+Aa-
    Zalo

    Làng phong Tam Hiệp hồi sinh trong lòng phố

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những thế hệ thứ 2, thứ 3 của làng phong không còn bị di chứng của căn bệnh này nữa. Họ tự do rời làng học tập, làm việc và kết hôn với những người không mắc bệnh.

    Trải qua hơn 50 năm kể từ ngày những người mắc bệnh phong về làng sinh sống, lớp người tiên phong của làng phải lặng lẽ chịu sự kỳ thị của những người bên ngoài. Nhưng đến nay những thế hệ thứ 2, thứ 3 của làng không còn bị di chứng của căn bệnh này nữa. Họ tự do rời làng học tập, làm việc và kết hôn với những người không mắc bệnh.

    Làng... trong phố

    Làng phong Tam Hiệp được thành lập từ năm 1968. Người già trong làng kể rằng, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, linh mục Lê Trọng Nhung ở nhà dòng Phanxico Thủ Đức khi có việc đi họp ở Biên Hòa đã đi qua một ngôi làng nghèo, nhìn thấy có rất nhiều người tàn phế tay chân, ăn mặc rách rưới đi qua đi lại. Tò mò, cha tìm hiểu những con người ấy mới hay rằng nơi đây có 10 hộ gia đình bệnh nhân phong và 8 gia đình tật nguyền khác tập trung lại thôn Tấn Minh, xã Thanh Giản, TP.Biên Hòa định cư và sinh sống. Thương bà con nghèo bệnh tật, cha Nhung xin phép nhà dòng đứng ra bảo bọc, chở che đời sống cho họ và làng phong Tam Hiệp hình thành. 

    Ông Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng ban đại diện làng phong cho biết, làng phong Tam Hiệp là nơi quy tụ người dân từ nhiều vùng miền. Họ là những người không may mắn khi bị bệnh Phong, căn bệnh không lây truyền nhưng vẫn bị nhiều người kỳ thị. Làng phong Tam Hiệp có hơn 40 hộ dân, hầu như nhà nào cũng có người bị bệnh phong. Người dân ở đây sống bằng đủ thứ nghề, ngoài những người già yếu còn di chứng nặng của bệnh phong, giờ đây, những người trẻ đã hòa nhập với cộng đồng, chẳng còn ai bị kỳ thị. 

    Làng phong Tam Hiệp rồi đây chỉ còn trong ký ức.

    Khu vực làng phong trước đây vốn ít có người sinh sống, nhà cửa còn thưa thớt. Những người bị bệnh phong thấu hiểu nhau nên cùng tập trung về nơi này, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hằng ngày, họ phải đi ăn xin vì không ai mướn họ làm việc. Nhắc đến những người bị bệnh phong, ai cũng xua đuổi. Con cháu của những người bị bệnh thậm chí còn không dám đi lại trên con đường nhỏ dẫn vào làng. Vì họ sợ người ngoài biết họ ở làng phong. Trải qua hơn 50 năm lập làng, dấu tích về làng phong chỉ còn nhìn thấy qua những xẹo tật trên cơ thể người già mà thôi. Thế hệ thứ hai, thứ ba của làng hiện đã triệt tiêu khỏi cơ thể căn bệnh này. 

    Ông Ngô Đình Thương (88 tuổi), một cư dân bị di chứng nặng nề nhất của bệnh phong cho biết: “Lớp người tiên phong của làng như ông gánh chịu sự e dè, kỳ thị của những người ngoài làng. Hàng hóa làm ra chủ yếu tự cung tự cấp chứ không thể bán được, bởi sự dè chừng của người ngoài. Việc giao tiếp với những người không mắc bệnh cũng là cả một vấn đề, nói gì đến việc đem hàng hóa bán, hay ra ngoài lao động, học tập. Thời điểm khó khăn nhất, người dân trong làng phải lặng lẽ đi ra ngoài, đến một nơi thật xa để ăn xin, vì ở gần, người ta biết mình bệnh phong sẽ tránh xa mình”.

    Thế nhưng giờ đây, sự mặc cảm đó không còn nữa, những người sinh ra từ làng phong Tam Hiệp đã sống hòa nhập với cộng đồng. Những đứa trẻ không còn sợ người ngoài biết mình là con của làng phong khi hàng ngày vẫn vô tư đi lại trên con đường duy nhất dẫn vào làng. Đối diện con đường nhỏ đi vào làng còn có một trường học cấp hai khang trang. Những học sinh sau giờ học cũng chẳng ngần ngại khi vào trong làng nghỉ ngơi, ăn uống. Cái cảm giác bị hắt hủi và nỗi sợ giờ đây nhường chỗ cho những niềm tin và nghị lực tuổi trẻ. 

    Những người già cũng chẳng còn phải đi ăn xin khi con cháu khỏe mạnh của họ đã đi bên ngoài làm ăn, nuôi lại họ. Những ngôi nhà lụp xụp giờ đây được thay thế bằng những ngôi nhà ngói khang trang. Những cành mai tốt tươi sống từ mùa Tết năm trước đã bắt đầu khoe những bông vàng đầu tiên trong năm mới. Không khí rộn ràng trong làng không chỉ vào những ngày đón năm mới, mà còn vì người dân trong làng vẫn luôn tin tưởng về những tháng năm hạnh phúc phía trước. 

