Sự ra đi của “chủ soái” Dương Công Minh không những không làm suy yếu LPB, mà ngược lại còn là liều thuốc kích thích đối với sự phát triển của nhà băng này.
Luồng gió mới
Tháng 6/2017, cả thị trường tài chính bất ngờ trước thông tin ông Dương Công Minh từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) và cùng cổ đông lớn Him Lam rút hoàn toàn ra khỏi nhà băng này. Thời điểm đó, không ít người trong cuộc lo lắng cho LPB, bởi đây là ngân hàng “trẻ” nhất hệ thống, được thành lập từ năm 2008 và suốt gần một thập kỷ qua, quá trình phát triển của LPB ghi đậm dấu ấn của “chủ soái” Dương Công Minh.
Tuy vậy, ban lãnh đạo LPB dường như đã được chuẩn bị kỹ cho biến động này. Ngay trong ngày ông Dương Công Minh nộp đơn từ nhiệm (ngày 5/6), HĐQT LPB đã bầu ông Nguyễn Đức Hưởng thay thế vị trí của ông Dương Công Minh và đồng thời bầu Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT ông Phạm Doãn Sơn giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, ông Sơn tiếp tục là Tổng giám đốc LPB giai đoạn 2017-2022.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ông Hưởng cũng như ông Sơn là những cái tên phù hợp ngồi vào “ghế nóng” tại LPB. Ông Nguyễn Đức Hưởng cùng ông Dương Công Minh đã cùng nhau lập ra LPB năm 2008, ông Hưởng cũng có một thời gian dài là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này. Trong khi đó, ông Phạm Doãn Sơn cũng đã nhiều năm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao tại LPB, lần lượt là Trưởng Ban kiểm soát rồi Tổng giám đốc LPB từ năm 2012. Quá trình thay đổi “cấu trúc thượng tầng” tại LPB diễn ra trong bối cảnh nhà băng này tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng tích cực.
Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2017 vừa công bố cho thấy trong sáu tháng đầu năm, thu nhập lãi tăng mạnh 38% so với cùng kỳ lên 5.532 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi tăng với tốc độ thấp hơn (25%), giúp LPB ghi nhận thu nhập lãi thuần 2.541 tỷ đồng, cao hơn 50% so với nửa đầu năm 2016. Bên cạnh đó, chứng khoán đầu tư cũng là một điểm sáng của LPB khi mang về cho nhà băng này khoản lãi 304 tỷ đồng, so với mức lỗ 116 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc nửa đầu năm, LPB báo lãi trước thuế 910 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ và tương đương 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ở mức 707 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.003 đồng (cùng kỳ là 508 tỷ đồng).
LienVietPostBank vẫn tăng trưởng tích cực. |
Giải thích cho kết quả tích cực trên, trao đổi với báo ĐS&PL, một lãnh đạo của LPB cho hay doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu năm nhờ tín dụng tiếp tục tăng trưởng, với số dư cuối kỳ là 91.362 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Ngoài ra, chi phí vốn được duy trì ở mức thấp giúp nâng cao biên lợi nhuận. “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ quá hạn, đồng thời tiết giảm chi phí tối đa dù quy mô ngân hàng đang mở rộng rất nhanh”, vị này cho hay.
LPB hiện đang nắm quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện (VNPost) trên toàn quốc sau thương vụ mua lại công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (công ty con của VNPost) năm 2011. Cho vay khách hàng tăng trưởng nhanh giúp LPB đạt kết quả tích cực trong hai quý vừa qua, song cũng đặt ra những thách thức cho nửa còn lại của năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đã chạm trần “quota” được Ngân hàng Nhà nước cho phép (16%), khiến LPB bị bó buộc hơn trong hoạt động kinh doanh.
