Điện nhập khẩu từ Lào có giá cạnh tranh
Báo Tuổi trẻ đưa tin, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có đề nghị gửi tới Bộ Công thương về việc hoàn thiện hồ sơ chủ trương nhập khẩu các nhà máy thủy điện, điện gió từ Lào về Việt Nam. Cụ thể là việc nhập khẩu, đấu nối điện từ cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô và Nhà máy thủy điện Houay Kaouan.
Theo đó, ngoài việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc thông qua các đường dây 220kV với công suất khoảng 550-800 MW, EVN sẽ nhập khẩu điện từ Lào theo Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào được ký kết ngày 5-10-2016, tổng công suất tối thiểu đến năm 2025 là 3.000MW và đến năm 2030 là 5.000MW.
Đánh giá hiệu quả kinh tế, EVN cho biết nguyên tắc giá điện nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, mức giá trần đối với loại hình nhà máy thủy điện là 6,95 Uscent/kWh. Như vậy mức giá này thấp hơn, có giá thành cạnh tranh hơn so với nguồn nhiệt trong nước sử dụng. Cụ thể, giá điện khí khoảng 8,24 cent/kWh và điện than giao động từ 7,23-8,45 cent/kWh.
“Qua tính toán cập nhật cân bằng công suất, điện năng đến năm 2030 cho thấy việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho khu vực miền Bắc trong các năm tới sẽ rất khó khăn. Việc nhập khẩu điện từ Lào giúp tăng cường khả năng cung ứng điện, mang lại lợi ích kinh tế, môi trường, xã hội cũng như tăng cường trao đổi hợp tác giữa hai nước”, EVN nêu quan điểm.
Theo đó, tập đoàn này đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương nhập khẩu với tổng công suất 225,5 MW từ các dự án: Nam Chiane - 104 MW, cụm nhà máy thủy điện khu vực Nậm Mô và Hoauy Kaouan - 22,5 MW.
Tính đến tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương nhập khẩu từ các nguồn điện tại Lào với tổng công suất 2.689MW. Trong số này, EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy điện đầu tư tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.240MW.
Đã có 6 nhà máy điện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện, có tổng công suất 449MW. Tuy nhiên, với nhà máy thủy điện Nậm Kông 1 (160MW) và Nậm Mouan (100MW), chủ đầu tư có văn bản gửi EVN thông báo không tiếp tục bán điện. Với 4 dự án còn lại có tổng công suất 249 MW, EVN đã giao cho Công ty Mua bán điện đàm phán PPA.
Đã có 81/85 dự án điện tái tạo gửi hồ sơ đàm phán giá điện
Liên quan đến lượng lớn dự án điện tái tạo chuyển tiếp, EVN cho biết, đến ngày 23/9, đã có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, tăng thêm 1 dự án so với thống kê đến ngày 18/9.
Trong đó, có 68 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.949,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương), tăng thêm 1 dự án so với thống kê đến ngày 18/9.
Như vậy, hiện còn 4 dự án điện chuyển tiếp với tổng công suất 136,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán, gồm: Nhà máy điện gió số 18 - Sóc Trăng; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 2.2; Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu giai đoạn 1; Nhà máy điện mặt trời Ngọc Lặc.
Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 20 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.171,72 MW, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Hanbaram; Nhà máy điện gió Bình Đại; Nhà máy điện gió Hòa Đông 2; Nhà máy điện gió Viên An; Nhà máy điện gió Bình Đại số 2, Bình Đại số 3; Nhà máy điện gió Tân Ân 1 - Giai đoạn 2021-2025; Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2; Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai.
Sản lượng điện phát từ các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đến ngày 21/9/2023 đạt 591 triệu kWh, theo tạp chí Công Thương.
Vân Anh(T/h)