Cả nước có 13 cây chai lá cong
Chai lá cong có tên khoa học là Shorea Falcata. Tại Việt Nam, chai lá cong phân bổ chủ yếu ở Phú Yên và Khánh Hòa. Loài cây này có nguồn gen quý, hiếm, có giá trị về mặt khoa học, gỗ khá tốt, dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền và mộc dân dụng, thân cây tiết ra chai cục, trộn với nhựa dầu rái dùng dể xâm ghe thuyền đánh cá. Được biết, chai lá cong được phát hiện tại Phú Yên từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Loài cây này không chỉ là loài đặc hữu của Việt Nam mà theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, giống cây này cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.
Thống kê của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Huế cho thấy, Việt Nam chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ. Riêng thị xã Sông Cầu (Phú Yên) là nơi còn lại nhiều cây chai lá cong nhất với 7 cây. Những cây còn lại hiện hữu ở khu vực ven biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Chai lá cong thuộc loại thực vật có tốc độ sinh trưởng rất chậm, vì thế phải cần đến hàng trăm năm mới có được cây cổ thụ.
Cần được bảo tồn
Theo báo Lao động, Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế cho hay: Những cây chai lá cong ở Phú Yên có thể xem là “cây mẹ” vì tuổi đời của nó khá lớn. Đối với hệ thống của thế giới, thì loài cây nào chỉ có tại một vùng đất và không thể tìm thấy ở vùng đất khác, thì nó được gọi là endemic (tức là đặc hữu).
Loài đặc hữu thì bắt buộc phải bảo vệ, phải đừng để nó chết. Nếu để loài đó chết thì lần sau không thể nào tìm thấy được cả.
Liên quan đến bảo tồn loài cây đặc hữu này, năm 2020, một cây chai lá cong gần 400 tuổi ở Vùng 4 Hải quân, thuộc phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có đường kính 1,7m, cao khoảng 25m, sinh trưởng bình thường và cho ra hoa quả hằng năm, theo báo Nhân dân.
Việc bảo tồn, phát triển cây chai lá cong có ý nghĩa rất lớn về giá trị kinh tế, cảnh quan môi trường. Để cây "chai lá cong" tiếp tục phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đa dạng sinh học vùng ven biển, cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp bảo tồn.