Các chất dinh dưỡng trong hành tây rất phong phú, không chỉ giàu kali, vitamin C, axit folic, kẽm, selen, chất xơ mà còn chứa hai chất dinh dưỡng đặc biệt là quercetin và prostaglandin A. Nhờ có hai chất này, hành tây trở thành siêu thực phẩm mà các loại rau củ khác không thể thay thế. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của hành tây đối với sức khỏe:
Phòng chống ung thư
Hành tây rất giàu selen và quercetin. Được biết, selen có tác dụng chống oxy hóa, có thể kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể, giảm độc tính của các chất gây ung thư. Trong khi đó, quercetin ức chế hoạt động của các tế bào gây ung thư, ngăn tế bào ung thư phát triển.
Bảo vệ tim mạch
Prostaglandin A trong hành tây có thể làm giãn mạch máu, giảm độ nhớt của máu, giảm huyết áp, tăng lưu lượng máu mạch vành và ngăn ngừa huyết khối. Bên cạnh đó, chất quercetin có thể ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch. Do đó, hành tây có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của đột quỵ trên cơ sở bảo vệ hệ thống tim mạch.
Tăng cường miễn dịch
Hành tây chứa phytochemical có khả năng kích thích tăng cường vitamin C trong cơ thể, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại các độc tố gây bệnh.
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng khác trong hành tây như kẽm, vitamin C, quercetin, flavonoid cũng rất tốt cho cơ thể, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh. Đây cũng là chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh.
Các bệnh hen suyễn
Hành tây có công dụng không nhỏ đối với bệnh nhân hen suyễn và viêm phế quản mạn. Lý do là vì loại củ này chứa các chất chống viêm và ức chế Histamin – một chất hóa học chính gây bệnh hen, có tác dụng tốt trên bệnh nhân hen, giảm một nửa nguy cơ tái phát của các cơn hen.
Điều hòa lượng đường huyết
Người mắc bệnh tiểu đường có thể đưa hành tây vào chế độ ăn uống. Allium cepa, chiết xuất của củ hành tây, cho thấy tiềm năng trong việc hạ đường huyết cao khi được thử nghiệm trong các nghiên cứu trên động vật.
Các hợp chất cụ thể khác được tìm thấy trong hành tây như quercetin và các hợp chất lưu huỳnh có tác dụng chống đái tháo đường.
Hành tây cũng chứa một lượng lớn khoáng chất crôm ở dạng vết. Crôm là thành phần có khả năng hỗ trợ điều hòa đường huyết và tăng cường hoạt tính của hormon insulin.
Bên cạnh đó, chất này tham gia trực tiếp vào các quá trình chuyển hóa của carbohydrate, chất béo và protein. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân bị kháng insulin hay mắc tiểu đường type 2.
Cải thiện mật độ xương
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lượng hành tây tiêu thụ và mật độ xương. Tác dụng này đặc biệt có lợi đối với phụ nữ sắp bước vào thời kỳ mãn kinh dễ bị suy giảm mật độ xương dẫn đến bệnh loãng xương.
Theo một nghiên cứu ở đối tượng phụ nữ trên 50 tuổi, những người ăn hành tây ít nhất 1 lần/ngày có mật độ xương cao hơn khoảng 5% so với những người ăn hành tây ít hơn 1 lần/tháng.
Ngoài ra, các nhà khoa học phát hiện nguy cơ gãy xương hông ở những người thường xuyên ăn hành tây giảm hơn 20% so với những người không ăn.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các hợp chất ức chế quá trình oxy hóa – quá trình dẫn đến tổn thương tế bào, góp phần gây ra các bệnh như ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Hành tây lại là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt với khi chứa tới hơn 25 loại chất chống oxy hóa flavonoid khác nhau.
Chống viêm đau xương khớp
Hành tây chứa nhiều quercetin có khả năng chống viêm mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh viêm xương khớp, bên cạnh đó hỗ trợ ngăn ngừa các cơn đau cấp tính và mạn tính do viêm khớp gây ra.
Phòng trị mất ngủ
Nếu bị mất ngủ, bạn có thể thái hành tây thành các miếng nhỏ rồi đặt cạnh gối. Loại củ này có thành phần kích thích giúp trấn tĩnh thần kinh, nhờ đó bạn có thể đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Đinh Kim(T/h)