Malaysia chỉ còn một con tê giác Sumatra cái tên Iman. Điều này có nghĩa rằng loài này có lẽ đã tuyệt chủng trong tự nhiên tại Malaysia.
Tê giác Tam được chăm sóc y tế nhưng đã không qua khỏi. Ảnh: BORA |
Ngày 28/5, CNN dẫn thông báo của Liên minh Tê giác Borneo (BORA) xác nhận thông tin con tê giác Sumatra đực cuối cùng ở Malaysia vừa qua đời.
Theo đó, con tê giác tên Tam qua đời vì suy nội tạng và giờ đây Malaysia chỉ còn một con tê giác Sumatra cái tên Iman. Điều này có nghĩa rằng loài này có lẽ đã tuyệt chủng trong tự nhiên tại Malaysia.
Theo Straits Times, trong những tuần qua, Tam được đội ngũ bác sỹ thú y chăm sóc tận tình với tất cả các liệu pháp tốt nhất, như chăm sóc cho con người, song cá thể này đã không thể qua khỏi, một phần cũng do tuổi tác.
Trước đó, tháng 8/2010, một đội cứu hộ động vật hoang dã đã phát hiện ra Tam tại đồn điền trồng cọ Kretam ở Tawau, bang Sabah. Tam được đưa về Khu bảo tồn động vật hoang dã Tabin và sống tại đó cho đến giờ. Vào thời điểm bị bắt, Tam ngoài 20 tuổi.
Lãnh đạo Sở Du lịch, Văn hóa và Môi trường bang Sabah cho biết, bộ gen của Tam đã được lưu trữ với hy vọng trong tương lai, nhờ sự phát triển của công nghệ, bộ gen này sẽ giúp ích trong việc phục hồi loài tê giác này.
Iman, tê giác Sumatra cái cuối cùng. Ảnh: News Straits Times |
Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất thế giới, cao khoảng 1.3m khi trưởng thành. Chúng là loài tê giác châu Á duy nhất có hai sừng, và được bao phủ trong một bộ lông.
Loài động vật này cũng được tìm thấy ở Indonesia, bang Sabah của Malaysia (nằm trên đảo Borneo) và bán đảo Malaysia; một số cá thể cũng được cho là sống ở miền nam Thái Lan, theo Tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (WWF).
Hiện chưa rõ còn lại chính xác bao nhiêu con tê giác Sumatra trên thế giới, nhưng các chuyên gia tại Tổ chức Tê giác Quốc tế tin rằng có ít hơn 80 con còn sống trong tự nhiên.
Tuy vậy, BORA cho hay loài tê giác này đang ở bờ vực tuyệt chủng vì số ít cá thể còn lại không đủ để cứu loài này khỏi chết.
Tê giác đang bị đe dọa trên toàn cầu. Tê giác đen phương tây, có nguồn gốc từ miền tây châu Phi, đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2013. Loài tê giác trắng đực phía bắc cuối cùng đã chết vào năm 2018. Những sự thật đau lòng trên báo hiệu loài vật này đang đến bờ vực tuyệt chủng.
Mộc Miên (T/h)