+Aa-
    Zalo

    "Việt hóa" phim từ kịch bản nước ngoài để xuất khẩu: Nói cho sang miệng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, thông tin bộ phim Người phán xử được phát sóng trên VTV3 và có thể “xuất khẩu” sang nước ngoài khiến nhiều người bất ngờ.

    Mới đây, thông tin bộ phim Người phán xử được phát sóng trên VTV3 và có thể “xuất khẩu” sang nước ngoài khiến nhiều người bất ngờ. Bởi từ lâu nay, so với nền điện ảnh trong khu vực, phim ảnh của Việt Nam vẫn đang ở tình trạng học hỏi và tìm lối ra. Vậy, phim Việt có đủ “tầm” để xuất khẩu sang nước ngoài hay chỉ ở ngưỡng “nói cho sang miệng”?

    Mua về rồi lại xuất khẩu?

    Theo tìm hiểu của nhóm PV, tại buổi họp báo bộ phim truyền hình Người phán xử diễn ra vào giữa tháng 3/2017 vừa qua, đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) cho hay: Bộ phim truyền hình dài 46 tập Người phán xử được VFC mua kịch bản chuyển thể từ đơn vị Armoza – Israel.

    Đây là bộ phim thuộc thể loại tâm lý điều tra, kịch bản Việt hóa đã được cắt giảm nhiều cảnh “nóng” và viết lại cho phù hợp với văn hóa Việt. Cũng theo tiết lộ của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, mặc dù mang dáng dấp phim hình sự nhưng Người phán xử lại chứa đựng tính giải trí hấp dẫn. Phim không có nhiều yếu tố bạo lực giật gân, không nhấn mạnh vào các pha đánh đấm bạo lực, mà đi sâu vào sự giằng xé trong đời sống nội tâm nhân vật, phân tích tâm lý tội phạm.

    Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

    Theo ông Hải, phim Người phán xử hoàn toàn có thể xuất khẩu sang nước ngoài được. Thông tin này đã khiến nhiều khán giả bất ngờ. Từ lâu nay, Việt hoá phim truyền hình là việc không còn lạ lẫm đối với phim truyền hình Việt Nam.

    Năm 2009, khán giả thấy bất ngờ khi bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc được phát sóng. Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, công ty BHD đã quyết định mua bản quyền bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc của hãng KBS (Hàn Quốc) và phối hợp với hãng phim Việt của NSƯT Ngọc Hiệp để Việt hóa bộ phim này.

    Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt do Vũ Ngọc Đãng làm đạo diễn và có sự góp mặt của những tên tuổi hot nhất làng showbiz Việt lúc bấy giờ là Lương Mạnh Hải, Minh Hằng, ca sĩ Thủy Tiên và ca sĩ Lam Trường đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
    Ngoài Ngôi nhà hạnh phúc, khán giả Việt còn đón nhận nhiều bộ phim Việt hóa khác như: Mùi ngò gai (Hàn Quốc), Vườn ảo thuật (Hàn Quốc) của hãng phim Gia đình Việt; Người mẹ nhí (Tây Ban Nha), Nhật ký Vàng Anh (Bồ Đào Nha), Nguyệt quán (Italia) của hãng phim Việt...

    Không chỉ các hãng phim tư nhân mà cả đài truyền hình quốc gia cũng có các bộ phim Việt hóa như: Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Khúc hát mặt trời, Tuổi thanh xuân, Hôn nhân ngõ hẹp, Zippo, mù tạt và em... Những bộ phim này đã làm phong phú thêm kho phim của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, chất lượng các phim này ra sao, có xuất khẩu được không thì không phải ai cũng trả lời được.

    Dàn diễn viên "Zippo, mù tạt và em".

    Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Tôi kỳ vọng vào bộ phim Việt hoá Người phán xử sẽ xuất khẩu được, vì chúng tôi tự tin vào chất lượng của bộ phim. Có thể nói, việc Việt hoá phim truyền hình được nhiều đạo diễn lựa chọn, tuy nhiên, không phải kịch bản nào cũng đạt chất lượng hay phù hợp để dựng thành phim. Vì thế, việc Việt hoá kịch bản phim nước ngoài như là một giải pháp tình thế trong điều kiện sản xuất phim cấp tập hiện nay... Mọi đánh giá về chất lượng phim Việt hoá, là do khán giả cảm nhận...”.

    Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: “Nhiều phim truyền hìnhViệt hoá còn nhạt...”

    “Bộ phim truyền hình Người phán xử sẽ là bộ phim thu âm trực tiếp với chất lượng tốt, trong đó, chúng tôi đã chỉnh rất nhiều để phim được Việt hoá. Theo đó, biên kịch phải gia giảm rất nhiều để phim thuần Việt. Nhiều phim truyền hình Việt hoá còn nhạt, còn xa lạ với khán giả trong nước, vì thế ở phim Người phán xử này, chúng tôi kỳ vọng sẽ làm được một cái gì đó...”.

    Sao không phải phim thuần Việt?

    Nhà biên kịch Trịnh Ngọc Hương (đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: “Việt chuyển thể kịch bản từ nước ngoài sang Việt Nam là một điều cực khó. Có những phim ở nước sở tại rất hay và hấp dẫn, nhưng khi Việt hoá lại nhàn nhạt, không có khán giả xem. Phim Việt hóa có tốt không, phụ thuộc nhiều vào tài nghệ của biên kịch”.

    Vào năm 2009, bộ phim sitcom Việt hoá Những người độc thân vui vẻ phải dừng phát sóng đã tạo ra một sự bất ngờ, lý do là phim kéo dài, nhưng các tình huống trong phim lại rất nhạt và không kéo được khán giả ngồi trước màn hình.

    Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến – người viết kịch bản Việt hoá bộ phim này cũng thẳng thắn: “Vào thời điểm đó, bộ phim đã kéo dài 1 năm. Ban đầu, chúng tôi nghĩ, một bộ phim theo thể loại sitcom của Trung Quốc, có những nhân vật chính cố định, câu chuyện ngắn nối tiếp nhau với những tình huống hài hước sẽ là sự đổi món hấp dẫn cho khán giả. Nhưng càng làm càng thấy món ăn lạ để được chấp nhận, thời gian là chưa đủ. Nếu nói về mặt doanh số, chúng tôi không thất bại bởi thước đo của chúng tôi là quảng cáo...”.

    Đạo diễn Xuân Hiếu khẳng định: “Rõ ràng, việc Việt hoá các bộ phim mua bản quyền từ nước ngoài đang là xu hướng của các đài Truyền hình chứ không riêng gì đài Truyền hình Việt Nam. Điều đó cho thấy, khán giả vẫn thích xem các bộ phim Việt hoá, với diễn viên Việt, nội dung phù hợp với văn hoá Việt.

    Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng của những bộ phim này còn phải bàn thêm. Vậy nên, phim Việt hoá có thể xuất khẩu được hay không là rất khó nói. Chúng ta có thể tìm được đối tác để mua bản quyền phim Việt hoá, để xuất khẩu phim là việc tốt, nhưng nan giải”.

    Đạo diễn trẻ Nhật Nam (trường đại học Sân khấu Điện ảnh) cho biết: “Với phim được Việt hoá, kịch bản rất quan trọng, biên kịch cùng với đạo diễn sẽ là người “chèo lái” bộ phim cho giống với văn hoá Việt Nam. Kịch bản phim nước ngoài rất chặt chẽ và hợp lý, vì thế khi đưa về Việt Nam cần chuyển thể uyển chuyển để tránh việc khô cứng, bắt chước kịch bản nước bạn, mà lại không hợp với tư duy của người Việt Nam. Nếu phim Việt mà được xuất khẩu sang nước ngoài thì chúng tôi vui quá ấy chứ. Nhưng theo tôi, phim thuần Việt sẽ hợp lý hơn là phim được Việt hoá...”.

    Diễn viên Hồng Đăng cũng cho biết: “May mắn là tôi được vào nhiều phim Việt mua từ kịch bản nước ngoài như: Zippo, mù tạt và em, Tuổi thanh xuân, Người phán xử... và thấy rằng, các kịch bản chuyển thể hợp với diễn viên Việt Nam, tư duy người Việt Nam. Còn việc đánh giá chất lượng bộ phim tuỳ vào khán giả và các nhà chuyên môn, nhưng nếu phim Việt hoá có thể xuất khẩu sang nước ngoài thì là chuyện đáng mừng vì những bộ phim đó có chất lượng cao mới sang nước ngoài được...”.

    Biên kịch Ngọc Tuấn: “Việc xuất khẩu phim còn xa vời lắm...”

    “Từ trước đến nay, việc “xuất khẩu” phim Việt chỉ rơi vào những phim điện ảnh được giải như: Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận, Đập cánh giữa không trung... chứ phim truyền hình Việt hoá mà “xuất khẩu” thì chưa có. Việc thu tiếng đồng bộ trong các phim truyền hình, ở nước khác họ làm lâu rồi, nhưng giờ Việt Nam mới bắt tay vào thử nghiệm và vẫn vừa làm, vừa... rút kinh nghiệm nên việc “mang phim đi đánh xứ người” còn xa vời lắm...”.

    Lạc Thành

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-hoa-phim-tu-kich-ban-nuoc-ngoai-de-xuat-khau-noi-cho-sang-mieng-a185095.html
    Sự kiện: TOP phim hay
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan