Mang trong mình vị dẻo, ngọt và hương thơm khó quên, gạo nếp không chỉ trở thành nguyên liệu chính để làm ra những món ăn như xôi, bánh chưng, bánh dày,…mà còn là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đối với sức khỏe.
Là đất nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều vựa lúa lớn như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh thành đều chuyên canh trồng trọt, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cũng như những loại gạo đặc sản đặc trưng cho vùng miền.
Từ xa xưa, gạo luôn là sản phẩm quý nhất trong số những sản vật nuôi trồng. Gạo được ví như ngọc thực. Bên cạnh những loại gạo thông thường cho bữa cơm hằng ngày thì còn có gạo nếp, một thứ gạo dẻo hơn, thơm hơn, được dùng để đồ xôi, làm bánh trong những dịp quan trọng của gia đình, làng xã, những dịp lễ hội, ngày Tết.
Dân gian thường hay cho thêm gạo nếp vào nấu cháo cho người ốm ăn để nhanh hồi phục sức khỏe, phụ nữ mới sinh ăn gạo nếp để tăng tiết sữa… nhưng đến nay gạo nếp vẫn bị nhiều người đánh đồng về giá trị dinh dưỡng cùng với các loại ngũ cốc khác như gạo tẻ, ngô, khoai, sắn… Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chứng minh gạo nếp cung cấp năng lượng cho người ăn cao gấp đôi so với các loại lương thực khác.
Gạo nếp là sản phẩm của một giống lúa có tên khoa học là oryza-ativa L. Trong các tài liệu y thư cổ, gạo nếp có nhiều tên gọi như nhu mễ, giang mễ, tửu mễ, nguyên mễ, đạo mễ… Theo phân tích của dinh dưỡng học hiện đại, trong 100g gạo nếp cái Việt Nam có chứa 74.9 g glucid, 8.6 g protid, 1.5 g lipid, 14 g nước, 0.6 g xeluloza, 0.8 g tro, 32 mg canxi, 98 mg photpho, 1.2 mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP. Tùy theo giống lúa và điều kiện địa hình, khí hậu khác nhau mà chất lượng của gạo nếp sẽ có những thay đổi. Nhưng nhìn chung, hàm lượng protid và lipid ở gạo nếp cao hơn so với gạo tẻ.
Được biết, trong số những loại gạo nếp thì gạo nếp cẩm là loại có giá trị cao nhất. Gạo nếp cẩm là một “siêu thực phẩm”, nếu xét ở góc độ dinh dưỡng, thứ gạo này là kho thực phẩm quý báu. Thực tế, một thìa gạo nếp cẩm chứa một lượng đáng kể vitamin E, sắt, chất xơ và chất chống ôxy hóa.
Theo Y học cổ truyền phương đông, gạo nếp vị ngọt, tính ấm; vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế; có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn; thường được dùng để chữa các chứng hư lao, tiết tả do tỳ vị hư nhược, vị quản thống, tự hãn, đạo hãn và đa hãn, tiêu khát, huyễn vựng do huyết hư, ác trở ở phụ nữ có thai…
Gạo nếp – hạt ngọc thực rất tốt đối với sức khỏe con người
Gạo nếp vị giàu chất bột (gluxit) là dưỡng chất chính trong khẩu phần bữa ăn của người Việt. Nếu thiếu chất bột khi ăn dễ bị tụt đường huyết, người mệt mỏi, chân tay bủn rủn, làm việc khó tập trung, bụng đói cồn cào...Nếu bạn ăn một đĩa xôi (600 calo) sẽ nhiều năng lượng hơn khi ăn một bát phở.
Trong số rất nhiều những loại gạo nếp được sử dụng phổ biến trên khắp cả nước, có lẽ gạo nếp nương Điện Biên là sản phẩm nổi tiếng nhất.
