“Đứng trước sinh mạng người bệnh, không có bác sỹ nào thờ ơ, vô cảm hoặc có tư tưởng “làm tiền” cả. Đứng trước mất mát, không thầy thuốc nào thanh thản được vì sứ mệnh nghề nghiệp đặt lên vai họ là cứu người chứ không phải là giết người, TS – BS Phạm Thị Việt Hương chia sẻ.
Biến cố y khoa: Bệnh nhân tử vong, bác sỹ đau lòng
Biến cố y khoa là một trong những sự cố đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của chính những bác sỹ tận tâm với nghề. Nói về những biến cố không mong muốn xảy ra, TS – BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, Bệnh viện K chia sẻ: “Bản thân tôi đã nhiều lần lang thang vô định nghĩ về chuyện bệnh nhân của mình đang diễn biến nặng như vậy có lỗi gì của mình trong đó không.
Đã có những thầy thuốc giỏi chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm có ý định bỏ nghề chỉ vì những biến cố y khoa mà họ là người tham gia vào quá trình điều trị chứ không phải là do sai sót chuyên môn của họ gây ra”.
Vì vậy, khi biến cố y khoa xảy ra, xin đừng kết tội bác sỹ là “chắc vì không cho nó tiền nên nó không tận tình cứu chữa”, xin đừng dùng những ngôn từ nghiệt ngã của những người không hiểu gì về y học để gây ra những cơn bão mạng, thiếu khách quan và thiếu tính xây dựng làm đau lòng bác sỹ - những người không thể dừng việc cứu người hàng ngày, hàng giờ”, BS Hương đau đáu.
|
Ca biến cố y khoa tại BV Việt Đức: Chị Tú, bệnh nhân mổ u ruột non không may đã ra đi.
|
Câu chuyện về biến cố y khoa khó có thể tránh khỏi. Mới đây thôi, ngày 30/2/2017 một bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Tú (Thạch Thất, Hà Nội) qua đời sau khi mổ u ruột non.
Xót thương vợ, anh Vũ Ngọc Đức đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ Y tế và các cơ quan báo chí muốn được biết rõ nguyên nhân tại sao vợ anh mất sau 2 lần phẫu thuật tại BV Việt Đức.
Theo chia sẻ của BS Hương, đứng trước một biến cố y khoa, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và dư luận nói chung thường nghĩ ngay đến do lỗi của các thầy thuốc.
Bao nhiêu câu chuyện đau lòng xảy ra xung quanh các biến cố y khoa. Mặc dầu vậy, biến cố y khoa vẫn luôn là một đề tài nhạy cảm mà ít người, từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, có thể thẳng thắn đối mặt với nó.
Biến cố y khoa khi đã xảy ra, không phải chỉ có người bệnh chịu thiệt thòi, nó luôn là “vết thương” không bao giờ mất trong lòng thầy thuốc, thậm chí ngay cả khi tất cả mọi người xung quanh đã quên, thì thầy thuốc đó vẫn sẽ còn sống mãi với “vết thương lòng”.
Có nhiều dạng biến chứng y khoa: biến cố do cơ địa, biến cố do khả năng của khoa học, do hạn chế về tay nghề, về kĩ năng của người thầy thuốc, hạn chế của cơ sở y tế, hạn chế của y học nước nhà, hoặc do sai sót y khoa, biến cố do sự không tuân thủ điều trị của chính bệnh nhân.
Các biến cố do cơ địa bệnh nhân thường thấy là phản ứng thuốc, sốc phản vệ… Những biến cố loại này không bắt nguồn từ sai sót chuyên môn y khoa nhưng lại hay được đổ lỗi cho nhân viên y tế.
|
TS – BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, Bệnh viện K và bệnh nhi
|
“Tôi là bác sỹ điều ung thư nên càng thấy biến cố y khoa nhiều hơn vì hầu hết bệnh nhân ung thư có sức khỏe chung yếu mà các phương pháp điều trị ung thư lại tiềm tàng nhiều độc tính. Từ chối điều trị người bệnh thì bác sỹ không gặp biến chứng y khoa nào, nhưng từ chối điều trị người bệnh đồng nghĩa với không còn là bác sỹ nữa.
