+Aa-
    Zalo

    Lộ diện 5 thành viên dự kiến vào HĐQT của PGBank

    (ĐS&PL) - Theo giới thạo tin trong lĩnh vực ngân hàng, danh sách ứng cử viên bầu thay thế HĐQT PGBank có một cái tên gợi nhắc đến Tập đoàn Thành Công.

    Theo báo Đầu tư, PGBank vừa công bố bổ sung các tài liệu trong Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào ngày 23/10, Đại hội dự kiến tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.

    Ông Đào Phong Trúc Đại sẽ tham gia HĐQT PG Bank nhiệm kỳ 2020 - 2025

    Đầu tiên, PG Bank trình cổ đông thông qua việc thay đổi thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.

    Đối với HĐQT, điều chỉnh giảm số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 9 thành viên, xuống còn 6 thành viên. Trong đó, miễn nhiệm 5 thành viên gồm ông Nguyễn Phi Hùng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Nguyễn Mạnh Hải, ông Oliver Schwarzhaupt, và ông Nilesh Banglorewala.

    Ngược lại, bổ sung 5 thành viên HĐQT gồm ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng, Bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính, và ông Nguyễn Thành Lâm (ông Lâm là thành viên HĐQT độc lập).

    lo dien 5 thanh vien du kien vao hdqt cua pgbank
    Hồ sơ chi tiết về các ứng viên vào HĐQT của PGBank chưa được công bố.

    Điểm đáng lưu ý, trong danh sách 5 ứng cử viên thành viên HĐQT mới, PGBank vẫn chưa công bố thông tin chi tiết từng cá nhân, cũng như kinh nghiệm tại các vị trí ở các đơn vị khác.

    Tuy nhiên, theo giới thạo tin trong lĩnh vực ngân hàng, danh sách ứng cử viên có tên một cá nhân đặc biệt là ông Đào Phong Trúc Đại.

    Trước đó, một người có cùng tên là ông Đào Phong Trúc Đại (SN 1975). Ông Đại được biết là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Giám đốc Tài chính CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (các đơn vị liên quan Tập đoàn Thành Công).

    Thêm nữa, ngày 15/2/2022, ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Ngân hàng Eximbank, nhưng đến ngày 24/10/2022, ông Đào Phong Trúc Đại bất ngờ nộp đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Ngân hàng Eximbank với lý do cá nhân.

    Đối với Ban kiểm soát, giảm số thành viên từ 4 thành viên, xuống còn 3 thành viên. Trong đó, miễn nhiệm tư cách thành viên Ban kiểm soát của bà Dương Ánh Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Vinh.

    Ngược lại, bầu bổ sung ông Trần Ngọc Dũng và ông Trịnh Mạnh Hoán vào thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.

    Thứ 2, Ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng, lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2023 và năm 2024. Trong đó, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng; và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 26,67%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng.

    Trong đó, đối với kế hoạch chào bán, Ngân hàng dự kiến chào bán tối đa 80 triệu cổ phiếu và giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.

    Ngân hàng cho biết thêm dự kiến số tiền huy động là 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ sử dụng 30 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn; 300 tỷ đồng đầu tư nâng cấp phần mềm, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị tin học và dự án chuyển đổi ngân hàng; 300 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ và trái phiếu tổ chức tín dụng khác phát hành; và còn lại 1.370 tỷ đồng cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

    Thứ 3, Ngân hàng trình cổ đông thông qua thay đổi tên thương mại và địa chỉ đặt trụ sở chính của PGBank. Trong đó, PG Bank muốn đổi địa chỉ trụ sở từ tầng 16, 23, 24 Toà nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP.Hà Nội sang địa chỉ mới là Toà nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Đồng thời, Ngân hàng muốn đổi tên, giao cho Hội đồng quản trị xem xét, quyết định cụ thể phù hợp với quy định pháp luật.

    PGBank muốn đổi tên thương mại do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và Petrolimex đã yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PG Bank là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng, theo tạp chí Mekong Asean.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-dien-5-thanh-vien-du-kien-vao-hdqt-cua-pgbank-a595075.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan