+Aa-
    Zalo

    Lịch sử thành môn tự chọn: Cần giải pháp để không có chuyện không thi sẽ không học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người không khỏi băn khoăn khi học sinh vốn ngại học Lịch sử nay thành môn tự chọn từ lớp 10, các học sinh sẽ “quay lưng” với môn học này.

    Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm. Môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn này với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Việc môn lịch sử xuất hiện trong nhóm tự chọn khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại vì nhiều học sinh vốn không mấy "mặn mà" với môn học này

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, cô Đỗ Vân – một giáo viên dạy môn Lịch sử tại TP.Hải Phòng cho biết, bản thân cô không khỏi băn khoăn khi học sinh vốn ngại học Lịch sử nay thành môn tự chọn từ lớp 10, các học sinh sẽ “quay lưng” với môn học này.

    Cô Vân cũng phân tích, theo số liệu thống kế, vào năm 2021, cả nước có 637,005 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331,429, chiếm tỷ lệ 52.03%. Rõ ràng, nhìn số liệu, chúng ta có thể nhìn rõ thực trạng hiện nay của học sinh đối với môn Sử. Vậy liệu khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn, học sinh còn hứng thú?

    hoc sinh co quay lung voi lich su khi lua chon la mon tu chon
    Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại môn Lịch sử sẽ không được hiều học sinh lựa chọn trong chương trình học. (Ảnh minh họa).

    “Trong suốt quá trình dạy học, tôi luôn tìm hiểu thay đổi phương pháp dạy nhằm kích thích các em hứng thú, thể hiện thái độ tích cự khi học môn Lịch sử. Điều tôi lo lắng, nếu đưa Lịch sử thành môn tự chọn, sẽ có thể càng ngày sẽ càng ít học sinh lựa chọn, thậm chí loại môn học này ra khỏi chương trình giáo dục của bản thân. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như giới trẻ hiện tại và tương lai không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại những hiểu biết ngây ngô, lơ mơ, đại khái, thậm chí với những nhận thức méo mó, lệch lạc?”, cô Vân chia sẻ.

    Cũng theo cô Vân, Lịch sử không hề là môn học thuộc, cũng không phải là môn học thụ động, một chiều tẻ nhạt. Đó là những bài học giá trị, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Ở bất kì bài giảng nào, giáo viên đều gợi lên sự phát huy trí tuệ, niềm đam mê trí thức, sự liên tưởng khoa học đang tiềm tàm ở mỗi học sinh.

    “Một bài giảng lịch sử là cả sự tái hiện của quá khứ cùng với đó cũng là những suy ngẫm, phán xét, đánh giá lại quá khứ ở người học. Người ta nói quá khứ cắt nghĩa hiện tại, hiện tại cắt nghĩa tương lai, bởi quá khứ luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho hiện tại. Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ rất ít học sinh quan tâm đến môn học này, thì hệ quả sẽ khôn lường đến nhường nào!”, cô Vân nhấn mạnh.

    Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ cho rằng, nếu để thay đổi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi đã ban hành là rất khó. Môn Lịch sử có thể không nằm trong danh sách những môn học sinh bắt buộc phải học, nhưng cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học ra sao để học sinh dù không lựa chọn học hay xét tuyển đại học bằng môn này vẫn học Lịch sử, không có chuyện không thi sẽ không học.

    Bày tỏ quan điểm cá nhân, một phụ huynh có con đang là học sinh lớp 9 tại Hà Nội cho rằng, việc đưa Lịch sử trở thành môn học tự chọn là một vấn đề mới, mang tính bước ngoặt và cần được xem xét kỹ lưỡng.

    “Dưới góc độ là phụ huynh, tôi khẳng định bản thân sẽ luôn tôn trọng quyết định của con mình. Theo quan sát của bản thân, tôi thấy rằng đã từ lâu tồn tại một tâm lý coi nhẹ môn Lịch sử. Điều này là rất đáng lo ngại bởi lịch sử là một mảng kiến thức không thể thiếu đối với bất cứ công dân nào”, phụ huynh này cho biết.

    Với quy định mới từ bộ Giáo dục, phụ huynh này lo ngại khả năng xảy ra trường hợp có rất ít học sinh “lựa chọn” học môn Lịch sử.

    “Thay vì biến Lịch sử trở thành một môn học tự chọn, tôi cho rằng chúng ta nên chủ động thay đổi cách học, cách tiếp cận sao cho môn học này hấp dẫn hơn trong mắt học sinh. Trong thời đại Internet tràn ngập những kiến thức xuyên tạc, lệch lạc về lịch sử, học sinh vẫn cần có những giờ học trên lớp để định hướng, giúp các em có một nền kiến thức chuẩn về lịch sử”, phụ huynh này khẳng định.

    Trao đổi với PV, em Mai Anh Thư, học sinh lớp 9A8, trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội) khẳng định bản thân sẽ vẫn chọn môn Lịch sử vào năm học lớp 10.

    “Theo em lịch sử môn học vô cùng quan trọng, chứa đựng giá trị văn hoá to lớn, bồi đắp tình cảm, lòng biết ơn của thế hệ ngày nay với cha ông đi trước, những lưu giữ của lịch sử nên được truyền tải đầy đủ tới học sinh chúng em theo cách phù hợp nhất”, Anh Thư nói.

    Về quan điểm cá nhân, Thư cho rằng Lịch sử nên là môn học bắt buộc. Nữ sinh này cũng nêu thực trạng hiện có nhiều bạn bè học lịch sử theo kiểu “cho có”, đậm tính hình thức, thụ động nghe và học thuộc.

    Tuy nhiên, vẫn có những luồng quan điểm ủng hộ việc đưa Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Một nam sinh đang theo học lớp 9 tại trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng kiến thức Lịch sử từ cấp 2 đã đủ cung cấp nền tảng cho học sinh, vì vậy khi vào cấp 3, học sinh hoàn toàn có thể tuỳ chọn học Lịch sử dựa theo định hướng và sở thích của bản thân.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lich-su-thanh-mon-tu-chon-can-giai-phap-de-khong-co-chuyen-khong-thi-se-khong-hoc-a535214.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan