(ĐSPL) - Hà Giang là tỉnh có gần 300 km đường biên, 7/11 huyện có địa bàn giáp biên giới Trung Quốc. Trong vài năm trở lại đây, Hà Giang luôn là điểm nóng về tình trạng người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Đây là một trong những vấn nạn khiến cho các cấp, chính quyền địa phương phải “đau đầu nhức óc” trong việc quản lý người dân tự ý bỏ sang Trung Quốc lao động trái phép. Và tiềm ẩn trong đó những hậu quả khó lường mà chính bản thân họ và gia đình họ đã và đang phải gánh chịu nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn như bị ngược đãi, hành hạ, tại nạn lao động, hay bị bán vào các nhà chứa, hoặc trở thành những nạn nhân của bọn buôn bán nội tạng…
Thương tật cả đời
Đến thăm gia đình anh Vàng Seo Thăng (trú tại thôn Sui Thầu, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), xuất hiện trước mắt chúng tôi là một thanh niên gầy gò, xanh sao với đôi nạng trên tay. Mặc dù cười với chúng tôi, nhưng vẻ mặt anh Thăng vẫn hiện lên cảm giác đau đớn khi hậu quả của việc vượt biên trái phép làm thuê để lại, với những bước đi khó nhọc, cộng với nỗi đau về thể xác, anh Thăng đến gần chúng tôi và nói: “Đã hơn một năm nay từ ngày bị tai nạn bên trấn Ma Ly Pho (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) về, sau nhiều ngày chữa chạy, tốn gần 30 triệu tiền thuốc nhưng một bên chân của tôi vẫn chưa thể phục hồi”.
|
Chân anh Vàng Seo Thăng bị dập gãy do trốn sang Trung Quốc làm thuê. |
Bùi ngùi kể trong nước mắt, anh Thăng nhớ lại: “Tôi bị tai nạn vào tháng 5 năm 2013, khi tôi cùng 6 người bạn của mình vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, đấy là lần thứ 3 tôi vượt biên sang Ma Ly Pho chẳng may mắn như 2 lần trước, mới làm được 8 ngày thì xảy ra tai nạn, trong một lần cưa gỗ tôi bị cây đổ vào người làm dập nát một bên chân.
Không ai chăm sóc, không người thuốc men, đau đớn quá tôi được mấy người bạn cùng làm khênh cáng nửa ngày đường mới tới Ma Ly Pho.
Báo sự việc cho ông chủ bồi thường và chữa chạy, nhưng do "thân cô thế cô" nơi đất khách quê người, chẳng biết kêu ai, mình chỉ được ông chủ hỗ trợ 1.000 tệ để đưa về Việt Nam. Sau một ngày đường, được bạn bè khênh cáng vượt rừng về qua biên giới xã Thàng Tín, được gia đình đưa đi cấp cứu chữa chạy tại Bệnh viện đa khoa Hà Giang. Sau gần 1 năm chữa trị, nhưng đến giờ thì em vẫn chưa hồi phục".
Nhìn cảnh anh Thăng tay chống nạng, chân bị hàng trăm chiếc đinh ghim vào chân và bị mổ hàng chục lần để ghép những mảnh xương đã vỡ vụn, chúng tôi cảm thấy xót xa, đau đớn trước gia cảnh rất khó khăn, lại mang trên mình thương tật quá nặng. Bao gánh nặng đè nên đôi vai cô vợ trẻ và bố mẹ già bên căn nhà tuềnh toàng trống huơ, trống hoác.
Trường hợp của anh Thăng là một ví dụ điển hình về tình trạng người dân tự ý trốn và vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê mong có cơ hội đổi đời. Nhưng khi bị tai nạn lao động thì không được bồi hoàn hay đảm bảo bất cứ quyền lợi nào.
Cũng trong chuyến công tác này, chúng tôi cũng biết được, Công an huyện Bắc Quang vừa ngăn chặn kịp thời khi 6 nạn nhân là anh Lèng Văn Sơn, Lèng Văn Min, Sùng Văn Thư, Sùng Văn Nghiêm, Sùng Văn Sanh, Sùng Văn Thi ở thôn Lèng Chà Thưởng, xã Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì khi đang trên đường theo một đối tượng tên Văn dụ dỗ đưa sang Trung Quốc làm thuê.
Theo lời khai của anh Sơn,“trong một lần đi chợ phiên của xã, mình bị một đối tương chèo kéo dụ dỗ sang Trung Quốc làm thuê với giá 250.000 đồng/ngày công. Về kể lại với mấy người, nghe thấy lương cao, ngay hôm sau cả nhóm đi theo, nhưng không ngờ rằng mình đang bị lừa đi lao động trái phép. Cũng may mà bị công an phát hiện, chưa kịp đi nếu không thì không biết bao giờ chúng tôi mới trở về nhà ”.
Theo ông Giàng Cò Ly - Trưởng Công an xã Chiến Phố huyện Hoàng Su Phì: “Tình trạng người dân tự ý bỏ trốn sang Trung Quốc làm thuê là phổ biến và gia tăng trong mấy năm gần đây. Mặc dù đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức và các tổ chức Hội của tỉnh, huyện, xã đến hướng dẫn, tuyên truyền nhưng họ vẫn tự ý theo nhau bỏ sang Trung Quốc làm thuê. Bằng chứng là nhiều người sau khi sang Trung Quốc làm thuê đã bị tai nạn, bị chết, bị quỵt tiền công, bị ngược đãi, hay có thai trốn về nước…”.
Trưởng Công an xã cũng cho biết thêm: “Bình quân mỗi năm trong xã có từ 200 - 300 người dân tự ý trốn, vượt biên làm thuê, chỉ khi có tai nạn xảy ra đối với người lao động xã mới biết thì đã quá muộn”.
Hậu quả của việc tự ý bỏ trốn sang nước ngoài làm thuê không chỉ là gánh nặng cho bản thân, gia đình mà cho toàn xã hội.
Những con số báo động
Theo báo cáo của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang, năm 2013, huyện Hoàng Su Phì có 2.081 lượt người qua biên giới Trung Quốc làm thuê và chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014 là gần 200 người, tập trung ở các xã giáp biên. Con số thống kê này sẽ cao hơn nhiều nếu nhận thức, ý thức của người dân chưa cao. Và việc chính quyền sở tại không có nhiều biện pháp sớm để ngăn chặn tình trạng tự ý đi khỏi nơi cư trú.
Nguyên nhân chính để người lao động sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là do thiếu việc làm lúc nông nhàn, hay nghe thấy các đối tượng dụ dỗ đi làm với mức lương cao và được ăn ngon, mặc đẹp…nên các nạn nhân đã nghe, làm theo. Với các bài “mồi chài” điển hình này, nhiều nạn nhân sau khi sang Trung Quốc làm thuê đã bỏ trốn về mà không lấy được 1 đồng tiền công nào hay bị ngược đãi, đánh đập, hành hạ, có khi còn bị bán để lấy nội tạng, hoặc bị bán làm gái mại dâm…
|
6 người trốn đi nước ngoài được cứu thoát. |
Trước thực trạng người lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê đang là bài toán khó, nan giải với các cấp chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thanh Long - Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: "Năm 2013, toàn tỉnh có trên 17.568 lao động sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó: nhiều nhất là huyện Đồng Văn 6.360 lượt người, huyện Mèo Vạc 3.287 lượt người, huyện Yên Minh 2.974 lượt người, Hoàng Su Phì 2.081 lượt người, Xín Mần 1.410 lượt người, huyện Quản Bạ 610 lượt người. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2014 đã có trên 8.187 lao động sang Trung Quốc làm thuê, trong đó huyện Đồng Văn có 3.500 người, huyện Mèo Vạc trên 714 người, huyện Yên Minh gần 3.000 người, huyện Quản Bạ gần 400 người, Xín Mần trên 200 người, Hoàng Su Phì 161 người”. Họ đi theo 2 hình thức, một là, xuất cảnh bằng giấy thông hành như thăm thân hoặc đi chợ, sau đó thì trốn ở lại lao động tại nước bạn. Hai là, trốn đi theo đường mòn, lối mở, vượt biên giới trái phép để đi tìm việc làm.
Đến khi người lao động xảy ra sự cố như bị quỵt tiền công, bị chủ ngược đãi, bị bán vào các nhà chứa, bị chết, bị tai nạn lao động… thì không có một tổ chức hay đơn vị nào đảm bảo quyền lợi của họ. Bởi bản thân những người lao động đang vi phạm luật xuất nhập cảnh trái phép và khi bị chính quyền nước bạn phát hiện thì họ phải trốn hoặc tìm đường bỏ về Việt Nam. Đây chính là điều đáng nói và có rất nhiều bài học xương máu được phản ánh trên các tờ báo về tình trạng bắt cóc, buôn bán người, hay cái giá phải trả cho việc tin người thế nhưng người dân vẫn chưa cảnh tỉnh.
Trước hậu quả và tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê của các huyện vùng cao giáp biên tỉnh Hà Giang đang diễn ra hết sức phức tạp, mong rằng các cấp, chính quyền cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bám nắm địa bàn, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để giảm thiểu tối đa việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để những lao động này không là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.
Trường Giang
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-dau-cua-viec-tron-ra-nuoc-ngoai-lam-thue-o-ha-giang-a27657.html