(ĐSPL) - Mặc dù giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm đến 15\% nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có động thái giảm giá sữa. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể thu lợi hàng trăm tỷ đồng từ túi tiền người tiêu dùng.
Theo tin tức từ Bộ Công thương tính đến ngày 26/10, sau 4 tháng áp dụng chính sách bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (từ 1/4/2014), đến nay đã có 503 mặt hàng sữa được đăng ký giá, trong đó thị phần lớn nhất vẫn là Abbot, Mead Johnson, Fieslandcampia... Giá bán lẻ tại các thị trường cơ bản đã thực hiện giảm, mức giảm giá khoảng từ 0,3 - 26\%.
Tuy nhiên, báo Giao thông Vận tải dẫn lời ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, tính từ tháng 6, giá sữa nguyên liệu thế giới giảm khoảng 15\%. Nhưng đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào gửi đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa.
Ông Truyền lý giải, nguyên liệu sữa chỉ là một trong những thành phần cấu tạo nên sản phẩm sữa. Hơn nữa, từ lúc doanh nghiệp ký hợp đồng nguyên liệu cho đến khi được cung ứng mất khoảng ba tháng, nên tác động từ việc giá sữa nguyên liệu giảm sẽ có độ trễ nhất định.
Về phía doanh nghiệp "thanh minh" rằng, sau khi áp trần giá sữa, doanh nghiệp đã hụt thu nhiều tỷ đồng nên giá nguyên liệu vừa qua giảm giúp hãng cân bằng lại doanh thu. Hơn nữa, sau khi áp giá trần, việc tăng giá sữa khó khăn hơn, do đó doanh nghiệp không thể dễ dàng giảm giá sữa.
Thời gian tới Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi, trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá, nếu phát hiện mức độ giảm giá sữa nguyên liệu tác động lớn đến mức giảm giá thành sản phẩm, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh.