+Aa-
    Zalo

    Người Hàn Quốc lo sợ "tuyệt chủng tự nhiên" vì thanh niên không chịu hẹn hò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đối với người trẻ ở Hàn Quốc, câu hỏi đáng sợ nhất mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp thậm chí là người lạ hay đặt ra cho họ là "Bao giờ kết hôn?".

    Đối với người trẻ ở Hàn Quốc, câu hỏi đáng sợ nhất mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp thậm chí là người lạ hay đặt ra cho họ là "Bao giờ kết hôn?".

    Một cô dâu ngáp trong một đám cưới lớn được tổ chức ở Gapyeong, Hàn Quốc vào tháng 8/2018 - Ảnh: SCMP.

    Một người đàn ông 34 tuổi sống ở Seoul nói: "Bố mẹ tôi ép tôi kết hôn mỗi khi tôi đến thăm họ. Ban đầu họ chỉ nói đùa nhưng kết thúc thì lại thật sự nghiêm túc."

    Một phụ nữ độc thân 32 tuổi cũng sống tại đây đã kể một câu chuyện tương tự: "Khi tôi lần đầu gặp một người, họ thường hỏi tôi tại sao tôi còn chưa kết hôn."

    Cô cho biết phần lớn người hỏi vậy là những người lớn tuổi, chứ giới trẻ thường ít có xu hướng hỏi thiếu tế nhị và không cần thiết như vậy.

    Tuy nhiên, bất chấp sức ép kết hôn không ngừng nghỉ này, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc từ bỏ đám cưới. Trong thực tế, nhiều người thậm chí còn không hẹn hò nữa.

    Một người phụ nữ chụp ảnh tự sướng ở Seoul - Ảnh: Getty.

    Một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc được công bố vào đầu tháng 1/2019 cho thấy vào năm 2012, năm gần đây nhất có số liệu điều tra, có chưa đến 40% số người ở độ tuổi từ 20-44 còn tích cực với việc hẹn hò. Tỷ lệ các cuộc hôn nhân truyền thống thậm chí còn thấp hơn thế nữa.

    Trong năm 2015, theo một báo cáo đăng trên tờ The Korea Herald, có 90% nam giới và 77% phụ nữ từ 25-29 tuổi chưa kết hôn. Trong số những người ở độ tuổi 30-34, con số này là 56% và giảm xuống còn 33% đối với những người từ 40-45 tuổi.

    Con số này có thể so sánh ngang với Nhật Bản. Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của Viện nghiên cứu an ninh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản, ở độ tuổi 50, có 23% nam giới và 14% nữ giới chưa từng kết hôn.

    Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc cũng thuộc top thấp nhất thế giới, giảm xuống 0,95 vào cuối năm ngoái - có nghĩa là cứ 100 phụ nữ thì chỉ có 95 trẻ em được sinh ra. Trong khi đó, để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh cần phải là 2,1. Vào thời kỳ bùng nổ của đầu thập niên 70, gần 1 triệu trẻ em Hàn Quốc đã được sinh ra mỗi năm, nhưng đến năm 2017, con số đó đã giảm hơn một nửa xuống còn 357.700 trẻ.

    Kết quả của tình trạng này là dân số Hàn Quốc càng ngày càng già đi. Đến năm 2030, gần 1/3 số người Hàn Quốc sẽ ở độ tuổi từ 65 trở lên. Lúc đó, tình trạng thiếu lao động sẽ diễn ra.

    Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng - Ảnh minh họa.

    Nguồn cung cấp lao động giảm sút sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số người cao tuổi lớn có nghĩa là chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn cho chi phí phúc lợi, thế hệ trẻ sẽ phải đóng nhiều thuế hơn.

    Vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng này đã trở nên quá quen thuộc đối với những xã hội siêu tuổi như Nhật Bản, Đức và Ý, nơi có hơn 1/5 dân số trên 65 tuổi. Tuy nhiên, đối với nhiều người trẻ ở Hàn Quốc, đây có vẻ như là một mối lo ngại xa vời so với những vấn đề trước mắt cấp bách hơn trong đời sống của họ.

    Quá nhiều khó khăn để nói "Có" với hôn nhân

    Kết hôn và sinh con dường như đã trở thành những chi phí không cần thiết ở một quốc gia nơi mà tỷ lệ thất nghiệp đang dao động quanh mức cao nhất trong 17 năm là 3,4% và mức lương trung bình hàng năm là 35,5 triệu won (tương đương 31.650 USD), bằng một nửa so người lao động Mỹ là 60,558 USD.

    Một cuộc khảo sát thực hiện năm 2013 cho thấy, cô dâu chú rể Hàn Quốc phải chi trung bình 90.000 USD để "gông" được nhau về chung nhà - bao gồm chi phí địa điểm tổ chức lễ cưới, quà cưới cho hai bên họ hàng cùng những chi phí khác.

    Tuy vậy, gánh nặng kinh tế cũng không kết thúc cùng với đám cưới.

    Một phụ nữ 34 tuổi người Australia vừa mới kết hôn và đến sống với gia đình nhà chồng người Hàn Quốc đã mô tả rằng hôn nhân là cách để các gia đình trao đổi sự giàu có, giao dịch và thể hiện quyền lực. Nếu gia đình nhà trai có một người nổi tiếng hay con trai nhà họ làm nghề danh giá (như bác sĩ chẳng hạn) hơn "bên kia" thì họ thể mong đợi nhận được một khoản tiền lớn từ nhà gái vì đó là phí tổn cho sự được "lên đời" về địa vị xã hội của gia đình cô dâu.

    Một nền văn hóa ưu tiên cho công việc và nghiên cứu nhiều hơn các mối quan hệ là một lý do nữa khiến người Hàn Quốc thích sống độc thân. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy trong năm 2017, trung bình người lao động Hàn Quốc làm việc nhiều hơn gần 250 giờ so với người lao động ở Mỹ và hơn 424 giờ so với ở Đức.

    Năm 2018, một cuộc khảo sát thực hiện trên 1.141 người qua các trang web việc làm như Job Korea và Albamon cho thấy 68,3% người quá tập trung vào sự nghiệp hoặc cuộc sống cá nhân nên không kết hôn, trong khi 47,5% còn lại thì do lo lắng áp lực về mặt tài chính.

    Thống kê giờ làm việc trung bình của người lao động các nước trên thế giới do OECD thực hiện.

    Lựa chọn của phụ nữ

    Chính phủ Seoul nhận thức rõ tác hại của tình trạng này. Kể từ năm 2005, họ đã chi 36 nghìn tỷ won (32,1 tỷ USD) cho việc cố gắng giảm bớt gánh nặng tài chính khi các cặp vợ chồng có con nhỏ, bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em là 300.000 won/tháng (268 USD) cùng với các ưu đãi khác.

    Nhiều biện pháp mới đã được công bố vào tháng 7/2018, chẳng hạn như kéo dài thời gian "nghỉ vợ sinh" cho ông bố lên tới 2 năm. Trong thời gian nghỉ đó, những ông bố trẻ được đảm bảo trả 80% tiền lương bình thường - tức khoảng 1,5 triệu won (1.338 USD).

    Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể, và các nhà xã hội cho rằng cần phải thực hiện nhiều hơn nữa để kích thích giới trẻ nước này quan tâm đến hôn nhân hơn.

    Ông Kang, một nhà kinh tế học nói: "Những nỗ lực trên không có tác dụng bởi theo quan điểm của thế hệ trẻ, chi phí (cả về mặt xã hội và kinh tế) dành cho việc kết hôn và sinh con cao hơn rất nhiều so với mức hỗ trợ của chính phủ hiện nay."

    Hàn Quốc là xã hội bảo thủ và gia trưởng sâu sắc và phụ nữ nhận thức được những thứ họ sẽ mất đi nếu kết hôn. Cô gái độc thân 32 tuổi ở Seoul cho hay: "Rất nhiều phụ nữ sợ hãi phải đối mặt với sự bất bình đẳng sau khi kết hôn". Cả xã hội dường như đều ám chỉ phụ nữ nên bỏ việc và trở thành bà nội trợ sau khi lấy chồng.

    "Ngày nay, một số phụ nữ thậm chí còn chính thức công bố kế hoạch sống độc thân và không có con trong suốt quãng đời còn lại của mình", cô gái độc thân 32 tuổi cho biết thêm.

    Phụ nữ ngồi chơi trên băng ghế cạnh sông Hàn ở Seoul - Ảnh: SCMP.

    Shin Gi-wook, giáo sư xã hội học tại Đại học Stanford, chuyên về chính trị Hàn Quốc, cho biết phụ nữ cảm thấy khó khăn trong việc giữ vững được sự nghiệp của mình trước những kỳ vọng mà xã hội áp đặt cho họ sau khi kết hôn và sinh con.

    Ông nói: "Không có bất kì hệ thống hay tổ chức xã hội nào hướng đến vấn đề này, nếu có thì chỉ quan tâm và lấy nam giới làm trung tâm. Sau kết hôn, người phụ nữ được mong đợi phải đảm nhiện tốt trong nhiều vai trò mới trong gia đình và xã hội như làm mẹ, làm vợ, làm dâu... Điều này khiến họ khó mà còn muốn kết hôn hay sinh con gì đó nữa, ưu tiên cho sự nghiệp còn tốt hơn."

    Cuối cùng, theo nhà xã hội học và giảng viên Đại học Seoul Michael Hurt, Hàn Quốc cần loại bỏ chủ nghĩa phân biệt giới tính đã ăn sâu vào ý thức xã hội và cải cách các chính sách tiêu cực lâu dài của họ đối với phụ nữ nếu muốn tăng tỷ lệ sinh và tránh rơi vào tình trạng "tuyệt chủng tự nhiên" vào năm 2750, như công bố của một nghiên cứu được chính phủ thực hiện vào năm 2014.

    Ông nói: "Nạn phân biệt giới tính ở Hàn Quốc nên được định nghĩa lại là chủ nghĩa chống Hàn (anti-Korean), bởi vì Hàn Quốc đang hướng tới sự "tự hủy diệt" về mặt nhân khẩu học. Mỗi một người phụ nữ bị đẩy ra khỏi vị trí làm việc của mình vì đã kết hôn sẽ khiến nhiều người khác coi đó là tấm gương để không muốn kết hôn nữa. Nếu Hàn Quốc muốn có nhiều người hơn, họ cần phải cắt bỏ sự phân biệt giới tính".

    Minh Minh(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-han-quoc-lo-so-tuyet-chung-tu-nhien-vi-thanh-nien-khong-chiu-hen-ho-a260583.html
    Nhật Bản đối phó với hội chứng độc thân

    Nhật Bản đối phó với hội chứng độc thân

    Điều gì sẽ xảy ra với một quốc gia khi những người trẻ tuổi ngừng quan hệ tình dục? Đó tưởng chừng như một câu hỏi hài hước, nhưng đó lại là vấn đề mà Nhật Bản đang phải

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhật Bản đối phó với hội chứng độc thân

    Nhật Bản đối phó với hội chứng độc thân

    Điều gì sẽ xảy ra với một quốc gia khi những người trẻ tuổi ngừng quan hệ tình dục? Đó tưởng chừng như một câu hỏi hài hước, nhưng đó lại là vấn đề mà Nhật Bản đang phải