+Aa-
    Zalo

    Lời giải cho nghịch lý biên kịch Việt đông đảo nhưng hầu hết đều... vô danh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lực lượng biên kịch ở nước ta đông đảo nhưng số lượng người được điểm mặt đặt tên lại không nhiều.

    Lực lượng biên kịch ở nước ta đông đảo nhưng số lượng người được điểm mặt đặt tên lại không nhiều. Vì không tạo được những kịch bản hay nên phim Việt đang có xu hướng làm lại phim nước ngoài. Ngay cả 2 bộ phim đang gây bão hiện nay là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử đều là sản phẩm làm lại của nước ngoài. Để có lời giải, PV báo ĐS&PL đã tìm hiểu nguyên do và phần nào giải mã được thực trạng đáng lo ngại hiện tại…

    Bài toán khó giải

    Sau khoảng thời gian dài “hụt hơi”, phim truyền hình Việt sôi nổi trở lại nhờ Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Trên các trang mạng xã hội, thông tin về diễn viên, tình tiết, mâu thuẫn... của hai bộ phim này luôn được bàn tán rôm rả. Thậm chí, rất nhiều lời thoại, hình ảnh trong phim được “chế” và được chia sẻ chóng mặt. Rating (tỷ suất người xem – PV) cũng tăng theo từng tập. Không ít người cảm thấy vui, tin tưởng vào sự “sống dậy” của phim Việt.

    Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, đi sâu vào hai bộ phim này, không ít người cảm thấy tiếc nuối. Bởi, trong một khoảng thời gian dài phim Việt lặn ngụp, thậm chí “giãy chết” thì nay được “sống lại” nhờ hai bộ phim Việt hóa từ nguyên tác nước ngoài. Người phán xử có phiên bản gốc từ Isarel, Sống chung với mẹ chồng được chuyển thể từ Phù thủy dưới đáy biển của Trung Quốc. Thậm chí, bộ phim truyền hình gây được chú ý trong thời gian dài - Tuổi thanh xuân cũng là một sản phẩm được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc.

    Phim điện ảnh Việt cũng đang có nhiều khởi sắc, thu hút lượng người xem trong nước đến rạp ngày một đông. Thế nhưng, các bộ phim có doanh thu cao hầu hết đều có kịch bản từ nước ngoài như Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp,... Hiếm hoi lắm mới có một bộ phim thành công với kịch bản Việt là Em chưa 18. Tuy nhiên, khi xem, khán giả dễ dàng nhận thấy, kịch bản có nhiều yếu tố vay mượn từ các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài.

    "Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt sắp ra mắt khán giả.

    Ngay cả các dự án sẽ được trình chiếu thời gian tới hầu hết đều được làm lại từ các tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, trong đó, tác phẩm gốc của Hàn Quốc chiếm đến 90%. Có thể kể đến một số dự án như Ngựa hoang làm lại bộ phim Sunny, Ông ngoại tuổi băm làm lại bộ phim Speed Scandal, Yêu đi đừng sợ làm lại bộ phim Spellbound, Cú té trời đánh làm lại Key of life, Cô nàng ngổ ngáo làm lại My sassy girl, Sắc đẹp ngàn cân làm lại 200 pounds beauty...

    Phim Việt sôi động trở lại là điều đáng mừng, nhưng việc kịch bản trong nước mất dạng, các nhà sản xuất chủ yếu sử dụng phương thức làm lại tác phẩm nước ngoài lại là điều đáng lo. Từ điều này có thể nhận thấy, vấn đề kịch bản hay đang thiếu và là bài toán khó giải. Thiếu thì vay mượn là điều dễ hiểu. Nhưng, cứ vay mượn ồ ạt như thế thì tương lai phim Việt rồi sẽ về đâu?

    Trương Ngọc Ánh thừa nhận, mỗi năm, hãng phim của cô nhận được hàng trăm kịch bản, nhưng nhiều khi không tìm được một kịch bản hay để triển khai. Thiếu kịch bản hay trong nước nên hãng phim của cô đành “vay mượn” kịch bản ngoại. Tuy nhiên, cô vẫn mong muốn, sẽ nhận được những kịch bản hay của các biên kịch trong nước và biến nó thành bộ phim thu hút khán giả.

    Cần xác định, việc sử dụng phim làm lại chứng tỏ sự thụt lùi của ngành viết kịch bản Việt. Ngay phim điện ảnh ở nước ta cũng xuất hiện tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Phim khởi đầu khá hay nhưng càng về sau càng đuối và có quá nhiều sạn, chi tiết bất hợp lý khiến người xem ngán ngẩm. Phim Nắng là một minh chứng rõ ràng. Câu chuyện về một người mẹ thiểu năng tần tảo nuôi con lấy được nhiều cảm tình khán giả. Thế nhưng, phim “hỏng” từ lúc người mẹ bị bắt, rồi phải ra tòa và nhận mức án tử hình. Điều này là thiếu thực tế, sai lệch với thủ tục pháp lý thông thường...

    Không dám danh chính ngôn thuận

    Charlie Nguyễn cho biết: “Một bộ phim hay trước hết phải có một kịch bản hay. Đây là thực tế chứ không phải là lý thuyết. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các biên kịch vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng. Nhiều nhà sản xuất vẫn có ý nghĩ, để thu hút khán giả, trước hết phải có dàn diễn viên nổi tiếng, xinh đẹp, nhiều người hâm mộ... Đây là điều quan trọng nhưng vẫn là thứ yếu so với kịch bản hay. Anh từng nhận được rất nhiều kịch bản mà khi đọc đã nhận thấy tác giả có nhiều lỗ hổng về vốn sống lẫn kiến thức nên chuyển thể vào tác phẩm thiếu hơi thở cuộc sống. Mà khi tác phẩm không hay, thiếu sự thu hút thì chắc chắn không thể biến thành bộ phim hay”.

    Đồng quan điểm, nhà sản xuất Xuân Dung cho rằng, khâu yếu nhất của phim Việt là kịch bản. Hiện, lực lượng viết kịch bản rất nhiều nhưng thiếu kịch bản hay, thu hút, hấp dẫn khán giả. Ngoài một vài nhà biên kịch nổi tiếng, được người trong giới đánh giá cao như Châu Thổ, Nguyễn Nhật Tuấn, Nguyễn Thị Thu Huệ thì hầu hết biên kịch đều “vô danh”. Biên kịch là người cần có vốn sống, kiến thức lẫn sức trẻ để thổi hồn cho bộ phim.

    Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, các bạn trẻ viết kịch bản thường thiếu vốn sống, va chạm, còn các biên kịch lớn tuổi lại thiếu sức trẻ, không thổi được “hồn” của cuộc sống vào tác phẩm. Bên cạnh đó, kịch bản phim Việt có tình trạng vay mượn, ăn xổi... Do đó, vừa qua, có tình trạng, một bộ phim được nhiều người đánh giá cao về đề tài đồng tính, giả gái ngay sau đó hàng loạt bộ phim mượn ý tưởng này ra đời. Dự đoán, sắp tới, phim hình sự, khai thác sâu về xã hội đen và cuộc sống mẹ chồng nàng dâu cũng sẽ tới tấp xuất hiện sau thành công của Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử.

    Chuyên gia hóa trang Phan Hiếu kể: “Tôi từng nghe các đạo diễn than vãn tình trạng vừa thừa vừa thiếu kịch bản. Số lượng kịch bản gửi tới rất nhiều nhưng hiếm kịch bản hay. Do đó, hiện nay, nhiều hãng phim đưa ra đề cương và thuê người viết kịch bản. Các nhà biên kịch nổi tiếng nhận về, do không có thời gian nên thuê lại các bạn trẻ viết với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, từ đề cương để trở thành một kịch bản là một hành trình rất dài và không nhiều người làm được... Ngoài ra, hiện nay, có tình trạng viết kịch bản theo nhóm; tức mỗi người viết mỗi tập cho một bộ phim, nên kịch bản hoàn thành thiếu sự thống nhất”.

    Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi phát hiện, rất nhiều bạn trẻ thất nghiệp chuyển sang viết kịch bản thuê cho các nhà biên kịch có chút tên tuổi. Khi kịch bản hoàn thành, chính người thuê cũng không dám để tên thật của mình. Vì vậy, ở nước ta, hiện có tình trạng biên kịch nặc danh. Một người xin giấu tên chia sẻ, các biên kịch nhận từ hãng phim truyền hình mỗi tập có giá từ 8 đến 10 triệu đồng. Nếu họ viết mỗi năm chừng hai đến ba phim có thể sống thoải mái.

    Tuy nhiên, muốn có thu nhập nhiều hơn, họ nhận đề cương kịch bản về viết, sau đó thuê lại bằng 1/3 hoặc nửa giá để hưởng chênh lệch. Hay, một số nhà văn trong quá trình thai nghén các thể loại “sang trọng” như truyện ngắn, tiểu thuyết thì xem viết kịch bản là hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Kịch bản, giao cho nhà sản xuất, họ chọn cách không để tên thật vì không muốn nhiều người biết nhà văn phải “hạ mình” với một thể loại mà họ không coi trọng. Đây là thực trạng khiến tình trạng kịch bản ở nước ta thừa số lượng nhưng lại thiếu chất lượng.

    Huy Cường

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 27

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-giai-cho-nghich-ly-bien-kich-viet-dong-dao-nhung-hau-het-deu-vo-danh-a196260.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan