(ĐSPL) - Những ngày tháng hãi hùng trong “lò vắt” sức lao động ở Trung Quốc, nguyên nhân dẫn đến cuộc hành trình hiếm có xuyên 12 quốc gia được kể lại qua lời kể bạn đồng hành cùng Mí Pó.
Câu chuyện về cuộc hành trình đi xuyên 12 quốc gia của người đàn ông Mèo, anh Vừ Mí Pó ở xã Khâu Vai (Mèo Vạc- Hà Giang), khi trong người không một đồng tiền giắt túi, thứ tài sản duy nhất anh mang theo là sức khỏe bản thân.
Câu chuyện anh đi từ Trung Quốc đến tận Pakistan, đang là tâm điểm dư luận những ngày qua. Hiện tại, phía gia đình và cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực để Mí Pó được sớm hồi hương. Để độc giả được tường tận về hành trình với những ngày tháng hãi hùng trong “lò vắt” sức lao động ở Trung Quốc, nguyên nhân dẫn đến cuộc hành trình hiếm có này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm hiểu qua lời kể bạn đồng hành cùng Mí Pó, anh Ly Mí Tử (em trai ruột của Lía- Vợ Pó) ở nơi quê nhà…
Vượt biên lúc nửa đêm
Câu chuyện về cuộc sống khốn khó, của những chàng trai Mèo cùng gia đình của mình trên cao nguyên đá, khiến cho những ai có sức lực và chí hướng cũng đều không cam lòng chịu đựng. Trong số đó, phải kể đến anh em nha Vừ Mí Pó và Ly Mí Tử (em trai Lía–PV), thấy vợ con phải sống trong cái khổ, cái nghèo mãi, không chịu được, nên mấy anh em trong bản họp bàn rồi rủ nhau đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền về giúp đỡ vợ con.
“Dù không phải là anh em ruột, nhưng chồng tôi và cậu Tử thương nhau không khác gì những người cùng huyết thống, thế nên khi hai anh em quyết định đi làm ăn xa, tôi phần nào yên tâm hơn. Giữa nơi đất khách, có anh, có em đỡ đần lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Nhưng, tôi như chết nửa phần đời khi thấy có mình em trai về cùng những câu chuyện kinh hoàng ở bên đất người…”, chị Lí a ngậm ngùi.
Anh Ly Mí Tử cũng vì sinh đẻ không có kế hoạch mà thành ra đông con, bố mẹ lao động ở nhà từ khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, đến tối mịt cũng không đủ để các con ăn mặc chứ nói gì đến chuyện học hành. Tiền bạc thì cũng không có, nên anh thường đi tìm kiếm việc bên ngoài để làm thuê, do làm thuê bên ngoài thường đồng tiền công được trả cũng cao hơn. Rồi nghe Pó kể ông Vừ Sì Già ở xã Lũng Pù (Mèo Vạc) rủ sang Trung Quốc làm thuê, được tiền nhiều về cho vợ nuôi con nên anh nghe theo.
|
Gia đình chị Lía trở nên cô quạnh như có tang, vì nghĩ anh đã mất, kể từ khi anh Pó bị lạc nơi đất người. Ảnh Hoàng Giáp |
“Mới đầu Sì Già cũng chỉ rủ anh Mí Pó đi làm thuê, nhưng sau đó lại bảo là cần có thêm người cho đủ đội, sang đó làm việc thì nhẹ nhàng. Công việc theo như ông Già nói thì chúng tôi sẽ làm việc đào ao thuê cho chủ trong 3 tháng, lương cao, lại được bao cho ăn ở. Kiếm đủ một tổ gồm có 6 người, thấy Sì Già còn bảo lương được trả đến 6 triệu đồng/tháng, ở nhà có làm bục mặt ra cả ngày, cả tháng cũng chả đủ ăn, lấy đâu ra có tiền triệu. Món hời lớn, nên anh Pó đến nói với tôi cùng đi. Lúc đầu tôi cũng không tin là có chỗ kiếm được nhiều tiền thế, vì cũng có nhiều người cũng từ mình sang bên làm thuê rồi lại về với hai bàn tay trắng. Nhưng mà tôi thấy cũng có người có được nhiều tiền mang về sống sung sướng lắm, rồi tôi cũng bị lay động bởi món hời lớn và cả những hứa hảo chắc nịch của lão Sì Già mà đồng ý đi theo...”, anh Mí Tử kể lại.
Kể lại cuộc hành trình sang đất người, Tử trầm ngâm: “Chúng tôi bắt đầu khi con gà trống trong bản chưa cất tiếng gáy, tổ 6 người tập hợp lại thành một nhóm và đi theo sự chỉ dẫn của ông Già. Cả tổ men theo đường mòn trên núi, vượt biên từ Việt Nam sang phía Trung Quốc. Sau đó chúng tôi được tập hợp tại một căn nhà nhỏ, cũng là lúc trời sáng rõ mặt người, rõ con đường đi. Chỉ ít phút sau, có người đàn ông tên Vừ xuất hiện và bảo mấy anh em tôi nghỉ tạm ở đây, có gì hôm sau sẽ nói rõ hơn về công việc phải làm, có thể là sẽ phải bắt đầu công việc sớm hơn dự tính...”.
