+Aa-
    Zalo

    Lấp lỗ hổng “chết người” không xác định thời hạn trong chứng chỉ hành nghề y

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quy định cấp chứng chỉ hành nghề y đang có những bất cập khi Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nêu có trường hợp bác sĩ cho thuê chứng chỉ hành nghề của mình.

    Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề y không có thời hạn xác định. Tuy nhiên, quy định cấp chứng chỉ hành nghề y đang có những bất cập khi Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nêu có trường hợp bác sĩ cho thuê chứng chỉ hành nghề của mình, bác sĩ ra nước ngoài vẫn cho “mượn” chứng chỉ hành nghề. Làm sao để lấp lỗ hổng này?

    Ths.Bs Cao Ngọc Duy bày tỏ quan điểm của mình.

    Bác sĩ nằm liệt giường vẫn ghi danh hoạt động khám chữa bệnh

    Tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nêu thực tế: Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định nên đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện hành nghề đã cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề của mình. “Qua kiểm tra của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam. Hay có trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám chữa bệnh, thậm chí nằm liệt giường nhưng vẫn có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám chữa bệnh”.

    Từ thực tế được chỉ ra, không ít ý kiến cho rằng luật Khám bệnh, chữa bệnh khi sửa đổi cần cấp chứng chỉ hành nghề y theo hướng xác định có thời hạn, chứ không phải là không xác định thời hạn như hiện nay.

    Ths.Bs. Cao Ngọc Duy Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khi tham gia hành nghề khám chữa bệnh phải luôn được học hỏi, cập nhật kiến thức tại cơ quan, trung tâm y tế phường, quận... Hàng tháng, các cơ sở kinh doanh hành nghề khám chữa bệnh, các bác sĩ đứng tên phải họp, phải cập nhật kiến thức, đào tạo liên tục.

    “Vì thế, theo tôi, không cần thời hạn xác định chứng chỉ hành nghề y, mà việc quản lý những bác sĩ có chứng chỉ thì tốt hơn. Những bác sĩ đang công tác tại bệnh viện dễ quản lý, còn những bác sĩ đã về hưu hay không công tác tại bệnh viện thì nên quản lý chặt hơn”, Ths.Bs. Cao Ngọc Duy nêu quan điểm.
    Ngược lại, trao đổi với PV, một bác sĩ hoạt động lâu năm trong nghề, đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội (xin giấu tên) bày tỏ quan điểm: “Theo quy định của bộ Y tế, khi một bác sĩ ra trường, muốn hành nghề được khám chữa bệnh và kê đơn thuốc hay làm các thủ thuật cho bệnh nhân là phải có chứng chỉ hành nghề. Khi đã có chứng chỉ hành nghề thì bác sĩ phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm trên cơ thể bệnh nhân.

    Trên thực tế, nếu như đã có chứng chỉ thì bác sĩ được phép hành nghề. Nhưng, sẽ xảy ra vấn đề bất cập thứ nhất vì bác sĩ cũng là một nghề, nên có hiện tượng cho thuê chứng chỉ hành nghề. Ví dụ bác sĩ A chuyên về X-quang, cho phòng khám nào đó thuê chứng chỉ X-quang của bác sĩ A, còn người khác sẽ khám.

    Bất cập nữa, khi bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề về đúng với chuyên môn nhưng sau vì một lý do nào đó chuyển sang chuyên môn khác, nếu không cấp lại chứng chỉ thì bác sĩ đang làm không phù hợp với chứng chỉ chuyên môn đã cấp trước đó.
    Bên cạnh đó, kiến thức ngành y thay đổi liên tục, theo thời gian, cấp chứng chỉ hành nghề bây giờ, nhưng sau này không cập nhật thì kiến thức sẽ cũ, không giúp ích nhiều. Nên bây giờ thi chứng chỉ mới theo bộ Y tế đang đề nghị là thi chứng chỉ quốc gia tập trung, bộ Y tế ra đề, cả nước thi và bộ cấp bằng, sau vài năm thi lại có nghĩa là sát hạch thường xuyên”.

    Từ những phân tích trên, vị bác sĩ này đồng tình việc cần cấp chứng chỉ hành nghề y theo diện có xác định thời hạn: “Cấp chứng chỉ hành nghề có xác định thời hạn hay hơn, đảm bảo muốn có chứng chỉ hành nghề bác sĩ phải bổ sung kiến thức thường xuyên, phải thi, sát hạch kiến thức. Có nghĩa trình độ của bác sĩ luôn luôn đổi mới. Nhưng có thể xem xét 5 năm tổ chức thi lại, sát hạch lại một lần”.

    Ngăn chặn việc sử dụng “không chính chủ”?

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về việc cấp chứng chỉ hành nghề y, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết: “Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh hiện nay quy định là phải có văn bằng chuyên môn, có giấy xác nhận quá trình thực hành 18 tháng tại bệnh viện đối với bác sĩ, 12 tháng đối với y sĩ và 9 tháng đối với kỹ thuật viên, điều dưỡng viên... Và chứng chỉ hành nghề này được cấp suốt đời”.

    Trong đó, ông Quang cho rằng, việc thực hành của các bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên hiện nay vẫn còn mang tính hình thức. Chưa kể, chất lượng đào tạo ra một con người hành nghề y tại mỗi trường đại học là khác nhau. Như vậy, việc được cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời sẽ không tạo động lực cho việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục; người hành nghề, công tác trong ngành y có thể sẽ không tự mày mò nâng cao trình độ chuyên môn của chính bản thân mình.

    Dưới góc nhìn nhận, đánh giá của một người công tác trong ngành Y, ông Quang thấy rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh. Từ đó, Việt Nam cần thiết phải hội nhập, đồng bộ cùng các nước trên thế giới, trong đó cần thiết nên cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh có thời hạn.

    Cùng chia sẻ về vấn đề này, dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh). LS. Bình cho rằng để một người được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, người đó đã phải trải qua một quá trình dài học tập, thực hành, thi cử. Đến khi đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ. Một vấn đề then chốt và quan trọng của những người công tác trong lĩnh vực y khoa chính là lương tâm, đạo đức và ý thức trách nhiệm với nghề. Do vậy, luật sư Bình cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề y có thời hạn hay hành nghề suốt đời cũng không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng khám chữa bệnh.

    Việc xảy ra sự cố trong y khoa hay như việc cho mượn, cho thuê chứng chỉ hành nghề, theo luật sư Bình việc này thuộc về trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có Luật hình sự để điều chỉnh trách nhiệm của các y bác sĩ. “Không thể lấy một hai hiện tượng tiêu cực để đánh đồng với cả giới y bác sĩ, vì bản thân họ luôn cố gắng làm tốt trọng trách cứu người được Nhà nước và xã hội giao phó”, luật sư Bình nóin

    Hoàng Bích - Tư Viễn

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 32

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lap-lo-hong-chet-nguoi-khong-xac-dinh-thoi-han-trong-chung-chi-hanh-nghe-y-a288061.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan