“Xin hãy tử tế với người đã chết...”
Mới đây, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một cây bút quen thuộc về Đường Lâm đã đăng tải một bài viết với tiêu đề: "Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm", trong đó anh tỏ ra vô cùng bức xúc vì nếp nhà cổ Đường Lâm và nhiều nếp nhà khác đã bị xâm hại theo đúng nghĩa đen. Những bức xúc này xuất phát từ việc để sản xuất ra những đĩa phim hài gây cười kiếm lời, nhà sản xuất và các nghệ sỹ hài nổi tiếng của Việt Nam như Phạm Bằng, Kim Oanh, Quang Thắng... đã có những hành động và lời nói tục tĩu, phản cảm ngay trước bàn thờ của những người đã khuất, trong tòa nhà thờ cổ của dòng họ anh ở làng cổ Đường Lâm.
Nhiều cảnh quay "nhạy cảm" bị lên án vì diễn ra ngay trước ban thờ của nhà thờ cổ? |
Những điều "gai mắt" của các diễn viên trong các vở hài kịch này khiến nhà báo Doãn Hoàng phải gay gắt lên tiếng: "Họ vạch váy áo của nhau ra. Họ sờ nhau và diễn cảnh chim chuột (ngoại tình giữa quan anh và vợ của quan em) ngay trong ngôi nhà cổ đó, nơi các cụ nhà tôi cũng đều là quan cả...
Họ ngồi, đứng, vén váy, sờ chỗ nhạy cảm của nhau, chia tiền hối lộ, giấu hòm tiền xuống gầm bàn thờ, chửi bới nhau tục tĩu ngay trên cái sập thờ thiêng liêng chính giữa ngôi nhà thờ của chúng tôi... Đáng sợ là nạn đóng phim hài, thể loại phim đậm chất dân gian cải biên có quá nhiều dâm tục. Các bộ phim ấy quý báu với ai thì tôi không biết, nhưng diễn cảnh chợ búa ở trước bàn thờ nhà tôi, nó là một thứ mất dạy.
Các bộ phim được đóng với tiếng loa của đạo diễn inh tai nhức óc, diễn viên quần chúng chạy ào ào, họ phát sóng, bán băng đĩa vô cùng ầm ĩ. ông Phạm Bằng (diễn viên) sờ soạng, cởi yếm cô Kim Oanh (diễn viên), ông Quang Thắng chửi bới tục tĩu "tổ cha tổ mẹ", lũ nọ lũ kia; ông Quốc Anh rầm rĩ "bắt nó ăn ba bát cứt chó", dân làng ơi vào xem thằng này ăn hết ba bát cứt chó cấm rớt ra tí nào...".
Sau những chia sẻ xót xa này của nhà báo Doãn Hoàng, rất nhiều người đã vào cuộc chỉ trích những diễn viên hài vô ý thức, cũng như sự thờ ơ của các ban ngành quản lý với các di tích văn hóa. ông Nguyễn Quý Lăng, một cựu chiến binh ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ.
"Tôi cũng thích một số video hài của các nghệ sỹ những dịp tết đến, nhưng xin đừng cợt nhả thô thiển như vậy. Mấy nghệ sỹ hài này quả thực đã không kiêng nể ngay cả khi ở chốn thâm nghiêm, tâm linh, vì thế cần phê phán mạnh mẽ những hành động này. Hài kịch hay kịch gì nữa thì cũng cần phải có chút văn hóa, nếu không sẽ là bi kịch cho nền văn hóa Việt Nam. Nên đề nghị di tích lịch sử văn hóa chỉ được quay phim tài liệu, nghiên cứu lịch sử, khoa học, chứ không được dùng làm phim trường bởi sẽ làm mất đi giá trị văn hóa của di tích. Và các nghệ sỹ (không riêng gì nghệ sỹ hài) nên xem xét thật kỹ bối cảnh trước khi diễn để không làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống á Đông".
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Ai sẽ là người phải xin lỗi người dân nếu các nghệ sỹ hài làm hoen ố “thánh địa” làng cổ?
Nghệ sỹ Quốc Anh (thứ 2, từ trái sang) cùng nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trong vở hài Tết 2014. |
"Chúng tôi thấy điều đó là bình thường"
Nếu như những người lên án vở hài kịch này đều cho rằng các nghệ sỹ đã có những hành vi và lời nói dung tục, phản cảm thì chính các nghệ sỹ lại cho rằng, việc này là hết sức bình thường. Nghệ sỹ Quốc Anh chia sẻ với PV báo Đời sống pháp luật: "Hài dân gian quay ở làng cổ Đường Lâm tôi thấy không hề tục chút nào. Bản thân người diễn viên trước khi quay đã được đọc và xem kịch bản cụ thể, vì thế, nếu có đoạn quay nào "chưa chuẩn" chúng tôi sẽ ý kiến ngay với đoàn làm phim. Vì làm phim hài nên chúng tôi quay nhiều đến yếu tố hài, gây cười cho khán giả, những đoạn "nhạy cảm" cũng có, nhưng nó rất ít, chỉ là chi tiết điểm xuyết cho phim và có thể chấp nhận được".
