Nên ăn bao nhiêu?
Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh - Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nội tạng động vật bao gồm: óc, tim, gan, thận (bầu dục), dạ dày, ruột (lòng heo)..., mang lại lượng calo tương đương như thịt nạc (từ 100-150 calo/100g).
Hàm lượng protein trong nội tạng động vật (trừ não và tủy) chiếm khoảng 16-22% trọng lượng. Phần lớn các loại nội tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin A cung cấp nhiều sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, tăng cường sức đề kháng.
Trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi nên ăn các loại nội tạng, nhưng chỉ ăn vừa phải, mỗi tuần ăn 2 - 3 lần. Người lớn ăn 50 - 70g mỗi bữa, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 - 50g/bữa.
"Dù nội tạng tốt với một số đối tượng kể trên, nhưng lại không tốt với một số đối tượng do có nhiều cholesterol. Những người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân - béo phì, người bị bệnh tim mạch thì không nên ăn nội tạng động vật" - bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo.
Lòng lợn là món ăn cần hạn chế hoặc kiêng kỵ với những trường hợp sau:
Người bị cảm, mệt mỏi
Theo Thời báo văn học Nghệ thuật, cháo lòng có rất nhiều cholesterol khó tiêu hóa. Chúng có chứa nhiều bệnh tồn tại trong nội tạng của con vật. Những bệnh này có thể lây sang người ăn. Bởi thế, khi bị cảm hoặc mệt mỏi, không nên ăn cháo lòng, lòng lợn vì khó tiêu và không đảm bảo vệ sinh.
Mắc bệnh gout
Lòng lợn làm lượng axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến hình thành và tích lũy các tinh thể urat rắn sắc nhọn trong khớp ngón chân, tay, tạo ra những cơn đau dữ dội kèm theo sưng, nóng, đỏ xung quanh.
Những người mắc bệnh gout nếu để tái phát nhiều lần sẽ khiến khớp bị phá hủy. Nhiều bệnh nhân bị sỏi tiết niệu do tinh thể urat lắng đọng, gây tắc nghẽn dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, suy chức năng thận.
Người bệnh tim mạch, mỡ máu cao
Lượng cholesterol rất cao trong lòng lợn, nhất là cholesterol xấu, có thể làm mỡ máu tăng vọt. Vì vậy, những người mỡ máu cao thì không nên ăn lòng lợn, hoặc chỉ nên ăn vài miếng. Đây cũng là món cần hạn chế với những người có bệnh tim mạch và chuyển hóa khác như xơ vữa động mạch, tiểu đường.
Người tiêu hóa kém
Lòng lợn chứa nhiều chất béo nên khó tiêu hóa hơn, không phù hợp với những người đang bị rối loạn tiêu hóa, đang có bệnh nhiễm khuẩn đường ruột hoặc người bụng yếu, hay đau bụng, đi ngoài.
Ngoài ra, người béo phì, thừa cân cũng không nên ăn lòng vì thực phẩm này có lượng calo cao. Món ăn này cũng không tốt cho người bị cảm, cúm vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu, cơ thể đang yếu sẽ càng mệt.
Người bị viêm gan
Đối với người sức khỏe bình thường thì việc ăn lòng ở mức độ phù hợp sẽ rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý với những người bị xơ gan, viêm gan, ung thư gan, gan nhiễm mỡ thì không nên ăn lòng quá thường xuyên.
Gan vốn đảm nhiệm sự chuyển hóa chất độc và thức ăn, chính vì vậy vô tình nội tạng động vật đang sở hữu 1 lượng chất dinh dưỡng và độc tố chưa được chuyển hóa, tế bào gan ở người mắc bệnh vốn đã không hoạt động tốt như người bình thường, có thể sẽ bị quá tải và bị bệnh nặng hơn nếu ăn nhiều nội tạng động vật.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn những món ăn từ nội tạng như tiết canh, lòng lợn, gan, mề bởi những món ăn từ nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người.
Ngoài ra nếu ăn phải gan lợn không đảm vệ sinh có nguy cơ bị khuẩn vi nấm Aflatoxin cao - chất có khả năng gây ung thư gan ở người. Một căn bệnh đáng sợ hơn đó là nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis, loại vi khuẩn này thường bám trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn.
Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng chưa được nấu chín, liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Điều này cực nguy hại cho sức khỏe phụ nữ mang thai, theo VTC News.
Thùy Dung (T/h)