Vậy thì mọi người sẽ nghĩ: Thận trọng tránh được tai biến. Sự thật có nhiều tai biến y khoa xảy ra không liên quan đến việc trước đó thầy thuốc đã thận trọng.
Một trong các biến cố rất đáng sợ do việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân là việc kháng thuốc. Đối với một số loại kháng sinh, việc không tuân thủ điều trị tạo ra một dòng vi khuẩn kháng thuốc, mang lại sự nguy hiểm cho bản thân người bệnh và cho cả cộng đồng. Đây là loại biến cố y khoa có tác hại rất lớn nhưng lại ít thấy dư luận phản ứng, cũng chẳng ai bắt bệnh nhân bồi thường vì không tuân thủ điều trị”, BS Hương phân tích.
Một nguyên nhân nữa gây ra biến cố y khoa chính là bệnh nhân. Hiện không có một chế tài nào cho những bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị của thầy thuốc. Việc không tuân thủ yêu cầu của thầy thuốc lại rất phổ biến ở bệnh nhân Việt Nam. Nhiều người bệnh, mặc dù bác sỹ căn dặn rõ không được tự ý dùng thuốc nếu không được sự đồng ý của bác sỹ, không tự ý điều trị bằng một phương pháp khác với phương pháp đang điều trị mà không cho bác sỹ biết…
“Hàng ngày, tôi vẫn thấy bệnh nhân tự ý mua thuốc không theo đơn, đến điều trị “thêm” ở một cơ sở nào đó một cách bí mật, thậm chí là Lang vườn, hoặc Thầy cúng. Đến khi tai biến xảy ra, bác sỹ điều trị bất ngờ và khó có thể chủ động cấp cứu bệnh nhân được”, BS Hương nói.
Những biến cố do hạn chế y học của phương pháp điều trị như hủy hoại các tế bào lành do xạ trị, hóa trị trong ung thư… cũng làm cho nhiều bác sĩ dở khóc dở mếu khi bị bệnh nhân và thân nhân cho rằng do bác sĩ tắc trách. Ví dụ, hầu hết các hóa chất điều trị ung thư đều dẫn tới ức chế tủy xương là hạ bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu.
Biến cố này có thể chắc chắn xảy ra ở một số phác đồ điều trị mà không thể tránh khỏi. Nhiều bệnh nhân ở nhà, không kịp thời đến bệnh viện ngay theo lời dặn của bác sỹ, hậu quả là đến quá muộn, biến chứng nặng, tử vong.
Biến chứng do sai sót chuyên môn y khoa là biến cố dễ đưa các thầy thuốc vào trạng thái u uất nhất. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng cần phải phân biệt biến cố do lỗi cẩu thả, do sự không tuân thủ qui trình khám chữa bệnh của nhân viên y tế hay biến chứng do sự hạn chế về mặt kĩ năng của người thầy thuốc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, biến cố do sự cẩu thả của thầy thuốc không nhiều vì thầy thuốc làm việc theo một ê kíp, có hội chẩn, có sự trợ giúp và giám sát của đồng nghiệp. Trên thực tế, ngay cả khi đã hết sức cẩn thận, qui trình rất chuẩn nhưng vẫn có thể xảy ra những biến cố do sự hạn chế về tay nghề, hạn chế về kĩ năng của người thầy thuốc.
Từ kinh nghiệm, để tránh được các căng thẳng của người bệnh và dư luận khi biến cố y khoa xảy ra, các thầy thuốc cần giải thích thật rõ cho người bệnh những vấn đề có thể xảy ra trước khi áp dụng một biện pháp khám chữa bệnh nào đó. Người bệnh cần hiểu cơ hội hết bệnh cũng như nguy cơ của tai biến, cần hiểu những tai biến nào tất yếu xảy ra, những tai biến nào có thể xảy ra, mức độ, tính thường gặp của tai biến.
Đừng dùng phong bì “mua” an tâm
Một sai lầm rất lớn là người bệnh hay nghĩ đã nhờ vả, đã “phong bì” cho bác sỹ thì bác sỹ không thể để xảy ra tai biến. Vì nghĩ vậy nên một khi biến cố xảy ra, thân nhân người bệnh dễ có tâm lý phủ nhận sạch trơn những điều tốt đẹp mà mình đã thấy từ bác sỹ trước đó, dẫn tới phẫn nộ, kiến nghị, kiện cáo tùm lum.
|
Nhiều bệnh nhân và người nhà thấy 'bất an' nên đưa phong bì. Những bác sỹ tận tâm cho rằng, họ làm việc không phải vì phong bì mà làm sao để cứu được bệnh nhân qua cơn nạn.
|
Như bác sỹ Hương chia sẻ, đa số các biến cố y khoa không phụ thuộc vào sự tốt xấu của thầy thuốc mà phụ thuộc vào các yếu tố ngoài khả năng của người thầy thuốc.
Một điều quan trọng nữa mà cả xã hội cũng như từng người dân, kể ả các thầy thuốc phải ý thức được, biến cố y khoa luôn gắn liền với mọi hoạt động y khoa. Chúng ta cần hiểu rằng khi chấp nhận một phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị, bên cạnh khả năng nhận được những mối lợi (chẩn đoán ra bệnh, điều trị khỏi bệnh) luôn tiềm ẩn nguy cơ nhận được điều ngược lại - những biến cố y khoa mà không ai mong muốn.
Bất cứ một phương pháp chẩn đoán hay điều trị nào cũng có tính hai mặt của nó. Không bao giờ có một phương pháp chẩn đoán hay điều trị an toàn tuyệt đối cả. Người bệnh cần hiểu điều này. Khi còn phân vân, hãy hỏi thẳng bác sỹ, nếu cần có thể trao đổi đến cùng. Bài học xương máu của tôi cho thấy với những người bệnh có vẻ “khó chịu”, trao đổi kĩ lưỡng về tai biến trước khi thực hiện, khi xảy ra tai biến họ bình tĩnh hơn, dễ chấp nhận các cách khắc phục hậu quả tai biến hơn những người trước đó xuề xòa và đặt hết niềm tin vào thầy thuốc.
Dù không thể phủ nhận, vai trò của mạng xã hội, báo chí – truyền thông như một công cụ giám sát đắc lực cho nhiều hoạt động xã hội, trong đó có y tế. Nhưng nếu, thông tin bị “thổi phồng”, biến cố y khoa trở nên nặng nề, thậm chí gây đau đớn.
Theo BS Hương, thái độ của truyền thông góp phần không nhỏ vào thái độ chung của xã hội, của người dân đối với biến cố y khoa và với các thầy thuốc.
Loại trừ một số nhà báo vì những lí do nào đó cố tình viết sai sự thật, một số nhà báo khác bị các thành kiến xã hội chi phối hoặc tiếp cận thông tin từ một phía, dẫn đến thiếu khách quan khi đưa tin.
Trong nhiều sự việc, có một số nhà báo không cố tình viết sai sự thật, nhưng vì tiếp nhận thông tin từ một nhóm định kiến, và cũng chỉ tiếp nhận thông tin từ đó, bản thân nhà báo lại không học về y nên đã có những nhận định sai.
“Để khách quan, khi có biến cố y khoa, nhà báo chỉ nên đưa tin kiểu thông tấn, chứ không nên giật tít để “quy tội” bác sỹ.
Thông thường, khi có biến cố y khoa, bệnh viện phải lập hội đồng chuyên môn để đưa ra những kết luận chính xác nhất. Lúc đó, nhà báo hãy dùng kết luận này cho bài viết của mình.
Giới truyền thông cần có một cái nhìn khách quan. Người viết có thể thương cảm, đau xót cho những người bệnh chịu biến cố y khoa thì nhà báo cũng cần phải hiểu cho những gì người thầy thuốc phải chịu đựng khi xảy ra biến cố y khoa đó”, vị bác sỹ này chia sẻ.
Nguyễn Tâm
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-toi-chon-cuu-nguoi-chu-khong-ai-chon-nghe-y-de-nhan-phong-bi-a186344.html