(ĐSPL) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vừa trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dự thảo phương án lấy bảng điểm THPT để xét tuyển vào đại học từ năm 2015.
Theo dự thảo này, từ năm 2015, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được dùng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Mục tiêu của kì thi này là xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông của người học trong và ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, kể cả tự học.
Cũng bắt đầu từ năm 2015, không tổ chức liên tiếp hai kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học gây tốn kém cho học sinh.
|
Các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều thay đổi. (Ảnh: Huyền Nguyễn)
|
Kỳ thi này khác kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hiện tại ở chỗ, đối tượng là học sinh đã học hết bậc phổ thông, có thể bao gồm những người tự học hoặc không học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp. Trước mắt sẽ tổ chức kì thi này định kì 2 lần/năm, tương ứng với các thời điểm đầu hai học kỳ của trường đại học. Thí sinh được kết quả thấp ở kì thi đầu tiên có thể đăng ký thi lại ở kỳ thi sau để nâng kết quả.
Đề thi được thiết kế theo phương pháp trắc nghiệm khách quan kết hợp một số câu hỏi tự luận ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung. Việc phát triển ngân hàng câu hỏi, thiết kế đề thi, xây dựng các đề thi tương đương được triển phải theo theo lý thuyết và công nghệ đo lường hiện đại.
Cấu trúc môn thi bao gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức). Hai bài thi tích hợp bao gồm Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhân văn và Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Sử, Địa, Chính trị). Thí sinh buộc phải thi ba môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và được chọn 1 trong 2 môn tích hợp. Mỗi năm có thể tổ chức nhiều lần để giảm bớt sự tập trung căng thẳng và tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh.
Việc đạt điểm trung bình của 4 (hoặc 5) môn/bài thi là cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp THPT. Bảng điểm của 4 (hoặc 5) môn thi cho từng thí sinh là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ dự tuyển.
Đối với một số trường đại học có yêu cầu đặc biệt hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng đầu vào, có thể xem đây là điểm sơ tuyển. Trên cơ sở số thí sinh đã được sơ tuyển, các trường này có thể tổ chức thêm các kỳ thi về năng khiếu, các kỳ thi nâng cao hoặc/và phỏng vấn để chung tuyển. Các trường phải công khai cách xét tuyển trước để xã hội có thể đánh giá về chất lượng đầu vào của các trường và giám sát việc thực hiện.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lay-bang-diem-thpt-de-xet-tuyen-vao-dai-hoc-a30560.html