là, khi các nhà nghiên cứu đang xem xét hệ thống thoát nước cổ đại này, họ đã phát hiện ra bằng chứng mới về khía cạnh tập thể đối với một nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Water ngày 14/8/2023, người Pingliangtai ở thành phố cổ cùng tên là một phần của xã hội "quản trị xã hội tập thể" chứ không phải là một hệ thống phân cấp tập trung khi họ tạo ra hệ thống quản lý nước bằng gốm 4.000 năm trước ở tỉnh Hà Nam.
Khoảng thời gian sáng tạo nên hệ thống trên, nơi đây có sự thay đổi khí hậu lớn theo mùa. Gió mùa vào mùa hè có thể trút tới 45 cm nước mưa xuống khu vực này mỗi tháng. Với lượng mưa này, kiểm soát nước lũ rất quan trọng với Pinliangtai.
Người Pinliangtai đã xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước hai tầng để giúp điều tiết lượng nước quá lớn trong mùa mưa. Các tuyến mương thoát nước đơn giản nhưng phối hợp với nhau hiệu quả. Chúng chạy song song với các dãy nhà để dẫn nước từ khu dân cư vào những ống thoát nước bằng gốm. Những ống này sau đó đưa nước xuống con hào bao quanh, cách xa khu dân cư.
Các ống dẫn nước bằng gốm cũng thể hiện trình độ kỹ thuật tiên tiến cách đây 4.000 năm. Chúng có nhiều kiểu trang trí và phong cách khác nhau, nhưng mỗi đoạn ống đều có đường kính khoảng 20 - 30 cm và dài 30 - 40 cm. Nhiều đoạn được cài vào nhau để vận chuyển nước qua quãng đường dài. Nhóm nghiên cứu cho biết, đây là hệ thống ống nước bằng gốm hoàn chỉnh và cổ xưa nhất từng ghi nhận ở Trung Quốc.
Ông Yijie Zhuang, nhà khảo cổ tại Đại học College Londoncho biết, hệ thống nước ở Pingliangtai là sự kết hợp được quy hoạch bài bản giữa mương và cống. Chúng là sản phẩm của "sức mạnh tập thể".
"Các con mương thu và xả nước thải theo thời gian và chi phí lao động tương đối thấp; trong khi ống thoát nước bằng sứ đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nhưng có thể chuyển hướng nước mà không ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng trên mặt đất như đường xá và tường đất".
Các tác giả kết luận: "Hệ thống thoát nước yêu cầu sức mạnh tập thể này cho thấy tại đây không có dấu hiệu của sự phân cấp xã hội rõ ràng hoặc sự bất bình đẳng đáng kể trong dân cư, như các nơi khác", ông Zhuang nói.
Thành phố cổ Pingliangtai được phát hiện vào những năm 1980 và là thành phố thời tiền sử được quy hoạch bài bản sớm nhất ở Trung Quốc. Di chỉ khảo cổ Pinliangtai từng là một trung tâm khu vực trong Văn hóa Long Sơn. Rất nhiều di tích văn hóa, bao gồm cả đồ gốm và ngọc bích tinh xảo, đã được khai quật ở đó.
Trước đó, một số vết bánh xe có niên đại ít nhất 4.200 năm cũng được tìm thấy tại khu di tích này. Chúng được cho là vết bánh xe sớm nhất của Trung Quốc.
Thùy Dung (T/h)