(ĐSPL) - Trao đổi với PV về phiên tòa sắp tới xét xử hung thủ thực sự Lý Nguyễn Chung, ông Chấn tỏ ra không quá sốt sắng, cho biết, ông vốn không ác cảm với Chung mà chỉ căm phẫn những cán bộ đã gây oan - đó mới là những người gây nên oan khuất trong cuộc đời ông.
Ông Nguyễn Thanh Chấn: “Tôi chỉ căm phẫn những người đã gây oan sai, họ mới là người gây nên oan khuất trong cuộc đời tôi”. |
“Hung thủ thực sự” sắp hầu tòa
Tin từ TAND tỉnh Bắc Giang, dự kiến vào ngày 29/9 tới đây, cơ quan này sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với Lý Nguyễn Chung - hung thủ trong vụ giết người cướp tài sản xảy ra hơn 10 năm trước tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trước đó, VKSND Tối cao cũng đã hoàn tất cáo trạng của vụ án và tống đạt đến các bên liên quan, truy tố Lý Nguyễn Chung về tội Giết người và Cướp tài sản theo điểm g, khoản 1, Điều 93 BLHS - tức là “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Theo giấy báo xét xử, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử Lý Nguyễn Chung là thẩm phán Ngọc Thị Vui, TAND tỉnh Bắc Giang.
Hung thủ thực sự Lý Nguyễn Chung sẽ phải hầu tòa về 2 tội giết người và cướp tài sản. |
Như tin tức báo Đời Sống và Pháp Luật đã đưa, sau khi VKSND Tối cao công bố cáo trạng của Lý Nguyễn Chung thì ông Nguyễn Thanh Chấn đồng thời cũng được nêu rõ là có nhiều bằng chứng ngoại phạm nhưng đã bị cơ quan điều tra bỏ qua, vẫn kết luận ông có tội dẫn đến oan sai.
Tại bản cáo trạng số 33/VKSTC-V1A vừa ban hành này, VKSND Tối cao đã xác định ông Nguyễn Thanh Chấn không liên quan đến vụ án của chị H., bởi ông đang có mặt ở một địa điểm khác.
Theo đó, chiều 15/8/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) bán hàng tại quán của gia đình ở gần sân bóng thuộc thôn Me, xã Nghĩa Trung. Đến khoảng 19h cùng ngày, bà Chiến bảo ông Chấn đi xin nước về để muối cà pháo. ông Chấn lấy xe đạp buộc hai thùng nhựa đằng sau xe, rồi đạp xe đến nhà chị Hoàng Thị Viễn (SN 1978) ở cùng thôn để xin nước.
Khi đi ngang qua nhà chị Nguyễn Thị H., ông Chấn nhìn vào thấy cửa trước nhà chị H. mở to, trong nhà bật đèn sáng. Chị H. đang bế con ở sân sau. ông Chấn tiếp tục đi theo đường giáp sân bóng rồi rẽ vào nhà chị Viễn xin nước. Sau khi múc nước vào thùng, ông Chấn chào chị Viễn rồi đi thẳng qua sân bóng để về quán và tiếp tục bán hàng cùng với vợ. Thời gian đi xin nước mất khoảng 10 phút. Khoảng cách từ quán ông Chấn đến nhà chị Viễn khoảng 150m.
Sau đó ông Chấn chỉ ở quán bán hàng cùng với vợ. Trong thời gian này, có rất nhiều người đến quán mua hàng, trong đó ông Chấn trực tiếp bán hàng cho bà Phạm Thị Nhâm (SN 1945, ở thôn Me); ông Nguyễn Văn Quyền (SN 1938, thôn Me); ông Nguyễn Văn Thực (SN 1951) đến gọi nhờ điện thoại, ông Chấn là người bấm máy cho ông Thực, bà Chiến bấm máy tính để tính tiền điện thoại.
Bán hàng một lúc, khi thấy quán ít khách, ông Chấn bảo bà Chiến ở lại quán trông hàng còn mình đi xe đạp về nhà. Sau đó đi tắm và ủ men rượu rồi ăn cơm cùng với mẹ và các con. ăn cơm xong, ông Chấn lại đạp xe ra ngoài quán để bán hàng cho đến khi mọi người phát hiện chị H. bị giết.