LPB cho biết đang xin phép NHNN nâng hạn mức tín dụng trong năm nay để phù hợp với chiến lược phát triển. “Trong lúc chờ xin phép NHNN, LienVietPostBank chủ trương giảm cho vay khách hàng lớn và tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ nhằm tiếp đà tăng trưởng, đồng thời để tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động”, vị lãnh đạo của LPB trao đổi với PV báo ĐS&PL. Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa đặt vấn đề Thống đốc NHNN tính toán khả năng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21-22%, so với kế hoạch 18% đặt ra trước đó, đề xuất của LPB nhiều khả năng sẽ được chấp thuận, qua đó “cởi trói” và giúp nhà băng này hoàn thành các mục tiêu trong năm nay.
Sáp nhập để mở rộng quy mô
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐQT LPB ông Nguyễn Đức Hưởng những ngày qua cho biết sẽ cân nhắc phương án sáp nhập hoặc mua lại tổ chức tín dụng khác để mở rộng quy mô. Ông Hưởng nhận định LPB dù rất muốn vượt lên nhưng bị bó buộc bởi tăng trưởng tín dụng mỗi năm chỉ được từ 18-20%. Bởi vậy mua bán & sáp nhập (M&A), đồng thời thay đổi cơ cấu cổ đông là chìa khóa cho sự bứt phá của LPB. Ngân hàng này đang chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) ở mức 5%.
Lý do tại sao lại siết room ngoại, trong bối cảnh các ngân hàng khác đang muốn nâng tỷ lệ này lên, theo ông Hưởng là để thu hút một cổ đông nước ngoài thật lớn, thay vì các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ở một diễn biến liên quan, NHNN ngày 15/8 đã có quyết định chấp thuận phương án phát hành trái phiếu năm 2017 của LPB. Theo đó, ngân hàng này được phát hành trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá tối đa là 2.000 tỷ đồng, mục đích để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các dự án trung và dài hạn, tăng quy mô vốn hoạt động. Giá phát hành bằng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và không hạn chế chuyển nhượng. Đối tượng chào bán rộng rãi bên ngoài cho các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên cho cổ đông hiện hữu. Số lượng trái phiếu còn dư sẽ được phân phối cho cán bộ công nhân viên và nhà đầu tư khác. Kế hoạch phát hành trái phiếu đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng Tư thông qua.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên LPB vào cuối tháng Ba cũng đã chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, thông qua phát hành 38,76 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2016 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%; đồng thời chào bán ra công chúng, cán bộ nhân viên hoặc nhà đầu tư, đối tượng khác khoảng 65,24 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, lãnh đạo LPB cho biết kế hoạch tăng vốn trên đã được NHNN chấp thuận, tuy nhiên vẫn còn phải chờ ý kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, nguồn lực nội tại của LPB sẽ tăng lên đáng kể. Ngân hàng cũng dự kiến hoàn tất các thủ tục cuối cùng và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 9/2017.
Về phần “người cũ” Dương Công Minh, kể từ khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vào ngày 1/7, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đã có những giải pháp quyết liệt để vực dậy nhà băng tư nhân hàng đầu một thời. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Sacombank nhanh chóng được thanh lọc, trong đó đáng chú ý là sự ra đi của nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang (vừa bị khởi tố cùng Trầm Bê). Ông Dương Công Minh cũng gây “sốc” khi quyết định thưởng nóng một tháng lương và nâng cao chính sách lương thưởng, phúc lợi cho hơn 17.000 nhân viên của Sacombank kể từ tháng 7/2017. Cựu Chủ tịch LPB bên cạnh đó còn gây chú ý khi thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) của ông Trầm Bê, thu về hơn 336 tỷ đồng. Sacombank cũng bắt đầu ghi nhận những kết quả tích cực, với lãi trước thuế hợp nhất trong tháng Bảy đạt 175 tỷ đồng, luỹ kế 7 tháng là 754 tỷ đồng. Đến 31/7/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 354.807 tỷ đồng, tăng 7,8% so đầu năm. Huy động vốn tăng 9% lên 315.474 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ở mức 214.879 tỷ đồng, tăng 11,3%. Trong 7 tháng đầu năm, Sacombank xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu; dự phòng rủi ro đã trích lập là 5.044 tỷ đồng.