(ĐSPL) – Những trường hợp nguy kịch vì ăn các loại tiết canh gần đây đã khiến dư luận vô cùng hoang mang về độ an toàn của món ăn này.
[mecloud]nUGUZtzS4D[/mecloud]
Tiết canh nguy hiểm đến mức nào?
Mới đây, báo Dân trí đưa tin về bệnh nhân nam tên Nguyễn Tuấn H. (36 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) nhập viện cấp cứu vào đêm ngày 3/6 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng, trên da xuất hiện nhiều mảng xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng. Trước đó, anh được người nhà đưa vào Bệnh viện huyện Mỹ Đức, chẩn đoán sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn.
Các bác sĩ đã cho bệnh nhân H. lọc máu, thở máy và dùng các biện pháp hồi sức tích cực nhưng tiên lượng vẫn nguy kịch. Được biết, anh H. làm nghề bán thịt lợn, nghiện rượu và thường xuyên ăn tiết canh.
Bệnh nhân đang nguy kịch do ăn tiết canh lợn tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương. Ảnh: Dân Việt. |
Một trường hợp khác được báo Dân Việt đưa tin, bệnh nhân Vũ Mạnh Q. (Lĩnh Nam, Hà Nội) ăn tiết canh và nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rất nặng.
Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, ông và gia đình có ăn tiết canh lợn. Ngay sau đó, ông Q. có biểu hiện sốt, nổi những vết tím ở chân, hôn mê sâu. Chiều 12/6, các bác sĩ ở đây cho biết, nhiều khả năng ông Q. sẽ bị trả về vì vô phương cứu chữa.
Các chuyên gia cho biết, thói quen mổ lợn và làm tiết canh của người dân tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn… Không những thế, trong quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu khiến gây ra những nguy hiểm rất lớn đối với sức khỏe của người dân.
Các loại tiết canh đều không nên ăn
Hiện nay, trên thị trường, nhất là tại các quán ăn, có bán các loại tiết canh không được đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc kiểm định, vì thế rất nguy hiểm cho người dùng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho số người mắc liên cầu lợn ngày càng gia tăng.
Không nên ăn các loại tiết canh. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn thường được ghi nhận rải rác tại tất cả các tháng trong năm.
Các chuyên gia cũng cho biết, việc ăn tiết canh vịt hay các loại tiết canh khác tuy không gây nhiễm liên cầu lợn nhưng vẫn có nguy cơ mắc nếu tại các hàng quán có bán tiết canh lợn được vệ sinh không sạch sẽ.
“Ăn tiết canh vịt không mắc bệnh liên cầu lợn, nhưng đó chỉ là về lý thuyết. Tuy nhiên, có thể nhà hàng pha tiết canh lợn hoặc lây từ tay người chế biến. Tốt nhất mọi người không nên ăn tiết canh vịt nói riêng và tất cả các loại tiết canh khác nói chung”, BS Đoàn Duy Thành - khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết.
Lưu ý: Người mắc liên cầu lợn thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn. Để phòng chống bệnh này, BS Đới Ngọc Anh (BV Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ: “Mọi người nên phòng tránh các nguồn lây trực tiếp từ máu và thịt lợn chưa chín. Bởi tỷ lệ chữa khỏi bệnh liên cầu lợn cho các bệnh nhân chỉ khoảng 30-50\%, tuỳ theo sự đáp ứng của bệnh nhân”. |
MẠC NHIÊN(Tổng hợp)