(ĐSPL) - Người ta đặt cho anh cái biệt danh lạ đời "gã khùng", bởi anh là người làm giàu, đi lên giữa "mê cung" toàn đá với đá nằm dưới chân núi Quèn Thờ.
Từ chốn hoang sơ bốn bề là núi đá, cỏ dại, chốn lam sơn chướng khí, đêm đến chỉ nghe thấy tiếng gió gào thét trong những thung lũng hẹp. Anh đã biến vùng đất sỏi đá này thành một "thung lũng trong mơ" với ao cá, rừng cây cùng bầy dê hàng trăm con nhởn nhơ gặm cỏ.
Người mà chúng tôi nhắc tới đó chính là "gã khùng" Trịnh Văn Đàm, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình (SN 1972).
Anh Trịnh Văn Đàm giữa đàn dê. |
Húc đầu vào đá núi
Dân làng gọi "gã khùng" ấy là một "dị nhân" cũng không quá lời, bởi sau 20 năm khai hoang, cày cuốc, đôi bàn tay vợ chồng anh Đàm nhiều lúc rớm máu trong cái thời tiết khắc nghiệt. Đến nay anh Đàm đã có một thung lũng như chốn thảo nguyên trong mơ mà nhiều người ao ước. Nhìn nước da ngăm đen của anh, ai cũng hiểu đây chính là một "bằng chứng sống" cho những tháng ngày sương gió, nắng rát dưới chân núi Quèn Thờ để chế ngự thiên nhiên hùng vĩ này.
Nhớ về ký ức những ngày đầu bước chân vào chốn núi rừng hoang sơ lập nghiệp, anh nở nụ cười sảng khoái vang vọng khắp núi đá: "Ngày ấy quyết tâm, ý chí của tôi là đúng. Tôi chưa một lần bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách mà thiên nhiên mang tới. Tôi sinh ra ở huyện Yên Mô, khi lớn tôi tham gia quân ngũ, sau ba năm rèn luyện, tôi trở về quê hương. Lúc đó hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, tôi có ý định buôn bán nhưng lại không có vốn. Cả nhà chỉ sống và trông chờ vào 5 sào ruộng. Với quyết tâm làm giàu, năm 1993 tôi theo chân một số người bạn vào chân núi Quèn Thờ (Đông Sơn, thị xã Tam Điệp) làm kinh tế, tôi chọn thung lũng này là nơi khởi nghiệp của mình".
Bất chấp những lời can ngăn của gia đình, hàng xóm anh bỏ lại nhà cửa ở vùng đồng bằng, lên nơi rừng núi hẻo lánh này lập nghiệp. "Thời điểm đó, ở xã tôi không ai có ý định rời bỏ cái cuộc sống an nhàn, bình thường để lao vào cái khổ cái khó cả. Nhưng với niềm đam mê làm giàu, muốn thử cuộc sống mới dù có gian nan, vất vả tôi đã quyết định đi trái lại suy nghĩ của mọi người, tìm cho mình một lối đi riêng", anh kể.
“Ngày mới vào khai phá núi đá, thung lũng rậm, tay vạch cỏ lau mà đi, người đi cách người chỉ vài mét đã không nhìn thấy bóng, đêm đến chỉ nghe thấy tiếng gió gào hú. Chuyện vỡ hoang là cả một kỳ tích nhất là chỉ với đôi bàn tay, sức vóc con người". Anh bộc bạch với chúng tôi bằng ánh mắt đăm chiêu nhưng đầy khát vọng.
Thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn, chỉ với 2 triệu đồng làm vốn cho "công cuộc" khai hoang núi đá. Anh dựng một túp lều tranh, vách lều được kết bằng chính những cây lau, cột kèo được buộc bằng dây rừng. Lấy nước trong hang núi làm nước sinh hoạt, ăn uống, vỡ đất trồng lúa, ngô, khoai sắn để làm lương thực chính cho cả gia đình. Sau vài tháng, anh quyết định vay thêm tiền mua lợn, mua cá về nuôi, cứ thế trang trại của anh ngày càng phát triển khang trang hơn.
Anh nghĩ, mình nên "liều" để thay đổi cuộc sống hơn nữa, anh tìm đến huyện Nho Quan (Ninh Bình) để học cách nuôi dê.
Anh Đàm tâm sự: "Một vùng đất rộng lớn như thế này mà chỉ cày cấy, nuôi lợn, gà thì vô cùng phí, cỏ nhiều, hang núi cũng nhiều rất thích hợp với việc nuôi dê và phát triển chúng. Được tiền từ lứa lợn đầu tiên, tôi đã mua được 6 con dê. Do chưa biết cách chăm sóc chúng nên tôi đã để chết mất 2 con, tôi thấy tiếc và sợ mình không thể nuôi được chúng nữa. Nhưng cuối cùng, vất vả hơn 10 năm ròng, đất không phụ lòng người. Tôi đã thành công".
Hiện nay, đàn dê của anh đã lên được gần hai trăm con mỗi năm, so với những hộ chăn nuôi dê ở vùng núi này thì con số đó quả là vô cùng lớn. Anh kể lại cho chúng tôi những khoảnh khắc hạnh phúc của anh khi tự tay đỡ đẻ cho những chú dê sơ sinh đầu tiên, hay chính những lúc vợ chồng anh cùng nhau chăm sóc đàn dê vượt qua những căn bệnh quái ác.
Chuyện tình cổ tích giữa "thảo nguyên xanh"
Không chỉ chế ngự được thiên nhiên, anh Đàm còn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi câu chuyện ly kỳ như tiểu thuyết của mình. Nhắc đến người vợ đã cùng anh chịu bao vất vả anh bùi ngùi: "Ngày ấy nếu không có vợ động viên an ủi và cùng tôi vượt qua những thử thách cao như núi trên kia thì chắc tôi cũng chẳng có được cơ ngơi như ngày hôm nay".
Anh Trịnh Văn Đàm kể lại những tháng ngày gian khó. |
Nén một chút cảm xúc trước mắt, anh nhớ lại ngày yêu nhau, vì hoàn cảnh gia đình anh quá khó khăn, gia đình chị Thiết không đồng ý để con gái mình chịu khổ. Nhưng anh chị vẫn quyết tâm đến với nhau, cũng chính vì lý do đó khiến anh có động lực "tự vươn lên" đấu tranh cho tình yêu của mình. Anh rời quê vào Quèn Thờ lập nghiệp, chỉ kịp dặn lại người yêu "hãy tin tưởng vào sự lựa chọn của anh".
Khi anh trở thành "gã khùng" dưới chân núi Quèn Thờ thì gia đình nhà gái càng phản đối kịch liệt, vì họ sợ con gái mình sức khỏe yếu, không làm được những công việc nặng nhọc tại nơi lúc sương gió, khi nắng rát như vậy. Dù có bị phản đối quyết liệt cũng không thể lay chuyển được tình yêu của anh chị.
Anh Đàm cười hạnh phúc: "Vợ tôi cũng mạnh mẽ lắm và từng nói với tôi, em chỉ muốn những ngọn núi anh vượt qua có cả dấu chân của em in ở đó. Em không sợ khó, sợ khổ. Tôi hạnh phúc vô cùng. Chúng tôi đã vượt qua rào cản cùng nhau tạo nguồn sống cho những vách đá, ngọn núi này".
Từ ngày lấy nhau, anh chị chuyển hẳn vào Quèn Thờ sinh sống, anh lại nhớ ngày mới về, chị nhìn ngắm cái lều tranh thấp bé giữa vách núi đá này. Anh hiểu rất nhiều những việc mình phải làm sau đó, anh vác búa lên núi đập đá về tự xây nhà. Ngôi nhà cứ xây lên là đổ vì phải trộn vôi với đất để làm vữa, sau bốn lần đổ thì anh chị cũng có được một gian nhà che gió, che mưa và giữ gìn hạnh phúc.
Anh tâm sự: "Hai mươi năm theo tôi vào đây, chưa một lần vợ chồng tôi to tiếng hay vì công việc mệt mỏi mà muốn từ bỏ. Vợ tôi cũng đã động viên tôi rất nhiều. Mặc cho những khó khăn luôn rình rập nhưng vợ tôi vẫn luôn tin tưởng và cùng tôi trèo qua mọi vách núi".
Khi khát vọng làm đá nở hoa Hiện nay trang trại của anh đã có gần 200 con dê, 10 con hươu và 5 cặp nhím, 2ha ao cá và rất nhiều cây gỗ quý. Cách nuôi dê và chăm sóc dê của "gã khùng" cũng rất khác thường. Anh hiểu rất rõ về những con vật mình đã nuôi, hàng ngày lùa dê lên núi anh không quên treo một túi muối ở cửa chuồng, như vậy lũ dê sẽ nhớ đường về nhà mà không cần gọi. “Dê không kén ăn, chúng ăn bách thảo, đủ loại cây trên rừng nên tôi chọn Quèn Thờ để nuôi dê cũng là một thành công rất lớn”. |