Theo tài liệu truy tố, căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai của ông Chấn, nhân chứng và kết luận giám định xác định dấu vết đường vân chân dính máu tại hiện trường không phải của ông Nguyễn Thanh Chấn. Có đủ cơ sở khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội Giết người.
Trong quá trình điều tra, ông Chấn khai bị điều tra viên Công an tỉnh Bắc Giang ép cung, dùng nhục hình nên đã buộc phải khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị H.. Hiện vụ việc này đã được cơ quan điều tra VKSND Tối cao giải quyết ở vụ án khác.
Phẫn nộ vì những người đã gây nên oan khuất trong cuộc đời tôi
ở một diễn biến khác, trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật sáng 11/9, ông Chấn cho biết, gia đình ông vừa gửi lá đơn thứ hai lên Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội về các yêu cầu bồi thường. Mẫu đơn lần này không sử dụng mẫu đơn được tòa cung cấp mà do gia đình ông tự biên soạn.
“Mẫu đơn của tòa chỉ là bồi thường thiệt hại đối với cá nhân người bị oan sai mà không tính đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho những người liên quan. Trong khi đó việc ngồi tù oan của ông Chấn đã dẫn đến thiệt hại đối với những liên quan trong cả gia đình. Trong đơn yêu cầu bồi thường lần hai, ông Chấn yêu cầu tòa bồi thường về tổn thất tinh thần, tổn hại về sức khỏe, thu nhập giảm sút... với số tiền khoảng 9,3 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 100 triệu đồng so với lần đề nghị trước”, ông Thân Ngọc Hoạt, người em cọc chèo của ông Chấn cho biết.
Ngoài các khoản được liệt kê rõ ràng, ông Chấn cũng đòi bồi thường thêm 2 tỉ đồng để bù đắp thiệt hại về danh dựồ, nhân phẩm mà ông phải chịu. Đặc biệt, ông Chấn còn yêu cầu được trả lại toàn bộ số tài sản đã bị tịch thu khi ông bị bắt gồm một xe đạp thống nhất cũ, mội đôi thùng nhựa đựng nước, một bộ quần áo cộc...
“Chúng tôi cũng chỉ khẩn mong một chữ tình nhưng họ cứ cứng nhắc như vậy, đòi hỏi phải có giấy tờ, hóa đơn. Nếu liệt kê cho bằng đủ thì cũng phải trả chúng tôi cả cái xe đạp cũ, đôi thùng nước... đã tịch thu nữa”, ông Chấn tủi thân nói.
Nói về phiên tòa sắp tới, ông Chấn cho biết: “Tôi sẽ tham dự nếu nhận được giấy mời của tòa án”. Tuy nhiên, theo ông Chấn, ông không ác cảm với Chung. “Hành vi của Chung chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh. Nhưng thực tế là Chung không phải là hung thủ trong vụ án oan sai mà tôi đang gánh chịu. Người khiến tôi căm phẫn hơn là những điều tra viên, kiểm sát viên trong vụ án này. Họ đã cố tình làm sai, đẩy tôi và gia đình vướng vào vòng lao lý, họ mới là gây nên oan khuất trong cuộc đời tôi”, ông Chấn nói.
Lý Nguyễn Chung sẽ chịu tối đa 12 năm tù? Theo luật sư Hoàng Minh Hiển (luật sư bào chữa cho Lý Nguyễn Chung), do Chung đã thừa nhận hành vi sát hại chị Nguyễn Thị H. nên luật sư sẽ chủ yếu tập trung vào việc tìm chứng cứ, tình tiết để bào chữa cho Chung theo hướng giảm nhẹ tội. “Khi gây án, Chung chưa đủ 16 tuổi nên theo Điều 74 BLHS, bị cáo chỉ phải chịu mức án cao nhất đến 12 năm tù cho hai tội giết người và cướp tài sản”, luật sư Hiển cho biết. Cũng theo lời luật sư Hiển, càng gần đến ngày ra tòa, Chung càng tỏ ra ăn năn trước việc mình đã gây ra cho chị H. và ông Chấn. |