Cây vối là loại cây được trồng rất phổ biến ở nước ta, đây là loại cây thân mộc cao khoảng từ 10-12m, có hoa, vỏ cây màu đen.
Cây vối thường được dùng để lấy lá và nụ để nấu nước uống có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa và chống đầy bụng.
Vối có hai loại là vối nếp và vối tẻ, lá có màu vàng xanh. Lá vối tẻ thường to hơn lá vối nếp, lá của nó bé bằng hoặc lớn hơn bàn tay người, có hình thoi màu xanh thẫm. Thông thường lá vối thường dài khoảng 8 - 10cm, rộng 4 - 6cm, cuống lá ngắn.
Hoa vối thường nở thành chùm đan vào nhau, hoa thường nở vào mùa xuân, còn quả vối thì màu đỏ thẫm giống với quả bồ quân, vị hơi chát và đắng. Cây vối đặc biệt giàu dược tính có công hiệu làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận dùng để sử dụng là vỏ thân, lá, nụ...
Loại cây này chủ yếu được phân bố ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia... Ở nước ta, cây lá vối thường được người dân trồng ở quanh nhà hoặc mọc hoang ở bờ ao, bụi rậm. Các tỉnh thành ở miền núi phía Bắc là phổ biến loại cây này nhất.
Trong lá vối có chứa các thành phần như hoạt chất tanin có trong cả lá vối và nụ vối. Đây là một chất chống oxy hóa vô cùng tuyệt vời cho cơ thể; Các khoáng chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể; 4% tinh dầu trong lá vối có mùi thơm dễ chịu giúp chống lại vi khuẩn; Các chất kháng sinh trong lá vối giúp ức chế vi khuẩn; Ngoài ra, các bộ phận khác của lá vối còn chứa chất béo, gallic, sterol và một vài chất khác.
Công dụng của lá vối đối với sức khỏe
Hỗ trợ điều trị gout
Nhờ công dụng tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giúp giảm béo, lợi tiểu, tiêu độc nên lá vối được coi là vị cứu tinh với những bệnh nhân mắc bệnh gout.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gout là do chế độ ăn uống có nhiều chất béo, ngọt gây ứ đọng axit uric. Mặt khác hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết, đào thải không tốt khiến cho uric ứ đọng ở các khớp gây nên tình trạng sưng nóng, đỏ, đau khớp.
Giải nhiệt
Lá vối tươi sau khi được rửa sạch sẽ được hãm với nước nóng thành một thức uống giải khát tuyệt vời trong những ngày hè. Các nghiên cứu khoa học cho thấy thành phần trong lá vối tươi có một số chất khoáng và vitamin.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Lá vối tươi giúp điều trị tiểu đường, chỉ cần người bệnh chăm chỉ sắc lấy nước lá vối khoảng 10 - 20g lá, chia thành 3 lần uống mỗi ngày. Hoặc có thể sử dụng nụ vối thay cho lá để tăng thêm hiệu quả điều trị, cách pha chế tương tự như nước lá vối tươi.
Kháng khuẩn
Trong lá vối có chứa các chất gồm tannin và acid triterpenic. Sự phát triển của nhiều loại nấm, men, vi khuẩn và virus sẽ bị ức chế bởi tannin vì vậy uống lá vối có tác dụng hỗ trợ đẩy lùi vi khuẩn, nấm. Ngoài ra, axit tannic là một chất ức chế vi khuẩn trong thực phẩm, vi khuẩn thuỷ sinh và vi khuẩn tạo mùi vị. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hợp các hợp chất loại acid triterpenic có nhiều tác dụng chống viêm, điều chỉnh lượng đường trong máu, hoạt động kháng virus và chống lại khối u.
Giảm mỡ máu
Trong nước lá vối có một số loại muối khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể, đồng thời còn giúp giảm mỡ máu. Công thức đun nước lá vối để giảm mỡ máu:
Chuẩn bị 15-20g nụ vối, hãm lấy nước uống thay trà uống trong ngày, hoặc nấu thành nước đặc chia làm 3 lần uống trong ngày. Để hiệu nghiệm, người bệnh cần duy trì uống thường xuyên.
Chữa các bệnh khó tiêu, đầy bụng
Các bệnh khó tiêu, đầy bụng cũng dễ dàng được đẩy lùi nếu chăm chỉ uống nước lá vối tươi bởi trong lá này có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, kèm theo đó là hoạt chất tanin chống oxy hóa và chống viêm rất tốt.
Hỗ trợ chữa lở ngứa, chốc đầu
Lá vối dù tươi hay khô, khi sắc đặc đều có thể dùng như một loại thuốc sát khuẩn chữa nhiều bệnh ngoài da như: ghẻ lở, mụn nhọt. Dân gian cũng truyền tai nhau cách chữa chốc lở rất hiệu quả, đó là vò nát lá vối tươi rồi nấu với nước sôi lấy nước đặc để gội đầu, tắm rửa.
Chữa đau bụng, viêm đại tràng mãn tính
Lá vối cũng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn. Mỗi khi ăn nhiều chất đạm hoặc dầu mỡ, người ta thường uống nước đun lá vối để kích thích dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa chứng đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, trong lá vối cũng chứa tanin giúp bảo vệ niêm mạc ruột và tinh dầu có tính kháng khuẩn, giúp chữa đau bụng đi ngoài phân sống.
Những công dụng khác
Lá vối còn giúp lợi sữa ở bà bầu, vì vậy nên uống ở thời điểm đầu thai kỳ sẽ giúp tăng cường chức năng tuyến sữa, từ đó đảm bảo thể chất khi sinh. Sau sinh nếu sử dụng sẽ giúp nhanh săn bụng.
Nhiều người cũng sử dụng nước lá vối như một liệu pháp để giảm cân, đánh tan mỡ bụng một cách hiệu quả từ từ.
Ngoài ra, lá vối tươi còn được sử dụng như một chất sát trùng, kháng sinh để rửa mụn nhọt, ghẻ lở, chốc đầu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tính kháng khuẩn của các hoạt chất có trong lá vối, chiết xuất methanol của lá vối có tác dụng chống lại vi khuẩn gram dương bao gồm S. aureus , B. subtilis và S. mutans GS-5. Nước lá vối có thể sử dụng như là một chất sát khuẩn tự nhiên đối với những ai bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn ngoài da.
Uống lá vối có hại thận, yếu sinh lý không?
Có rất nhiều người tỏ ra lo lắng trước thông tin uống lá vối sẽ hại thận và giảm sinh lý ở đàn ông. Thực tế chưa có bất cứ nghiên cứu nào chỉ ra rằng uống nhiều nước lá vối sẽ bị yếu sinh lý, cũng không có cơ sở để khẳng định uống nước lá vối gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh lý của đàn ông.
Đối với vấn đề thận, các bác sĩ cũng nhấn mạnh chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định rằng việc uống nước vối sẽ gây hại thận.
Cách sử dụng lá vối
Để sử dụng lá vối, người ta dùng chuẩn bị lá vối khô rửa sạch cho vào ấm. Đổ nước vào đun đến khi sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nếu có nụ vối cũng được đun trong nước cho đến khi sôi hoặc hãm trong nước sôi tương tự như cách hãm trà xanh. Nước vối đun từ lá khô có màu đỏ nâu nhạt, còn hãm từ lá tươi có màu xanh như nước trà xanh.
Đặc biệt, uống nước lá vối không có tác dụng phụ đáng kể nên bất cứ ai cũng có thể uống thường xuyên. Khi uống nước lá vối thường có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, hương thơm ngai ngái.
Như Quỳnh(T/h)