(ĐSPL) - Làng Đông Sơn là một địa danh nổi tiếng từ thuở xưa và trở nên nổi tiếng hơn vào giữa thập niên 1920 khi những di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Đông Sơn lần đầu tiên được phát hiện tại đây.
Cụ Lê Văn Quê một cao niên của làng cổ Đông Sơn đang kể cho PV về nét văn hóa đặc trưng của làng cổ từ xưa cho đến nay. |
Làng Đông Sơn nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Đi từ đầu thành phố Thanh Hóa rẽ phải khoảng 1000m leo qua dốc Cửa Trổng, đến Chồng Mâm nằm dưới chân núi Mã Yên, đi thêm một đoạn bắt vào trục đường chính của làng cổ Đông Sơn, cuộc sống hầu như chảy trôi một nhịp khác hẳn với cảnh náo nhiệt nơi đô thị.
Mặc dù những địa danh nghe rất lạ tai, qua bao cuộc đắp đổi, giờ chỉ còn trong lời kể đứt đoạn của người già, nhưng làng Đông Sơn thì luôn nằm đó, tưởng chừng vẫn vẹn nguyên như thuở ông cha dựng ấp, lập làng đang sẵn sàng đón chào một mùa xuân mới của đất trời.
Hố khai quật được bảo tồn. |
Làng cổ của nền văn hóa Đông Sơn
Là ngôi làng có địa thế lưng dựa vào núi Rồng, núi Voi, núi Hùm, trước mặt là sông Mã ôm ấp, bao bọc tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình. Từ xa xưa, làng đã có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Người dân chịu thương, chịu khó, cần cù lao động nên cuộc sống phì nhiêu no đủ, và yên bình.
Qua mấy lần hỏi thăm người dân bản địa anh em chúng tôi cũng tìm được nhà ông Lương Quang Trung (73 tuổi), một người đã gắn bó cả đời với ngôi làng này như máu thịt. Chính ông đã nhiều năm cất công đi khắp vùng trong tỉnh để tìm tư liệu và các nhân chứng sống có thể kể lại gốc gác, lịch sử của ngôi làng.
Nói đến quê hương, trong giọng kể có phần bồi hồi của ông là niềm tự hào khôn xiết về nơi chôn dau cắt rốn, bởi có ai ngờ, một ngôi làng nhỏ bé, tách biệt với nơi phố thị phồn hoa không đầy 1 km nhưng lại mang trong đó cả kho tàng trầm tích văn hóa vô giá. Để rồi, Đông Sơn đã trở thành tên gọi riêng cho nền văn hóa rực rỡ bậc nhất của dân tộc ta trong suốt mấy nghìn năm xây dựng và phát triển đất nước.
Cổng làng nơi đi vào làng cổ Đông Sơn. |
“Làng Đông Sơn nằm giữa thung lũng, tứ bề là rừng núi. Nhưng nhờ bởi ông cha từ xưa đã có cách bố trí, sắp đặt, quy hoạch hết sức thông thái, khoa học giữa các cụm dân cư, đường ngõ và hệ thống thoát nước; lại thêm thế đất liền mạch theo chiều thoai thoải của núi Rồng nên dù có mưa gió, bão lụt thì làng vẫn được bảo vệ” theo ông Trung kể lại.
Chưa hết, nơi dựng làng là vị trí đắc địa cho phòng thủ và tác chiến nên mọi sự xâm nhập từ bên ngoài có thể được phát giác và ngăn chặn. Cũng vì địa thế ấy nên làng Đông Sơn đã được triều đình phong kiến nhà Lê chọn làm nơi xung yếu. Đồng thời, qua hai cuộc kháng chiến, nhất là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa quân và dân ta với những thần sấm, con ma của đế quốc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cái tên làng Đông Sơn một lần nữa được xướng lên như biểu tượng của sự can trường, anh dũng.
Ở giữa thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống ấm no nên con người nơi đây đã gây dựng cho mình một đời sống tinh thần, tâm linh vô cùng phong phú. Đông Sơn, cái làng quê điển hình thuần Việt ấy còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào, ai qua đây cũng cảm phục và yêu mến.
Người dân sống tuân thủ theo hương ước của làng, với 120 – 130 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ... Làng còn được chia thành nhiều 6 làng nhỏ thể hiện một mức sống tinh thần khá cao, với làng Văn – người học chữ Nho, làng Võ – người đi lính, làng Nhạc – người chơi nhạc, làng Hộ - người trông coi Văn Thánh….
Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...
Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...; đặc biệt, hội làng diễn ra vào 3-3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống.
Các di tích văn hoá cũng như dấu tích văn hoá Đông Sơn phân bố rộng nhưng vẫn mang tính thống nhất rất đậm nét. Môi trường và cảnh quan sinh thái của những vùng phân bố di tích Đông Sơn rất thuận lợi cho cuộc sống của con người khiến cho nhiều di tích văn hoá Đông Sơn được con người sử dụng kế thừa liên tục trong suốt 2000 năm trôi qua.
Cần lắm việc công nhận, bảo tồn và phát triển
Ít có làng nào đặc biệt và chất chứa trong nó nhiều trầm tích văn hoá, giá trị lịch sử về nguồn cội cha ông cũng như mang nhiều ý nghĩa lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch như làng Đông Sơn. Tuy nhiên những giá trị đó hoặc bị bỏ quên hoặc chưa gìn giữ, phát huy đúng với những gì vốn có từ xưa đến nay của ngôi làng này.
Các kết quả nghiên cứu khảo cổ đã minh chứng Đông Sơn từng là nơi sinh sống của người Việt cổ, việc tìm ra trống đồng đã minh chứng nền nông nghiệp Cổ Đại đã phát triển mạnh dưới thời đại Hùng Vương của người Lạc Việt nơi đây.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các tầng văn hoá khai quật được đã thể hiện rõ nơi đây chính là làng có lịch sử định cư liên tục từ thời cổ cho đến nay. Kết cấu xóm làng cũng như kiến trúc vẫn mang đậm dấu ấn của một làng Việt cổ với những lối đi nhỏ được lát gạch hoặc đá. Còn rất nhiều nếp nhà xây bằng đá xanh vững chãi gần trăm năm.
Đặc biệt, trong làng có 7 nếp nhà gỗ có tuổi đời hơn 100 năm. Và nhiều nét văn hóa riêng độc đó. Vậy nhưng đến nay, những căn nhà gỗ có tuổi đời hàng trăm năm cũng chưa được bất kỳ cấp, ngành nào quan tâm tu bổ, gìn giữ. Ông Dương Chân - xóm Nghĩa, người có nhà cổ 120 năm băn khoăn: “Ngôi nhà đối với gia đình tôi như báu vật, nó được gìn giữ nhiều năm, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử dân tộc, bây giờ bắt đầu xuống cấp cũng chẳng thấy ai đoái hoài gì”.
Từ cánh cổng, con ngõ, nếp nhà, lịch sử, đình đền, lễ hội…. tất cả các yếu tố văn hoá đều minh chứng Đông Sơn là một làng cổ đích thực. Nhân dân tự hào gọi đây là làng cổ, các vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng chung niềm tự hào ấy nhưng đó mới chỉ là niềm tự hào “tự xưng”.
Theo ông Lê Trọng Giang – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cho hay “đến nay chưa có bất kỳ một văn bản chính thức nào công nhận Đông Sơn là làng cổ”. Phải chăng các nhà khoa học chỉ đến làng để đào xới, tìm cho ra đồ đồng, đồ sắt mang đi phục vụ các quan niệm, giả thiết khoa học của mình mà quên mất đây chính là làng cổ cần được góp tiếng nói để được công nhận?
7 lần khai quật nhưng đến nay chỉ một hố khai quật sau chùa được giữ nguyên trạng, còn 6 hố kia “đào lên lấy hiện vật rồi lấp xuống”, việc chỉ biết tự hào mà không biết làm thế nào để minh chứng các giá trị văn hoá của làng cổ ngoài việc “chúng tôi đã đề xuất nhiều lần lên cấp trên nhưng chưa thấy phản hồi gì?".
Cảnh quan làng cổ ngày càng bị méo mó vì không được quan tâm đúng mức. Người làng Đông Sơn ngày càng khó khăn vì sinh kế bị thu hẹp, dân số ngày càng đông lên.
Theo cụ Đặng Văn Quê 85 tuổi cho biết, trước kia đất ruộng ven sông, hồ phì nhiêu giờ đã bị thu hồi phần lớn để phục vụ khu du lịch ẩm thực hồ Kim Quy cũng như các dự án khác về văn hóa thì ở cái làng này có cả một kho tàng vô giá về giá trị văn hóa nhưng rồi cũng đã dần dần bị mai một do không được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền.
Đất bãi màu cũng bị xà xẻo để cho các doanh nghiệp tập kết cát. Làng hiện có 379 hộ với 1.200 nhân khẩu. Mang tiếng thị thành nhưng sống biệt lập với nơi phố thị phồn hoa, mang cái nghèo đặc trưng của ngôi làng cổ xong trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống.
Các di tích văn hoá dấu tích văn hoá Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, đình, chùa, động Tiên, động Long Quang đã trở thành những địa danh nổi tiếng ở ngôi làng cổ điển hình cho làng quê đất Việt nhất là vào mỗi dịp xuân về thì nơi đây như một bức tranh thu nhỏ của làng quê Việt Nam chỉ có ở ngôi làng cổ này.
Một số hình ảnh thu nhỏ về con người của làng cổ Đông Sơn: