(ĐSPL) - Một nông dân tại huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng đã phải chịu tù oan vì... gặt lúa trên chính mảnh ruộng của mình. Sau gần 17 năm đằng đẵng đòi công lý, lão nông ấy đã được TAND TP.Hải Phòng công khai xin lỗi.
Thế nhưng, ít người biết rằng, chính nhờ phát hiện tình cờ của một thẩm tra viên TAND Tối cao đã mở ra tia hy vọng tìm lại công lý cho lão nông này.Hy vọng chợt đến từ một phát hiện tình cờ
Theo lời kể của TS. Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, khi còn công tác ở toà Hình sự (TAND Tối cao), trong một buổi làm việc, một thẩm tra viên tình cờ trao đổi với ông về bản án phúc thẩm tại Hải Phòng, mà ở đó HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 2 tháng 10 ngày tù giam. Rõ ràng, bản án trên đã không đúng quy định của pháp luật, bởi Bộ luật Hình sự quy định, mức án tối thiểu phải là 3 tháng. Nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ bản án ngược đời trên, ông yêu cầu thẩm tra viên trình toàn bộ hồ sơ vụ án để xem xét.
TS. Từ Văn Nhũ kể lại lần "minh oan" cho lão nông Nguyễn Hồng Cầu. Ảnh A.Đ. |
Từ phát hiện trên, những góc khuất trong vụ án ông Nguyễn Hồng Cầu (SN 1964, trú tại thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng) dần được đưa ra ánh sáng. "Sau khi xem bản án, tôi cảm thấy trong vụ án có những vấn đề còn quan trọng hơn cả việc áp dụng hình phạt không đúng pháp luật. Nhận thấy cần phải xem xét lại vụ án, tôi yêu cầu phải lấy hồ sơ vụ án để làm giám đốc thẩm. Từ việc xem xét hồ sơ, tôi phát hiện ra những tình tiết bất ngờ mà từ đó có thể giúp tìm lại công lý cho ông Cầu", TS. Từ Văn Nhũ kể.
Đại diện TAND TP.Hải Phòng bắt tay xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu vì bị tuyên án tù oan. |
Theo hồ sơ, ông Cầu bị tòa sơ thẩm TAND huyện Tiên Lãng tuyên phạt 3 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Đến phiên phúc thẩm mở một tháng sau đó, TAND TP.Hải Phòng chấp nhận đơn kháng cáo giảm hình phạt tù xuống còn 2 tháng 10 ngày. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đều thống nhất lập luận: ông Cầu đã cắt trộm lúa của gia đình anh Tuân, cấy trên ruộng của hợp tác xã giao khoán.
Ông Nhũ kể: "Nghe thẩm tra viên nhắc lại luận điểm này, tôi nêu vấn đề: ông Cầu cắt trộm lúa trong điều kiện, hoàn cảnh nào? Lúa trên ruộng của hợp tác xã giao khoán là của ai?". Các câu hỏi trên đã phần nào gợi mở nghi vấn xung quanh vụ án.
Lật giở lại hồ sơ, được biết, gia đình ông Cầu là xã viên hợp tác xã nông nghiệp, nhận khoán của hợp tác xã 8,1 sào ruộng từ năm 1994, hàng năm phải trả sản lượng cho hợp tác xã. Năm 1996, ông Cầu còn nợ sản lượng 97kg thóc và đề nghị hợp tác xã xem xét, tính giảm sản lượng cho gia đình ông. Đề nghị của lão nông này xuất phát từ các lý do khách quan như hệ thống thủy lợi kém hiệu quả, làm ruộng lúa của ông bị ngập lâu ngày, nhiều khóm lúa bị lụi, chết. Không những thế, nhiều đầm cá xung quanh bị vỡ, cá tràn lên phá lúa, nhiều đàn vịt thả rông cũng gây thiệt hại và làm giảm năng suất lúa. Trong khi đề nghị của ông Cầu còn chưa được xem xét, ngày 15/1/1997, UBND xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng) quyết định rút 3 sào ruộng khoán của ông Cầu để giao cho anh Phạm Minh Tuân (người cùng xã) cấy đấu thầu và nộp sản lượng cho UBND xã. "Điểm bất thường chính là ở chỗ ông Cầu đã cày, bừa và bón lót phân chuồng trên diện tích này. Trong khi anh Tuân chỉ bừa lại một lượt rồi cấy lúa và làm cỏ.
Thế nên, đến mùa lúa chín, ông Cầu cho vợ con cắt lúa, đem về sân nhà mình", TS. Nhũ kể lại.