    Trong làng, những con đường tuy nhỏ nhưng được trải bê tông. Những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, lúc lên dốc, lúc xuống dốc như có cảm giác đang đi giữa một vùng đồi núi chứ không phải một ngôi làng nằm lặng lẽ ngay giữa lòng thành phố Biên Hòa. Người trong làng hiền hòa, hiếu khách và tiếp đón thân tình những người khách lạ đến thăm. “Làng người bệnh” như tên gọi từ hơn 50 năm giờ đây không còn nữa. Nhường lại cho sự hồi sinh và niềm tin vào một tương lai tươi sáng của những cư dân sống trong làng. 

    Mở lòng đón cuộc sống mới 

    Sinh ra từ làng phong, chị Nguyễn Thị C., thuộc thế hệ thứ hai của làng cho hay: “Những người thuộc thế hệ thứ hai của làng phong như chúng tôi chỉ bị di chứng nhẹ. Tôi không ngại khi người ta biết mình sống trong làng phong. Ngày trước, cuộc sống còn khó khăn, vậy mà những người trong làng vẫn thương yêu nhau, rồi thì cũng có những tình yêu đẹp. Họ đến với nhau đôi khi chẳng cần mâm cao cỗ đầy, vẫn sống hạnh phúc và cũng sinh ra những người con ngoan. Thời khó khăn cha ông mình còn làm được thế, hà cớ chi mình phải co cụm lại, hay mặc cảm, tự ti”. 

    Đến thế hệ thứ 3 như các con của chị C. đã không còn di chứng bệnh, đã hòa nhập được với cộng đồng, được học hành đến nơi đến chốn, tự do rời làng tiếp xúc với bên ngoài, đi làm hoặc kết hôn với người không mắc bệnh. Những thanh niên rời làng lên phố học tập, thành đạt, khi rảnh rỗi, hay ngày lễ Tết, vẫn quay về làng, chẳng sợ những người ngoài cười chê. 

    Em Vũ Thị Ph. (con gái của bà Đinh Thị H.) nói: “Thế hệ của em chẳng còn ai mang bệnh cả, được ra ngoài học tập, làm việc. Em chẳng giấu giếm mình lớn lên từ làng phong. Bệnh phong đã được chữa khỏi dứt điểm, xã hội biết điều đó nên họ cũng chẳng ngần ngại sống chung, hay kết hôn, sinh con như trước đây nữa. Em sinh ra và lớn lên ở đây nên em luôn tôn trọng những người dân trong làng. Nhờ có làng mà ông cha được quy tụ lại để chữa bệnh, sinh ra thế hệ tụi em khỏe mạnh. Điều đó làm tụi em tự hào thêm, chứ không có gì phải ái ngại”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn trẻ mặc cảm về nguồn gốc xuất thân, không dám cho ai biết mình sống trong làng phong. 

    Riêng T. (con ông Th.) thì thẳng thừng: “Thế hệ những người đầu tiên về sống ở làng gánh chịu sự kỳ thị và hắt hủi của những người không bị bệnh. Đó là khi xã hội chưa thấu hiểu và cảm thông, vậy mà ông bà mình vẫn sống, gắng gượng vươn lên, bám trụ lại để giữ gìn làng, để chứng tỏ bản thân tàn nhưng không phế. Còn hiện nay, những thế hệ trẻ không còn bệnh nữa, những người không mắc bệnh cũng vô tư sống chung với những cư dân làng phong. Xã hội đã thấu hiểu và cảm thông, cớ gì mình lại phải co cụm trong làng, mặc cảm, tự ti”. 

    Không chỉ T., nhiều bạn trẻ trong làng cũng tự tin rời làng, học tập và thành đạt, kết hôn và sinh ra những người con khỏe mạnh, bình thường. Điều đó làm chúng tôi luôn tin rằng, với nghị lực của tuổi trẻ, với niềm tin và hy vọng của người dân trong làng, và với sự sẻ chia của xã hội... Làng phong Tam Hiệp rồi đây sẽ chỉ còn lại trong ký ức...

    Ông Lê Hữu Trung, Trưởng khu phố 5, phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa chia sẻ: “Nếu như trước đây, những gia đình sống trong làng phong chỉ biết kiếm cho đủ cái ăn là được, chứ chưa nói gì đến chuyện học hành, thì nay, con cháu của họ đã được học hành đàng hoàng, thậm chí có nhiều em học rất giỏi, đỗ đại học, cao đẳng, ra ngoài lập nghiệp và thành đạt. Đó là điều bình thường với rất nhiều người, nhưng với người dân sống trong làng phong, đó lại là niềm vui lớn bởi những khó khăn của họ được con cháu bù đắp”.

    Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 15+16+17+số 4(Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-phong-tam-hiep-hoi-sinh-trong-long-pho-a308793.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan