Theo ghi nhận sáng 20/12 của PV Đời sống & Pháp luật, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên người dân ở “thủ phủ” đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội vừa tất bật với công việc chăm sóc những gốc đào như tưới nước, vun thêm đất, dọn vườn, tuốt lại lá lần 2 vừa thấp thỏm "ngóng" thời tiết.
Cũng giống như mọi năm, gia đình bà Trần Thị Minh đang thực hiện công đoạn cuối cùng là tuốt lá đào, dọn dẹp, sửa sang lại vườn và đợi khách tới xem hoa sớm. Theo bà Minh năm nay người dân vừa tất bận chuẩn bị vừa thấp thỏm lo âu: “Đến giáp Tết mới biết nhà nào trúng, nhà nào trượt. Nếu thời tiết rét nhiều thì sợ đào non, mắt không được đảm bảo, nếu thời tiết ấm dần khoảng nửa tháng thì đào mới nở đẹp”.
Năm nay mùa đông đến muộn hơn mọi năm, những hộ gia đình tại vườn đào Nhật Tân như ông Trần Văn Tuấn vừa tất bật, hối hả chăm sóc đào, vừa phải canh xem thời tiết, thấp thỏm tính toán ngày sao cho đào bung nở đẹp nhất vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
“Trồng đào phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, buộc người nông dân phải nắm rõ giống đào mình trồng. Nếu giống đào 45 ngày thì tuốt lá muộn một chút, còn giống 65 ngày nên tuốt sớm hơn.
Thời tiết rét muộn thì kìm hãm sức phát triển, sức nở của hoa. Trời rét đậm kéo dài lại ảnh hưởng đến tiến độ ra hoa vào đúng dịp Tết, buộc người nông dân phải tưới thêm nước”, ông Tuấn lo lắng chia sẻ.
“Hơn nửa vườn đào nhà tôi đã có khách quen ở Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đặt. Tôi rất kì vọng năm nay thời tiết có thể ấm hơn, không quá lạnh để người nông dân như chúng tôi thuận tiện hơn trong việc chăm sóc cũng như xuất bán ra thị trường một cách tốt nhất”, bà Nguyễn Thị Hải chủ một vườn đào tại làng Nhật Tân chia sẻ.
Với những người trồng đào tại Nhật Tân nói riêng và người trồng đào cả nước nói chung, mong muốn lớn nhất từ nay đến dịp Tết Nguyên đán 2023 không gì hơn là thời tiết thuận lợi, để công sức trong một năm dài chăm sóc được đền đáp xứng đáng, giúp phần nào gỡ gạc lại vốn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nông Thảo Ly