Khi anh Tuân cấy lúa, ông Cầu nói với anh Tuân phải trả tiền công đã cày bừa ruộng nhưng anh Tuân không thanh toán. ông Cầu nói nếu không trả tiền thì sẽ gặt lúa. Đến mùa gặt, gia đình ông Cầu ra đồng cắt 3 sào lúa ngay giữa ban ngày. Khi ông Cầu chở lúa về nhà, mọi người trong thôn xóm, cả hợp tác xã đều biết. Thậm chí, chính ông Cầu cũng nói với mọi người là ông sẽ cắt lúa. "Vậy ông Cầu có trộm cắp không? Ruộng lúa chín là kết quả, thành quả lao động của những ai? Chắc chắn có công cày, bừa, bón phân của ông Cầu và có cả phần công sức của anh Phạm Minh Tuân. Không lẽ, ông Cầu lại bị kết tội vì chiếm đoạt thành quả lao động của chính mình và gia đình?", vị nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao đặt câu hỏi.
Công lý đến muộn với lão nông nghèo
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, TS. Từ Văn Nhũ (khi đó là Chánh tòa Hình sự - TAND Tối cao) đã báo cáo tới các cấp có thẩm quyền để kháng nghị giám đốc thẩm bản án. Và, điều mong đợi nhất cuối cùng cũng đã đến. Tại Quyết định ngày 8/10/1998, TAND Tối cao đã tuyên hủy các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật đối với ông Nguyễn Hồng Cầu và tuyên bố ông Cầu không phạm tội như đã truy tố.
Theo phân tích của TS. Từ Văn Nhũ, việc hợp tác xã giao khoán cho gia đình ông Nguyễn Hồng Cầu 8,1 sào ruộng hoàn toàn là giao dịch dân sự. Trong quá trình canh tác do gặp phải những điều kiện khách quan, trong đó có thiên tai khiến năng suất lúa bị giảm sút. Nếu phát sinh tranh chấp thì hai bên cần phải trao đổi, cùng tìm biện pháp giải quyết. Trong trường hợp không tự thỏa thuận được thì phải đưa ra cơ quan pháp luật để nhờ giải quyết. "Nếu hợp tác xã và ông Cầu đều thực hiện đúng nguyên tắc này chắc chắn đã không có vụ án hình sự xảy ra. Một điều đáng tiếc là TAND Hải Phòng lại buộc tội một người chiếm đoạt tài sản của chính bản thân mình", TS. Nhũ nói.
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng, nếu các cơ quan, những người tiến hành tố tụng dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự việc một cách đầy đủ, toàn diện và vô tư... hẳn đã không để xảy ra oan trái cho ông Cầu. Một sự việc tương đối rõ ràng nhưng rất tiếc tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều không phát hiện được, phải chờ đến giám đốc thẩm mới minh oan được cho bị cáo. "Tôi còn nhớ, chỉ một năm là có kết quả giám đốc thẩm, nhưng thật đáng tiếc là gần 17 năm sau, bị cáo mới được xin lỗi công khai", ông Nhũ trăn trở.
Từ thực tế giải quyết những vụ án oan sai, TS. Nhũ khẳng định, dù có bồi thường thế nào đi nữa cũng không thể bù đắp được những mất mát của họ. Người bị oan sai không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn đau đớn về tinh thần, ảnh hưởng đến cả tương lai sau này. Thời gian gần đây dư luận hay nhắc đến trách nhiệm của những người gây ra oan sai. Thế nhưng, có một điều đáng tiếc là khi xác định chính xác oan sai họ đã nghỉ hưu, thậm chí đã qua đời.
Ông Nhũ dẫn chứng vụ oan sai xảy ra đối với ông Nguyễn Hồng Cầu, đại diện tòa đứng ra xin lỗi ông Cầu là vị Phó Chánh án. Thế nhưng, thực chất những "quan tòa" trực tiếp xét xử vụ án của ông Cầu đã nghỉ hết rồi. Bản thân vị Phó Chánh án hồi đó cũng rất trẻ, có thể chỉ làm thư ký nên chắc cũng không nắm được nhiều về vụ án.
Hay như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, HĐXX phúc thẩm có 3 vị thì 2 người đã nghỉ. "Thế nên, tôi cho rằng, cái quan trọng nhất đối với người thẩm phán là sự dũng cảm, dám đấu tranh để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, lẽ phải chứ không phải vì "động cơ" nào khác", ông Nhũ nhấn mạnh.
"Tôi chẳng khác nào đứa trẻ mới được sinh ra!" Sau 17 năm kiên trì đòi công lý, đến ngày 28/3/2014, tại trụ sở UBND xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng), TAND TP.Hải Phòng đã công khai xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu. Theo đó, đại diện tòa đã gửi lời xin lỗi chân thành đến ông Cầu, người thân gia đình ông Cầu và mong ông tha thứ và mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để khôi phục nhân phẩm cho ông Cầu, giúp ông và gia đình ổn định lại cuộc sống. Cũng tại buổi xin lỗi, ông Cầu chia sẻ: "Tôi chẳng khác nào đứa trẻ mới được sinh ra, hôm nay nhờ Đảng, Nhà nước tôi mới dám ngẩng mặt lên nhìn, nhiều năm qua ra đường chỉ cúi mặt xuống đất mà đi". |