Mặt khác, đạo diễn Phạm Đông Hồng - Giám đốc công ty CP Nghe nhìn Thăng Long, đơn vị sản xuất phim cho biết, phim "Chôn nhời" đã từng quay ở làng Đường Lâm từ Tết 2014, nhưng bài báo mới đây nói về cảnh quay "phản cảm" ngày 6/8 mà đưa ảnh của phim hài "Chôn nhời" Tết 2014 là chưa chính xác.
"Hiện nay các đĩa hài dân gian do nhiều công ty quay và phát hành, các đoàn làm phim muốn quay thì phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và gia chủ. Bản thân chúng tôi đi làm hài tết cũng phải qua chính quyền địa phương, thỏa thuận với chủ nhà thì mới được vào quay. Ngay khi chúng tôi quay hài "Chôn nhời" thì kịch bản hài cũng được bên Ban quản lý làng cổ Đường Lâm xem qua kịch bản, hơn nữa, cảnh quay nào cũng có người nhà giám sát, vì thế, có gì phản cảm, tục tĩu thì họ sẽ ý kiến ngay", đạo diễn Phạm Đông Hồng nhấn mạnh.
Trong câu chuyện này, có thể thấy các bên phản ứng khác nhau trước sự việc xuất phát từ các góc nhìn văn hóa khác nhau. Nhà sản xuất và nghệ sỹ thì cho rằng điều đó là bình thường vì không thể đánh đồng phim và đời thực, trong khi đó, dư luận và chính người con của dòng họ có nhà thờ tổ thì lại bức xúc vì nghệ thuật dù có sáng tạo hay cải biên thì cũng phải phù hợp với văn hóa, hoàn cảnh. Thực tế là một loạt những vấn đề nổi cộm như cạn vốn kịch bản, thiếu ý tưởng, nhạt về cách thể hiện... đang đưa sân khấu hài đi vào lối mòn, trong đó có nhiều vở hài kịch chọc cười bằng cách dung tục, kém duyên khiến khán giả càng xem càng bực mình.
Trao đổi với PV, nhà văn hóa Lê Quý Đức - nguyên Viện trưởng viện Văn hóa phát triển cho rằng, nghệ thuật là đòi hỏi sáng tạo, bứt phá, tức là làm mới mình bằng hình tượng nghệ thuật và lối diễn mới, nhưng "sự sáng tạo" ấy hoàn toàn không phụ thuộc vào các yếu tố giật gân, câu khách bị cho là thiếu văn hóa, rẻ tiền. Và có một điều lạ là những vở kịch thừa phản cảm, thiếu lành mạnh như thế mà vẫn được diễn trước đông đảo quần chúng, vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa ở đâu? Liệu họ có duyệt kỹ nội dung tác phẩm trước khi đem "chiếu" trước công chúng?
Từ đó, ông Đức cho rằng, có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý văn hóa kịch sân khấu phải bàn kỹ về chất lượng và tính nhân văn của mỗi vở diễn, xem lại tư cách và ý đồ đạo diễn. Từ đó, có thể cấm diễn những vở kịch có tình tiết "nóng", lời nói tục tĩu, phản cảm và không nên "thả" rồi "đuổi" như hiện nay.
"Đá bóng" trách nhiệm? Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, PV có thể hỏi bên phòng Quản lý biểu diễn & băng đĩa. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ với ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa, thì được ông Tuấn cho hay: "Chúng tôi có nghe thông tin bức xúc của dư luận về hài kịch dân gian "Chôn nhời" bị cho là phản cảm, tục tĩu nhưng nếu không có ý kiến chính thức từ cục Nghệ thuật Biểu diễn thì chúng tôi không được phép trả lời". Khi chúng tôi nói Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đã ủy quyền cho phòng Quản lý biểu diễn & băng đĩa trả lời vấn đề này thì ông Tuấn cho biết thẩm quyền trả lời thuộc về phòng Quản lý băng đĩa, không phải chuyên môn của ông(?!). "Đừng đánh đồng giữa phim ảnh và đời thực" Lý giải về phản ứng bức xúc của dư luận, cho rằng vở kịch có những phân đoạn nhạy cảm, thiếu văn hóa được quay ngay tại nhà thờ cổ, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, quay hài dân gian thì một yếu tố quan trọng là gây cười, do vậy yếu tố "đố tục giảng thanh" cũng có, tuy nhiên sẽ không nhiều, đó chỉ là những cảnh quay nhỏ thôi, đừng đánh đồng nó giữa phim ảnh và đời thực. |