Các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố ở Iran một lẫn nữa đặt ra câu hỏi lớn cho chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani trong việc đi tìm lời giải để kiểm soát tình hình của đất nước Hồi giáo này.
Không giống như các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ở đô thị vào năm 2009, các cuộc biểu tình lần này đã len lỏi đến nông thôn và những khu vực nghèo khó trên đất nước Iran như Ahvaz, Kermanshah, Rasht và Qazvin. Người biểu tình xuống đường vì bất mãn trước nền kinh tế lên xuống thất thường, tình trạng tham nhũng, quản lý yếu kém của Nhà nước trong khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng.
Biểu tình chống chính phủ ở Iran thời gian qua. - Ảnh: EPA. |
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Iran hiện nay, một số gợi mở để những nhà hoạch định chính sách của Iran xem xét, cụ thể:
1. Kinh tế
Kinh tế dường như là chủ đề bao trùm của các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran. Lạm phát, thất nghiệp, tham nhũng và các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm cho hệ thống tài chính nước này thiếu minh bạch, có lợi cho giới thượng lưu, trong khi làm cho những người nghèo khó càng nghèo hơn sau mỗi năm.
Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Iran ở mức 12%, lạm phát gần 10% và nền kinh tế của Iran đã hồi phục đáng kể sau khi Mỹ và Phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran vào tháng 1/2016. Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Iran ở mức 4,2% trong năm nay, sau khi nền kinh tế của Iran tăng trưởng 7% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm là liệu rằng ai sẽ được hưởng lợi từ những thành tựu cải cách này. Người biểu tình phản đối giá cả tăng, trợ cấp nhà nước giảm, mất dần hy vọng vào việc cải cách có thể làm cho cuộc sống của họ tốt hơn. Còn số người ủng hộ của ông Rouhani cho rằng, cần phải có thời gian để tầng lớp trung lưu cảm nhận được lợi ích từ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và để nền kinh tế ổn định.
2. Vai trò của chính sách khu vực của Iran
Trong những năm qua, người biểu tình ở Iran đã hô vang khẩu hiệu phản đối chính sách đối ngoại của Iran khi họ đặt câu hỏi, tại sao Chính phủ sử dụng tiền vào Iraq, Syria và Lebanon mà không đầu tư cho đất nước mình?. Đây là đòi hỏi xác đáng khi mà chế độ hiện nay của Iran nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ tầng lớp nghéo khó của nước này.
Tuy nhiên, ở Iran, số lượng người ủng hộ chính sách đối ngoại trong khu vực của nước này chiếm số lượng lớn. Theo họ, Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) và Hồi giáo Wahhabi - tôn giáo được bảo trợ bởi nhà nước Saudi Arabia là mối đe dọa đối với người dân Iran. Họ tin rằng, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa dòng Sunni ở Iraq và Syria là cần thiết. Vì vậy, Washington, Riyadh và Tel Aviv không nên kỳ vọng rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra sẽ có tác động đến chính sách khu vực của Iran.
3. Sự ủng hộ của ông Trump không giúp gì cho người biểu tình
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ủng hộ những người biểu tình, song trên thực tế tuyên bố này không có nhiều ý nghĩa khi mà tại Iran, số người có thiện cảm với ông chủ Nhà Trắng không nhiều. Trong đó, lệnh cấm đi lại mà ông Trump áp đặt đối với người Iran đã khiến nhiều gia đình của nước này rơi vào cảnh ly biệt.
Sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Iran đã để lại những “vết sẹo”, hằn sâu vào tiềm thức người dân Iran trong nhiều thập kỷ qua. Tuyên bố ủng hộ người biểu tình của ông Trump đã vấp phải sự phản đối từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Những quốc gia này cho rằng, tuyên bố của ông Trump là thái quá, cho thấy sự can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia Hồi giáo này.
4. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thật khó để đưa ra những dự đoán tiếp theo về tình hình Iran ở giai đoạn này, các cuộc biểu tình bước đầu đã giảm nhiệt, diễn ra với quy mô nhỏ lẻ. Hầu hết người Iran lựa chọn giải pháp an toàn, tham gia ở mức độ nhất định vì lo sợ bị trả thù khi đã có ít nhất 14 người chết và hàng trăm người bị bắt trong các cuộc biểu tình vừa qua. Ngoài ra, người Iran muốn làm việc trong một hệ thống chính trị mà họ quen thuộc trong những năm qua hơn là một sự thay đổi.
Các cuộc biểu tình này là dịp để Tổng thống Rouhani lắng nghe ý kiến của người dân Iran, nhanh chóng thực hiện những cam kết về cải cách kinh tế và xã hội mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình. Thực hiện những cam kết của mình, Tổng thống Iran sẽ phải đối mặt với các yếu tố như gia đình trị, tham nhũng đang diễn ra ở Iran, song trước mắt ông có thể thông qua các cuộc biểu tình hiện nay để tăng cường sự ủy thác quyền lực của mình trên chính trường Iran.
Với biến động chính trị và sự bất ổn đã diễn ra trong khu vực kể từ “Mùa xuân Ả rập”, chắc chắn rằng phần lớn người Iran sẽ ủng hộ giải pháp cho một cuộc cách mạng để cải cách hơn. Mong muốn lớn nhất của người dân Iran là các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ được đáp ứng và chính phủ can thiệp ít hơn vào cuộc sống cá nhân của họ.
Nhiều ý kiến cho rằng làn sóng biểu tinh hiện nay ở Iran là biểu hiện của sự chia rẽ, bè phái và tranh giành lợi ích trong nội bộ nước này. Đối thủ của ông Rouhani trong cuộc bầu cử năm 2017, ông Ebrahim Raisi - đại diện cho thế lực giáo quyền và các cơ quan an ninh của Iran, đã đỗ lỗi cho tổng thống Iran để xảy ra biểu tình, phóng đại lợi ích thỏa thuận hạt nhân. Trong khi, những người ủng hộ ông Rouhani đổ lỗi cho các phe phái ở Iran đã ngăn cản nỗ lực cải cách kinh và nới lỏng các quy định về trang phục Hồi giáo đối với phụ nữ.
Các phe phái ở Iran sẽ hành động để gây ảnh hưởng lên lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei, song rất có thể lãnh đạo tối cao Iran sẽ lên tiếng khiển trách các phe phái ở nước này đã sử dụng các cuộc biểu tình vì mục đích chính trị. Đồng thời, tổng thống Iran cũng đã lên án các nước phương Tây đã thổi bùng lên làn sóng biểu tình ở các thành phố của Iran. Tuy nhiên, lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei nên ủng hộ ông Rouhani và cho ông cơ hội để theo đuổi chương trình nghị sự của mình. Còn nếu chính quyền Tổng thống Rouhani ngăn chặn cuộc biểu tình bằng vũ lực thì điều này sẽ chỉ làm cho tình hình Iran thêm phức tạp.
KÔNG ANH(Theo Reuters)