Nhưng khác với những gì đã thỏa thuận trước đó giữa Già và tổ người, buổi sáng hôm sau, Vừ đến cùng một người tên Phình (cùng là người Mông ở bên kia tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) dẫn cả tổ người vào rừng và yêu cầu chặt gỗ. Chặt gỗ xong vừa phân loại và xếp thành từng loại to, nhỏ để cho những “con buôn” gỗ tiện định giá. Thấy không đúng với những gì đã thỏa thuận trước đó, thì anh em trong tổ có thắc mắc, nhưng lúc này phía ông Vừ chỉ nói qua loa là có việc thì cứ làm đi, đừng hỏi nhiều...
“Cứ tưởng chỉ có ngày đầu mới phải vào rừng, nhưng rồi các ngày sau đó cũng vậy, ban đầu anh em còn thắc mắc và hỏi nhưng thấy ông chủ có vẻ cáu và không muốn trả lời nên lại thôi. Nhắc đến tên Già, sau khi đưa nhóm người chúng tôi sang đất Trung Quốc được trót lọt, hắn lại quay về gọi thêm người. ít hôm sau, mọi người thấy hắn đưa thêm 5 người nữa sang và cũng phải vào rừng chặt gỗ như chúng tôi”, anh Tử kể.
Gần một tháng trôi qua, trong lòng những người đàn ông Mèo ai nấy đều nao núng, vì lần đầu tiên phải sống xa vợ lâu đến thế. Giấc ngủ hàng đêm cũng không còn được ngon nữa, phần vì muỗi rừng đốt nhiều. Cơm cũng chẳng khác mấy so với ở nhà, chỉ có điều lao động cả ngày không có thời gian nghỉ ngơi nên ăn nhiều hơn. Vì nhớ nhà, nên lân la hỏi han chuyện nhà cửa ở quê với nhóm người mới sang, nhưng có lẽ vì sợ bị kể tội và nói ra những việc làm sai trái của bọn chủ hay sao ấy, nên ông chủ lúc này mới lộ bộ mặt thú tính của mình.
Ký ức hãi hùng nơi xứ người
“Không biết vì sợ chúng tôi bỏ trốn, hay là vì sợ chúng tôi kể lại việc làm xấu với người mới mà chúng gọi tổ chúng tôi ra đánh đập. Chúng dùng dây rừng, cây leo mà đánh đến nổi lằn, hằn lên da thịt to như con lươn mùa đựng trứng đẻ. Không hả, chúng còn dọa cắt chân, cắt tay và moi mắt người ra. Bị tra tấn, nhưng chẳng ai dám nói lại một lời mà chỉ cắn răng chịu đựng, phần vì thấy chúng hung hăng quá, ông chủ cũng hay dọa sẽ báo công an bắt vì chúng tôi vượt biên trái phép. Nhưng chúng tôi đi là đi theo sự chỉ dẫn của Vừ Sì Già mà, lần đó anh Pó cũng bị chúng nó trói gô lại đánh mạnh tay lắm, chỉ chút xíu nữa mà không nhanh thì anh đã bị thằng Phình với Vư đâm thủng con mắt rồi. May mà anh Pó đỡ kịp cây gậy của chúng nó, rồi sau đó vùng lên bỏ chạy, thấy vậy cả tổ chúng tôi cũng hô nhau bỏ chạy vào rừng…”. Vẫn chưa hết sợ hãi, anh Tử kể lại giây phút thoát khỏi nanh vuốt của tử thần.
Sau khi bỏ chạy khỏi nơi trú tạm trong rừng sâu, Tử cùng 2 người nữa là Ly Mí Cho và Ly Mí Mua cứ vậy là chạy bạt mạng về phía nam, vì cũng không nhớ đường về nhà. Tử cũng không biết rằng anh Pó và 2 người còn lại có thoát được không? Hay bị chúng bắt ở lại, thì có khi chúng đã giết mất rồi cũng nên. Chuyện này mãi sau Tử mới giám kể lại cho chị Lía biết.
Khi tiến sát cửa khẩu Tân Thanh, cả nhóm đang định vượt biên thì bị cảnh sát Trung Quốc bắt, rồi giam giữ 3 tháng tại đây để phối hợp điều tra. Hết thời gian giam giữ, Tử và 2 người nữa đã được cảnh sát bên kia trao trả tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
“Không có tiền, lại không biết đường về, nên cả 3 người chúng tôi cứ thế vật vạ đi dọc theo con đường vắng trong 8 ngày, 8 đêm mới đến được khu dân cư. Những lúc đói, toàn thân mệt lả không có đồ ăn, phải hái cây rừng ăn tạm. Đêm xuống thì tìm chỗ nào có đá che chắn hoặc gầm cầu để nằm ngủ…”, anh Tử buồn rầu nhớ lại.
Khi đi được đến đồn công an, anh em đều không ai có chứng minh thư, phải đợi Công an tỉnh Lạng Sơn xác minh địa chỉ rồi mới cho về. Cũng may sao khi đó, họ được cán bộ công an ở đây tốt bụng chomỗi người 2 triệu đồng để lấy tiền lộ phí và mua đồ ăn trên đường về nhà.
Tử bảo: “Nhận được tin anh Pó sắp được về nhà, tôi vui mừng quá. Thật khó tin làm sao là anh vẫn còn sống và đi được đến tận Pakistan, nhưng nay gia đình đang rất khó khăn, cũng không biết lấy đâu ra tiền lo thủ tục cho anh ấy được sớm về với chị Lía và các cháu đây…”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-ke-hai-hung-cua-nan-nhan-tro-ve-tu-lo-vat-suc-lao-dong-a31014.html