Hạt giống được gieo xuống lỗ, đợi khi mùa mưa đến thì hứng nước mưa tự nhiên, cây lúa mọc lên to, khỏe chịu sương gió, hút khí trời, không cần phân bó thuốc trừ sâu vẫn lên xanh tốt nhờ đất được nghỉ 6 tháng trước khi gieo trồng mùa mới, đồng bào dân tộc thường bón phân xanh, mùn do đốt những gốc rạ từ mùa thu hoạch trước hoặc mùn tự nhiên từ lá cây rừng.
Gạo nếp nương không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều người ví nó như là một đặc sản của trời đất ban cho con người. Gạo nếp nương Điện Biên có nhiều thành phần dinh dưỡng như Calori, Protein, Cacbon hydrat, các nguyên tố vi lượng. Từ gạo nếp nương, bà con vùng Tây Bắc sáng tạo ra nhiều món ngon vô cùng đặc sắc, kỳ công và ngon miệng như làm bánh chưng nếp nương lá riềng, xôi ngũ sắc, bánh dày,…
Có lẽ, nếp thơm Điện Biên chính là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, nó đã trở thành niềm tự hào của những người dân Điện Biên nói riêng, vùng núi rừng Tây Bắc nói chung.
Bánh chưng được làm bằng những hạt gạo dài, chắc, mẩy, mười hạt như mười nên khi bánh được ninh nhừ đến mấy vẫn giữ nguyên được hình dáng hạt gạo, bánh dền và dù có để tủ lạnh 3-4 ngày vẫn không hề lại gạo như với những loại bánh thông thường.
Gạo nếp dùng cho phụ nữ sau sinh
Trong 100g gạo nếp có tới 1,2mg sắt điều đó lý giải vì sao mà phụ nữ sau khi sinh đều được khuyến kích ăn nhiền đồ nếp. Gạo nếp còn có chứa nhiều chất xơ không hoà tan, nên nó có tác dụng đề phòng một số bệnh như ung thư tuyến tính, trực tràng nhờ khả năng chống ôxy có trong gạo nếp... Ngoài ra, gạo nếp còn có tính ấm, vị ngọt, dễ tiêu hoá, giúp làm ấm bụng.
Gạo nếp giúp làm đẹp
Với hàm lượng dưỡng chất như thế, gạo nếp đã được Đông y tận dụng cám gạo nếp làm thuốc bổ chữa tê phù và chứng nghẹn do nó có chứa chất phytin. Những công dụng bất ngờ từ gạo nếp cũng lọt vào tầm ngắm của ngành thẩm mỹ thế giới. Hiện có rất nhiều spa thẩm mỹ đã dùng cám gạo nếp để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho da, nhất là vitamin E trong cám gạo nếp.
Gạo nếp phòng trị thiếu máu
Trong hạt nếp (tên khoa học là Oryza Sativa) không chứa thành phần gluten, không có vị ngọt. Một chén 200gr cơm nếp đã nấu chín có chứa 169 calories; 3,5 gr protein; 37 carbohydrate; 1,7 chất xơ; 9,7 cmg selenium và 0,33 gr chất béo. Trong đó, nếp cẩm hay còn gọi là "bổ huyết mễ" cũng gồm những thành phần dinh dưỡng trên nhưng chứa một số chất dinh dưỡng cao hơn.
Bên trong hạt nếp cẩm so với các loại hạt nếp khác thì hàm lượng protein cao hơn 6,8%, chất béo cao hơn 20%. Ngoài ra, nếp cẩm còn chứa 8 loại a-xit amin và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể.
Do đó, ăn gạo nếp cẩm thường xuyên có thể phòng trị bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt. Phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú nếu ăn nhiều gạo nếp cẩm sẽ rất bổ máu, lợi sữa...Nhờ có các loại axit amin và các nguyên tố vi lượng trong gạo nếp còn có khả năng kỳ diệu là tăng sự hấp thu sắt cho cơ thể khi kết hợp với một số loại thực phẩm: rau xanh, trái cây, thịt nạc.
Nguyễn Hà(T/h)